Đầu tuần này, Bitcoin đã tăng vọt lên mức kỷ lục trên 123.000 USD nhờ kỳ vọng về các chính sách ủng hộ tiền mã hóa từ các nhà lập pháp của Mỹ. Các nhà phân tích cho biết, mặc dù sự quan tâm dành cho tiền mã hóa đã tăng lên, nhưng vẫn chưa sự tham gia nhiều của các nhà đầu tư tổ chức.
Hôm thứ Năm (17/7), Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nhằm tạo ra một khuôn khổ pháp lý cho các stablecoin. Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ ký ban hành luật vào thứ Sáu (18/7).
"Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn đầu khi nói đến tính sở hữu của các tổ chức… Nhà đầu tư cá nhân vẫn đang thống trị thị trường tiền mã hóa", Adrian Fritz, Giám đốc nghiên cứu tại 21Shares cho biết.
Ông cho biết, chưa đến 5% tổng tài sản của quỹ ETF Bitcoin giao ngay được nắm giữ bởi các nhà đầu tư dài hạn như quỹ hưu trí và quỹ tài chính dài hạn, trong khi 10 - 15% còn lại thuộc sở hữu của các quỹ đầu cơ hoặc công ty quản lý tài sản. Tuy nhiên, nhóm các nhà quản lý tài sản sau này thường mua các quỹ ETF Bitcoin thay mặt cho các khách hàng cá nhân có giá trị tài sản ròng cao, và phần lớn quyền sở hữu ETF vẫn thuộc về các nhà đầu tư cá nhân.
Theo ước tính từ công ty nghiên cứu tài chính Vanda, có mối tương quan giữa việc mua vào từ các quỹ ETF tiền mã hóa và cổ phiếu liên quan đến tiền mã hóa khi tiền mã hóa tăng giá. Dữ liệu cho thấy nhà đầu tư cá nhân đã mua mạnh vào cuối năm 2024 khi giá tăng vọt sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cũng như trong đợt tăng giá gần đây.
Người mua tiền mã hóa đã được hỗ trợ bởi một loạt dự luật mà các nhà lập pháp Mỹ dự kiến sẽ thông qua trong tuần này, trong đó có dự luật quan trọng nhất là Đạo luật Genius, sẽ xác định các quy tắc xung quanh stablecoin - lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng của thị trường tiền mã hóa.
Việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật tiền điện tử vào thứ Năm (17/7) đã mở đường cho luật liên bang đầu tiên của Mỹ về tài sản kỹ thuật số. Một số ngân hàng lớn của Mỹ bao gồm Bank of America và Citigroup cũng đang nỗ lực ra mắt stablecoin.
Ngoài ra, Mỹ còn một dự luật khác sẽ làm rõ quy định bằng cách chính thức thiết lập định nghĩa về hàng hóa kỹ thuật số và nêu rõ vai trò của các cơ quan trong việc giám sát tài sản kỹ thuật số. Điều này có thể giúp các tổ chức vốn lâu nay tránh xa lĩnh vực này dễ dàng đầu tư hơn.
Simon Forster, đồng giám đốc toàn cầu về tài sản kỹ thuật số tại công ty vận hành nền tảng giao dịch và cung cấp dữ liệu TP ICAP dự đoán số lượng các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tiền mã hóa sẽ tăng lên vào năm 2026, bao gồm các quỹ hưu trí và các tổ chức mua và nắm giữ khác.
Các nhà phân tích cho biết, mặc dù dữ liệu còn rời rạc do thị trường tiền mã hóa vẫn còn thiếu minh bạch, nhưng cho thấy vai trò ngày càng tăng của các công ty nắm giữ nhiều Bitcoin trong việc thúc đẩy nhu cầu.
Đây là những công ty niêm yết như Strategy và GameStop, ban đầu tập trung vào bán lẻ phần mềm và trò chơi điện tử, nhưng hiện nay tập trung vào việc sở hữu và kiếm tiền từ các vị thế Bitcoin được nắm giữ trên bảng cân đối kế toán thay vì tiền mặt, vàng hoặc trái phiếu Kho bạc kỳ hạn ngắn.
Juan Leon, nhà phân tích nghiên cứu tại Bitwise Asset Management cho biết, khả năng mua Bitcoin của các công ty này cho thấy họ đại diện cho một nguồn cầu gần đây lớn hơn so với các quỹ hưu trí, quỹ tài trợ và quỹ đầu cơ, vốn là những đơn vị chủ chốt trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu.
“Kể từ tháng 7/2024, các công ty đại chúng trên toàn thế giới đã cùng nhau tăng lượng Bitcoin nắm giữ lên 120% và hiện nắm giữ hơn 859.000 Bitcoin, tương đương 4% trong tổng số 21 triệu Bitcoin”, Simon Peters, nhà phân tích tiền mã hóa tại nền tảng đầu tư eToro cho biết.
Các công ty cũng đang bán cổ phiếu phổ thông, cổ phiếu ưu đãi để huy động vốn nhằm tăng lượng Bitcoin nắm giữ.
Susannah Streeter, Giám đốc bộ phận tiền tệ và thị trường tại Hargreaves Lansdown cho biết làn sóng luật pháp mới của Mỹ cũng có thể mở đường cho nhiều công ty niêm yết phân bổ một phần tiền mặt vào tiền mã hóa.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng việc giá Bitcoin giảm xuống dưới 90.000 USD có thể khiến một nửa số trái phiếu kho bạc của các công ty này gặp vấn đề.
Nhu cầu về ETF tiền mã hóa cũng đang tăng lên trong những tháng gần đây.
Theo dữ liệu từ công ty tiền mã hóa Bitwise, dòng vốn ròng toàn cầu vào các sản phẩm ETF tiền mã hóa đã đạt 4 tỷ USD vào tuần trước, mức cao nhất từ đầu năm đến nay.
Tính đến thời điểm hiện tại của năm nay, giá Bitcoin đã tăng khoảng 25%, Ether đã tăng 2%, trong khi XRP tăng gần 40%.
Theo CoinMarketCap, vốn hóa thị trường tiền mã hóa hiện đạt mức 3.800 tỷ USD, tăng gần 66% kể từ trước cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11.