Cà phê 2011, sức bật về giá

Cà phê 2011, sức bật về giá

(ĐTCK-online) Từ mức giá rất thấp 24.000 - 25.000 đồng/kg năm 2010 khiến người nông dân chẳng màng thu hái, giá cà phê trong những ngày đầu năm 2011 đã tăng mạnh, vượt 37.000 đồng/kg. Thị trường giao dịch mặt hàng này được nhận định sẽ sôi động trong năm 2011.

Giá cà phê nhân xô đóng cửa ngày giao dịch cuối cùng năm 2010 tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 1.000 đồng/kg, lên mức 37.200 đồng/kg. Giá FOB đứng ở mức 1.915 USD/tấn. Trên các thị trường quốc tế, ghi nhận của Hiệp hội Cà phê  -Ca cao Việt Nam (Vifoca) cho thấy, giá tăng ở mọi nơi.

Tại thị trường NewYork, giá cà phê Arabica giao tháng 3 đạt 238,45 cent/lb. Hợp đồng tháng 5 đóng cửa ở mức 241 cent/lb. Hợp đồng các tháng còn lại đóng cửa với mức tăng từ 0,4 đến 0,65 cent. Giá cà phê Robustas trên thị trường kỳ hạn Lodon đóng cửa tăng mạnh. Cụ thể, hợp đồng tháng 1 đóng cửa với mức tăng 25 USD/tấn, chốt ở mức 1.995 USD/tấn, sau khi dao động trong biên độ 1.973 - 2.004 USD. Hợp đồng tháng 3 đóng cửa tăng 27 USD/tấn, chốt ở mức 2.024 USD/tấn, sau khi dao động trong biên độ 1.997 - 2.033 USD/tấn. Hợp đồng các tháng còn lại đóng cửa với mức tăng 30 USD/tấn.

Trong những phiên giao dịch đầu năm 2011, giá cà phê trên thị trường thế giới tiếp tục tăng, từ mức 2.025 USD/tấn lên 2.082 USD/tấn. Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên tăng thêm từ 300 - 400 đồng/kg và dao động quanh mức 37.300 - 37.500 đồng/kg.

Giá cà phê diễn biến trái chiều với năm 2010 do nguồn cung được nhận định sẽ khan hiếm. Sản lượng cà phê trong năm 2011 tại Brazil , quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, có thể giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua, do các cây cà phê đi vào thời kỳ sản lượng giảm trong chu kỳ 2 năm đạt sản lượng một lần. Thông thường, cây cà phê không thể duy trì được mức sản lượng cao trong 2 vụ liên tiếp. Người nông dân sẽ thu hoạch được khoảng 37 triệu bao, giảm 23% so với mức 48,1 triệu bao năm 2010. 

Tại Ấn Độ, lo ngại về nguồn cung trên thị trường trong nước và quốc tế đẩy giá cà phê tăng cao, trong khi những người trồng cà phê đang giữ lại cà phê với hy vọng giá sẽ tiếp tục tăng. Hành động đầu cơ, găm giữ hàng khiến thị trường có thể đối mặt với các đợt khan hiếm giả tạo, đẩy giá cả tăng mạnh hơn.

Báo cáo mới nhất từ Vifoca cho thấy, diện tích cà phê của Việt Nam vẫn giữ ở mức 500.000 héc-ta. Như vậy, trong 2 năm qua, diện tích cà phê của Việt Nam không có sự biến động nào đáng kể. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia của Hiệp hội, có những yếu tố tác động đến sản lượng vụ 2010/2011 đã thể hiện rõ. Qua phân tích, các chuyên gia đã chỉ ra, gần 30% cà phê già đến thời kỳ tái canh sản lượng sẽ giảm do quả ít, hạt nhỏ. Song song với diện tích cây già cỗi thì thời tiết cũng tác động không nhỏ. Hạn hán trải rộng trên lãnh thổ Việt Nam nên hạt cà phê sẽ nhỏ, tác động đến sản lượng. Thời tiết năm nay có thể khiến vụ thu hoạch chậm hơn các vụ trước 1 tháng.

Ngoài ra, 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum là nơi có sản lượng cà phê lớn sau Đắk Lắk và Lâm Đồng bị bão trái mùa cuối năm 2010 gây gẫy cành và đổ cây, tiếp theo lại bị hạn hán, sản lượng vùng này có thể giảm tới 20% so với vụ 2009/2010. Vì vậy, Hiệp hội dự báo, sản lượng cà phê niên vụ 2010/2011 sẽ thấp hơn vụ 2009/2010.

Theo ghi nhận, chưa bao giờ vào đầu vụ mà giá cà phê lại ở mức cao như năm nay. Đây là dấu hiệu khởi sắc cho thị trường cà phê trong năm mới. Trước những dự báo lượng dự trữ cà phê của các nước đang giảm mạnh, trong khi sản lượng cà phê của Việt Nam trong năm nay giảm gần 20% so với năm trước và việc Chính phủ sẽ hỗ trợ mua tạm trữ khoảng 300.000 tấn cà phê ngay từ đầu năm, giá cà phê trong thời gian tới được nhận định tiếp tục tăng.