Các ngân hàng trung ương châu Á quay cuồng đối phó với hậu quả sau thời kỳ tiền rẻ

Các ngân hàng trung ương châu Á quay cuồng đối phó với hậu quả sau thời kỳ tiền rẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chính phủ đang phải vật lộn với lạm phát, hỗn loạn tiền tệ và các công ty yếu kém sau gói cứu trợ lớn nhất từ trước đến nay.

Vào mùa Xuân năm 2020, các nền kinh tế trên toàn thế giới đang đứng trước bờ vực sụp đổ khi đại dịch Covid-19 càn quét qua toàn cầu. Các chính phủ đã thực hiện phong toả và các cơ quan quản lý tiền tệ giảm lãi suất và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn để giữ cho các doanh nghiệp không bị phá sản. Các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới đã mở rộng bảng cân đối kế toán của họ thêm 10.000 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2021 để ngăn chặn sự sụp đổ.

Hai năm sau, đời sống kinh tế đang dần trở lại bình thường, nhưng các ngân hàng trung ương hiện phải đối mặt với hậu quả sau những nỗ lực phi thường trong giai đoạn đại dịch. Cả chính phủ và khu vực tư nhân đang phải đối mặt với một loạt vấn đề - nợ, lạm phát, hỗn loạn tỷ giá hối đoái, và các ngân hàng trung ương đang có sứ mệnh mới là giành lại quyền kiểm soát lạm phát.

Nhiều quốc gia - chẳng hạn như Mỹ - đang trải qua tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 40 năm. Các quốc gia châu Á bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đã chứng kiến ​​dòng tiền tràn vào khiến giá bất động sản tăng đột biến. Trong đó, bong bóng bất động sản đã bị vỡ ở Trung Quốc.

Các công ty vừa và nhỏ của châu Á đang đối mặt với nợ nần chồng chất, có nguy cơ trở thành những “công ty zombies” cần sự hỗ trợ liên tục.

Trong khi đó, thị trường tiền tệ đang hỗn loạn, một phần là kết quả của các chiến lược chống lạm phát khác nhau và lãi suất phân kỳ. Với việc Mỹ tăng lãi suất, các nhà đầu tư theo đuổi lợi nhuận cao hơn đang chuyển sang đồng đô la, kéo đồng bạc xanh lên mức cao nhất kể từ năm 1985 về trọng số thương mại. Trong khi đó, đồng yên Nhật, đồng nhân dân tệ Trung Quốc và đồng bảng Anh đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Sự chênh lệch đáng ngạc nhiên về sức mạnh tiền tệ là một triệu chứng của những sức mạnh khó lường được giải phóng bởi làn sóng tiền tệ.

Chính sách tiền tệ khác biệt

Trên toàn châu Á dường như không có sự đồng thuận về những việc phải làm. Ngân hàng Trung ương Philippines và Ấn Độ đã trở thành một trong những ngân hàng trung ương diều hâu nhất trong khu vực khi nâng lãi suất chính sách lên lần lượt 225 và 190 điểm cơ bản trong năm nay, khi đồng đồng peso của Philippines và đồng rupee của Ấn Độ chạm mức thấp kỷ lục so với đồng đô la.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) là ngân hàng trung ương ôn hòa nhất khi cắt giảm lãi suất cho vay vào tháng 8, cho phép các ngân hàng thương mại cắt giảm lãi suất huy động vào ngày 15/9 và nới lỏng giới hạn thấp hơn đối với lãi suất thế chấp cho những người mua nhà lần đầu vào ngày 29/9.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng đã thực hiện một cách tiếp cận hoàn toàn khác so với các ngân hàng trung ương châu Á khác. Với lạm phát không bao gồm thực phẩm và năng lượng vẫn ở mức 1,6% trong tháng 8, BOJ đã giữ lãi suất gần bằng 0 ngay cả khi điều đó đã khiến đồng yên trở thành mục tiêu bán khống. Do đó, đồng yên đã giảm 20% so với đồng đô la trong năm nay khi các nhà đầu tư chuyển từ Nhật Bản sang Mỹ để hưởng lợi suất tốt hơn, khiến đồng yên trở thành một trong những đồng tiền hoạt động kém nhất châu Á trong năm nay.

Các nhà phân tích nhận định rằng, các phản ứng chính sách đa dạng được chứng kiến ​​ở các nền kinh tế lớn trên thế giới là một trong những nguyên nhân của vấn đề, vì mỗi ngân hàng trung ương đang cố gắng để giải quyết những hoàn cảnh đặc biệt của riêng mình trong một khoảng thời gian nhưng nhận thấy điều đó là không thể.

