Các nhà chức trách châu Á: Hệ thống ngân hàng vẫn mạnh mẽ và ổn định sau thương vụ UBS mua lại Credit Suisse

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Hai (19/3), các cơ quan quản lý ở châu Á đã đưa ra các tuyên bố trấn an rằng hệ thống ngân hàng của họ vẫn mạnh mẽ và ổn định sau khi UBS đồng ý mua lại Credit Suisse với giá 3,25 tỷ USD.
Các nhà chức trách châu Á: Hệ thống ngân hàng vẫn mạnh mẽ và ổn định sau thương vụ UBS mua lại Credit Suisse

Các nhà chức trách Thụy Sĩ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc sắp xếp việc tiếp quản, nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng ngân hàng lớn hơn có thể đe dọa hệ thống toàn cầu. Tuần trước, cổ phiếu của Credit Suisse đã ghi nhận mức giảm hàng tuần tồi tệ nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19.

Động thái này xảy ra ngay sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) dẫn đến việc các cơ quan quản lý của Mỹ thực hiện các biện pháp cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng gặp khó khăn. Hàng loạt tiêu đề xung quanh tình trạng hỗn loạn ngân hàng toàn cầu đã làm gia tăng sự biến động và khiến các nhà đầu tư lo ngại về một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn.

Hồng Kông: Ngành ngân hàng có khả năng phục hồi

Cơ quan tiền tệ Hồng Kông - Trung Quốc (HKMA) cho biết, lĩnh vực ngân hàng của thành phố có khả năng phục hồi với vị thế vốn và thanh khoản mạnh mẽ. Hoạt động của Credit Suisse trong thành phố bao gồm một chi nhánh do HKMA giám sát và hai công ty được cấp phép do Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng Tương lai giám sát.

“Tất cả họ sẽ mở cửa kinh doanh ngày hôm nay như bình thường. Khách hàng có thể tiếp tục truy cập tiền gửi của mình với chi nhánh và dịch vụ giao dịch do Credit Suisse cung cấp cho thị trường chứng khoán và phái sinh của Hồng Kông”, HKMA cho biết.

“Tổng tài sản của Credit Suisse chi nhánh Hồng Kông khoảng 100 tỷ đô la Hồng Kông, chiếm chưa đến 0,5% tổng tài sản của ngành ngân hàng Hồng Kông. Sự tiếp xúc của khu vực ngân hàng địa phương với Credit Suisse là không đáng kể”, cơ quan này cho biết.

HKMA cho biết, tính đến cuối tháng 2/2023, Credit Suisse là công ty phát hành sản phẩm có cấu trúc niêm yết lớn thứ chín tại Hồng Kông, chiếm khoảng 4% vốn hóa thị trường.

Singapore: Hệ thống ngân hàng vẫn ổn định

Trong một động thái tương tự, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) cho biết các hoạt động của Credit Suisse sẽ tiếp tục ở thành phố này mà “không bị gián đoạn hoặc hạn chế”.

Khách hàng của Credit Suisse sẽ tiếp tục có toàn quyền truy cập vào tài khoản của họ và “hợp đồng với các đối tác vẫn có hiệu lực”. MAS cho biết, việc tiếp quản sẽ không ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống ngân hàng Singapore.

MAS nói thêm rằng, UBS và Credit Suisse không phục vụ khách hàng bán lẻ, vì hoạt động chính của họ ở Singapore là ngân hàng tư nhân phục vụ cho các cá nhân có giá trị tài sản ròng lớn và ngân hàng đầu tư.

Ngân hàng trung ương cho biết họ sẽ giữ liên lạc chặt chẽ với các cơ quan quản lý của Thụy Sĩ, UBS và Credit Suisse khi “việc tiếp quản được thực hiện, để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi có trật tự, bao gồm giải quyết mọi tác động đến việc làm”.

Các ngân hàng Nhật Bản được bảo vệ

Cyrus Daruwala, Giám đốc điều hành của IDC Financial Services cho biết, hệ thống ngân hàng của Nhật Bản dường như không bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận này.

“Tôi nghĩ rằng việc tiếp xúc với một công ty quản lý tài sản lớn hoặc một công ty quản lý tài sản như Credit Suisse hoặc UBS, nói chung sẽ chiếm khoảng 4% danh mục đầu tư của họ”, ông cho biết

“Đó không phải là một số tiền đáng kể. Về phía Nhật Bản, tôi cho rằng đã được bảo vệ tương đối tốt, đặc biệt là từ Credit Suisse”, ông cho biết thêm.

Tình hình tài chính Úc vẫn mạnh mẽ

Christopher Kent, Trợ lý Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Úc cũng nhấn mạnh, các ngân hàng trong nước vẫn vững mạnh bất chấp sự hoảng loạn toàn cầu do các ngân hàng thất bại ở Mỹ gây ra.

“Các điều kiện trên thị trường trái phiếu toàn cầu gần đây đã trở nên căng thẳng sau sự thất bại của SVB ở Mỹ. Sự biến động trên thị trường tài chính Úc đã tăng lên nhưng thị trường vẫn hoạt động và quan trọng nhất là các ngân hàng Úc rất mạnh”, ông cho biết.

Các ngân hàng đã có kế hoạch phát hành trái phiếu trong năm và có thể trì hoãn một thời gian. “Ngay cả khi thị trường vẫn căng thẳng. Việc phát hành của các ngân hàng Úc sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ sức mạnh của bảng cân đối kế toán của họ”, ông cho biết.

Nhìn chung, các ngân hàng trong khu vực rất ít tiếp xúc với Credit Suisse. “Tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ gây ra hiệu ứng lan tỏa ở châu Á”, ông Cyrus Daruwala cho biết.

Tin bài liên quan