Các chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 9/2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sửa quy định đấu giá trực tuyến; Nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng... là những chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 9/2023.

1. Sửa quy định đấu giá trực tuyến

Có hiệu lực từ 1/9/2023, Nghị định 47/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản.

Trong đó, Nghị định 47/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định tổ chức đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến.

Cụ thể, trong trường hợp đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến thì tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá tài sản quy định tại Chương III và Chương IV của Luật Đấu giá tài sản, quy định tại Chương III của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản và quy định của Nghị định này.

Tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tổ chức việc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến thông qua việc thuê, sử dụng Trang thông tin đấu giá trực tuyến. Trang thông tin đấu giá trực tuyến được thiết lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về thông tin và truyền thông, pháp luật về thương mại điện tử, bao gồm Trang thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia, Trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng và Trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản.

Tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức mình để tổ chức việc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến đối với tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định của pháp luật.

Chi phí tham gia Trang thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia, chi phí thuê tổ chức đấu giá tài sản có Trang thông tin đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến được tính vào chi phí đấu giá tài sản quy định tại khoản 2 Điều 66 của Luật Đấu giá tài sản.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, bộ, ngành liên quan quy định chi phí sử dụng Trang thông tin đấu giá trực tuyến quốc gia thuộc cổng thông tin đấu giá tài sản quốc gia.

2. Bổ sung nguyên tắc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức

Có hiệu lực từ 15/9/2023, Nghị định số 48/2023/NĐ-CP ngày 17/7/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Trong đó, quy định về nguyên tắc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, ngoài 4 nguyên tắc theo quy định tại Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, Nghị định 48/2023/NĐ-CP đã bổ sung thêm 2 nguyên tắc gồm:

5- Cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính thì đánh giá, xếp loại chất lượng như sau:

a) Cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

b) Trường hợp hành vi vi phạm chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền nhưng đã được dùng làm căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong năm đánh giá thì quyết định xử lý kỷ luật ban hành sau năm đánh giá đối với hành vi vi phạm đó (nếu có) không được tính để đánh giá, xếp loại chất lượng ở năm có quyết định xử lý kỷ luật.

c) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên, đã bị xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính về cùng một hành vi vi phạm nhưng quyết định kỷ luật đảng và quyết định kỷ luật hành chính không có hiệu lực trong cùng năm đánh giá thì chỉ tính là căn cứ xếp loại chất lượng ở một năm đánh giá.

6- Tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỉ lệ đảng viên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo quy định của Đảng. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thành tích xuất sắc, nổi trội, hoàn thành vượt kế hoạch các công việc được giao, hoàn thành tốt các công việc đột xuất, có đề xuất hoặc tổ chức thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực thì cấp có thẩm quyền quyết định tỉ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức viên chức.

3. Nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng

Có hiệu lực từ ngày 5/9/2023, Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng.

Nghị định số 55/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng đối với người có công với cách mạng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với thương binh loại B; mức hưởng trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

Tin bài liên quan