Sự khác biệt về lãi suất chính sách của các quốc gia

Sự khác biệt về lãi suất chính sách của các quốc gia

Tại Thái Lan, các cơ quan quản lý tiền tệ vẫn tập trung vào mức nợ hộ gia đình cao trong nền kinh tế khi tỷ lệ này đã lên tới 91% GDP, mức cao nhất so với bất kỳ quốc gia đang phát triển nào. Nhưng vào tháng 8, Ủy ban Chính sách tiền tệ của Thái Lan cuối cùng đã phải nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018 từ mức thấp kỷ lục 0,50% lên 0,75%, tiếp tục tăng 25 điểm cơ bản vào tháng 9 và một động thái tương tự dự kiến ​​vào tháng 11.

Ngay cả ở Hàn Quốc là quốc gia có lịch sử thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, nhưng điều này đã không cứu vãn được đồng won. Hàn Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên tăng lãi suất vào tháng 8/2021 khi lạm phát cơ bản của nước này chỉ ở mức 1,3%. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 7 năm nay và thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 8.

Tỷ lệ lạm phát ở một số nền kinh tế

Tỷ lệ lạm phát ở một số nền kinh tế

Takahide Kiuchi, nhà kinh tế điều hành tại Viện nghiên cứu Nomura và là cựu thành viên hội đồng quản trị BOJ cho biết, sự hỗn loạn tỷ giá hối đoái là một triệu chứng cho thấy sự suy giảm tương đối của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu và sự trỗi dậy của Trung Quốc.

"Khi Mỹ là cường quốc chiếm ưu thế, các nền kinh tế khác đều tuân theo chu kỳ kinh tế của Mỹ. Các chính sách tiền tệ cũng được đồng bộ phần lớn. Giờ đây, họ ít bị ràng buộc hơn với Mỹ nhưng đồng đô la Mỹ vẫn chiếm ưu thế trong tài chính toàn cầu, khiến việc điều phối trở nên khó khăn hơn”, ông cho biết.

Nhà kinh tế Kiuchi cho biết, tình trạng hỗn loạn hiện tại có thể có nguồn gốc từ trước đại dịch. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, các chính phủ phương Tây đã tăng cường cung tiền với nỗ lực ngăn chặn một cuộc đại suy thoái mới. Các ngân hàng trung ương vẫn đang đối phó với hậu quả từ cuộc khủng hoảng đó, vốn chứng kiến ​​sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers.

“Nguyên nhân cơ bản của tình trạng hỗn loạn thị trường tiền tệ hiện nay là do kích thích tiền tệ quá mức sau cuộc khủng hoảng Lehman và sự quay đầu đột ngột của chính sách tiền tệ. Các quốc gia quá bận rộn với việc chống lạm phát. Họ không có thời gian để suy nghĩ về những vấn đề cơ bản đó”, ông cho biết.

Khi các chính phủ trên khắp thế giới bật chế độ bơm tiền vào mùa Xuân năm 2020, nhiều người đã tin rằng các quy tắc đã thay đổi và việc nới lỏng định lượng từng diễn ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu không phải là lạm phát và một kỷ nguyên mới đã nhận ra rằng các chính phủ có thể bơm tiền nhưng ít mang lại hậu quả xấu. Nhưng thực tế hoàn toàn khác.

Trên toàn cầu, lạm phát đang gia tăng nhưng cường độ rất khác nhau. Lạm phát cơ bản, không bao gồm thực phẩm và năng lượng đạt 6,3% tại Mỹ trong tháng 8, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Tương tự như vậy ở khu vực đồng euro, lạm phát cơ bản đã tăng ở mức 5,5%, trong khi ở châu Á, lạm phát dao động từ 4% ở Hàn Quốc đến 0,8% ở Trung Quốc.

Trong khi đó, ở Nhật Bản, các nhà hoạch định chính sách đã kỳ vọng có thể kích hoạt lạm phát trong nhiều năm như một liều thuốc giải độc cho tình trạng kinh tế trì trệ và giảm phát, thay vào đó, tính thanh khoản đã chuyển sang thị trường bất động sản và làm bùng nổ giá bất động sản. Theo dữ liệu từ Viện Bất động sản Nhật Bản, giá căn hộ chung cư đã tăng 21% tại khu vực thủ đô Tokyo kể từ cuối năm 2019.

Giá bất động sản tăng mạnh ở một số thành phố lớn của châu Á

Giá bất động sản tăng mạnh ở một số thành phố lớn của châu Á

Một điểm đến khác cho tiền của châu Á là đồng đô la. Nhật Bản đã nhận thấy dấu hiệu của sự tháo chạy của dòng vốn kể từ khoảng tháng 7 khi nước này gánh các khoản nợ chính phủ khổng lồ và giữ lãi suất ở mức thấp nhất.

Phản ứng dữ dội của thị trường tài chính gần đây cho thấy việc tạo ra tăng trưởng kinh tế dài hạn mà không gây ra các đợt tăng giá lớn hoặc lạm phát giá tài sản là hoàn toàn khó khăn.

