Các công ty cổ phần tư nhân thay nhau bán mình cho chủ nợ

Các công ty cổ phần tư nhân thay nhau bán mình cho chủ nợ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn, những tên tuổi lớn nhất của các công ty cổ phần tư nhân, bao gồm KKR và Bain Capital, đang chuyển giao các công ty gặp khó khăn cho chủ nợ.

Theo các chuyên gia, chi nhánh châu Âu của Bain Capital gần đây đã nhượng lại quyền sở hữu nhà sản xuất Wittur của Đức cho công ty tín dụng của KKR.

Ngoài ra, nhà cung cấp mực in Flint, được Goldman hậu thuẫn cũng đang đàm phán với các chủ nợ về việc chuyển giao quyền kiểm soát. Carlyle dự kiến giao quyền kiểm soát công ty bảo mật Praesidiad cho một nhóm công ty cho vay, bao gồm cả công ty tín dụng của Bain Capital.

Trong khi đó, công ty cổ phần tư nhân của KKR đã mất quyền kiểm soát công ty thanh toán Unzer của Đức vào tay một nhóm chủ nợ gồm Goldman Sachs, công ty cổ phần tư nhân Partners Group của Thụy Sĩ và nhà quản lý tín dụng Alcentra của EU.

Financial Times cho biết, ở Mỹ, khoản đầu tư của KKR vào công ty chăm sóc sức khỏe Envision cũng bị xóa sổ sau khi họ ký thoả thuận để một nhóm tổ chức cho vay, bao gồm Blackstone tiếp quản công ty này.

Việc vội vã chuyển giao công ty đang gặp khó cho các chủ nợ cho thấy đây là những vấn đề lớn mà nhiều công ty cổ phần tư nhân phải đối mặt. Các công ty trong danh mục đầu tư của họ phải đối mặt với lãi suất cao hơn, lạm phát dai dẳng và các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Nó cũng cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của dòng tín dụng được cung cấp bởi công ty cho vay thuộc các công ty cổ phần tư nhân lớn. Trong những năm gần đây, tín dụng tư nhân là một lĩnh vực kinh doanh phát triển nhanh hơn cả lĩnh vực mua lại của nhiều tên tuổi lớn nhất trong ngành, bao gồm Apollo, Carlyle và KKR.

“Chúng ta đã trải qua nhiều năm kiếm tiền dễ dàng và lãi suất thấp. Mọi thứ đều ổn cho tới khi đại dịch COVID-19, xung đột của Nga và Ukraine, và chu kỳ lãi suất tăng xảy ra", Jeanine Arnold - Giám đốc điều hành của cơ quan xếp hạng Moody's nói.

Các doanh nghiệp thuộc sở hữu của các công ty cổ phần tư nhân đang gặp rất nhiều khó khăn, một phần vì khoản nợ dùng để tài trợ cho việc mua lại không được phòng ngừa rủi ro tăng lãi suất. Khi lãi suất tăng lên, số tiền trả nợ cũng tăng lên và các công ty phải chi nhiều tiền hơn để trả nợ.

Paul Goldschmid, đối tác tại công ty quản lý đầu tư King Street, cho biết: Các công ty cổ phần tư nhân tương đối ít để ý đến việc phòng ngừa rủi ro lãi suất đối với khoản nợ có lãi suất thả nổi của họ và giờ đây lãi suất đã tăng lên, chi phí trả nợ đã tăng hơn gấp đôi trong một năm rưỡi qua.

Một vấn đề đối với phía cho vay là nhiều khoản vay được sử dụng để tài trợ cho các giao dịch không có các cam kết chặt chẽ. Các điều khoản cho vay lỏng lẻo giúp các công ty cổ phần tư nhân linh hoạt hơn trong việc đưa ra các giải pháp nhằm duy trì hoạt động cho công ty của họ, bao gồm cả việc gánh thêm các khoản nợ.

Nếu một loạt công ty vỡ nợ, điều đó có thể khiến các chủ nợ thua lỗ cũng như đau đầu khi phải sở hữu những tài sản mà họ không có ý định sở hữu.

Tin bài liên quan