"Ở hầu hết các nền kinh tế châu Á, mối quan tâm của các ngân hàng trung ương là về lạm phát cũng như về dòng vốn chảy ra", Tomoyuki Fukumoto, giáo sư kinh tế tại Đại học Kinh tế Osaka cho biết.

Các nước G7 tuân thủ các nguyên tắc tự chủ tiền tệ và tự do luân chuyển vốn với chi phí kiểm soát tỷ giá hối đoái. Nhưng các nước đang phát triển thường phải ưu tiên ổn định tỷ giá hối đoái với chi phí tự chủ về tiền tệ.

Trung Quốc cũng gặp vấn đề tương tự. Công việc của PBOC rất phức tạp bởi nhiệm vụ của họ là giữ cho đồng nhân dân tệ ổn định. Một chính sách tiền tệ quá dễ dàng có thể mở rộng khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Trung Quốc và gây ra sự trượt giá của đồng nhân dân tệ so với đồng đô la. Từ năm 2014 đến năm 2016, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm từ 3.000 tỷ USD xuống còn 2.000 tỷ USD do nguồn vốn tháo chạy khỏi đất nước trong bối cảnh lo ngại về sự mất giá của đồng nhân dân tệ.

Tương tự như vậy, thị trường bất động sản được hưởng lợi chính từ chính sách kích thích kinh tế. “Trung Quốc đã sử dụng thị trường bất động sản để kích thích nền kinh tế bất cứ khi nào có sự suy thoái, khiến thị trường bất động sản trở nên quá nóng. Với tư cách là một ngân hàng trung ương, PBOC được cho là tạo ra sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát, nhưng vì nó thiếu tính độc lập nên nó có xu hướng tuân theo các chỉ thị của chính phủ”, ông Fukumoto cho biết.

Một “kỷ nguyên cũ” mới

Hầu hết các nhà phân tích phải quay trở lại nhiều thập kỷ để tìm ra sự tương đồng với ngày nay. Ở Mỹ, các chuyên gia đưa ra sự tương đồng với cuối những năm 1970 khi lãi suất được nâng lên mức cao để chế ngự lạm phát. Ở Nhật Bản, sự tương đồng được đưa ra với Hiệp định Plaza vào năm 1985, khi các bộ trưởng tài chính đồng ý về sự can thiệp phối hợp để hạ giá đồng đô la. Các nhà phân tích cũng đang quay ngược lại nhiều thập kỷ để tìm ra một điểm tương đồng đối với Trung Quốc trong tình trạng trì trệ do quá nhiều tín dụng và những thách thức trong việc xử lý nợ xấu.

Khi theo chân Mỹ trong việc tăng lãi suất, nhiều quốc gia có thể lựa chọn can thiệp tiền tệ để bảo vệ đồng tiền của họ. Một số gọi là Hiệp định Plaza 2.0 được mô phỏng theo thỏa thuận ban đầu vào năm 1985, trong đó Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp và Anh cùng hợp tác để tạo ra sự mất giá có trật tự của đồng đô la.

"Thời điểm vẫn chưa chín muồi", nhà kinh tế Kiuchi cho biết. Vào thời điểm đó, có động lực mạnh mẽ để Mỹ tham gia một thỏa thuận như vậy trong bối cảnh đồng đô la tăng vọt, lãi suất cao, thâm hụt tài khoản vãng lai khổng lồ. Ngày nay, cả nền kinh tế và xuất khẩu của Mỹ vẫn mạnh mẽ. Xuất khẩu sẽ phải sụt giảm, cán cân thương mại xấu đi và đồng USD đứng trước nguy cơ sụt giảm mạnh trước khi Washington bước vào bàn đàm phán. "Có thể mất một thời gian trước khi Hoa Kỳ thấy cần phải có hành động phối hợp", ông cho biết.

Ngoài ra, Trung Quốc khó có thể là một phần của sự phối hợp như vậy. “Trung Quốc luôn có thể áp đặt các hạn chế đối với việc luân chuyển vốn để ngăn chặn sự giảm giá của đồng nhân dân tệ, ngay cả khi nước này đi ngược lại mục tiêu quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của mình. Trung Quốc sẽ tự mình hành động”, nhà kinh tế Kiuchi cho biết.

Với rất ít triển vọng về sự phối hợp ngắn hạn, các chính phủ và ngân hàng trung ương có khả năng chỉ làm những gì họ có thể. "Họ duy trì liên lạc chặt chẽ và mỗi quốc gia đóng vai trò của mình để ngăn chặn sự bất ổn của hệ thống tài chính bằng cách giữ cho lạm phát cũng như thâm hụt tài chính và tài khoản vãng lai không trở nên quá nghiêm trọng", Tomoyuki Fukumoto, giáo sư kinh tế tại Đại học Kinh tế Osaka cho biết.

Tin bài liên quan