Các nước G7 bất đồng về khung thời gian loại bỏ năng lượng than đá

0:00 / 0:00
0:00
Đề xuất của Đức - Chủ tịch G7 - về mục tiêu loại bỏ dần sản xuất điện than vào năm 2030 được các nước châu Âu khác và Canada ủng hộ, song một số nước chưa thể hiện thiện chí với ý tưởng này.
Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 26/5, các bộ trưởng môi trường thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã bắt đầu cuộc họp kéo dài hai ngày tại Berlin, Đức nhằm thảo luận khung thời gian cụ thể để loại bỏ dần năng lượng than đá.

Cuộc họp này nằm trong khuôn khổ hội nghị bộ trưởng G7 về môi trường, khí hậu và năng lượng.

Đức, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch G7 trong năm nay, đã đề xuất rằng trong tuyên bố chung sau cuộc họp, các bộ trưởng đặt ra mục tiêu loại bỏ dần sản xuất điện than vào năm 2030.

Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ của các nước châu Âu khác và Canada, song một số quốc gia chưa thể hiện thiện chí với ý tưởng trên.

Phía Nhật Bản từ chối đưa ra cam kết về một khung thời gian nhất định cho việc loại bỏ dần nhiệt điện chạy bằng than, trong khi Mỹ cho biết sẽ thực hiện mục tiêu này vào những năm 2030.

Việc đặt ra khung thời gian nhất định để loại bỏ nhiệt điện chạy bằng than đang gặp một số khó khăn trong bối cảnh Nga, một quốc gia xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn, triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2 vừa qua.

Các quốc gia G7, gồm Anh, Pháp và Italy, đã áp đặt các biện pháp nhằm vào Nga liên quan đến sự kiện này và nhất trí giảm dần sự phụ thuộc năng lượng từ Moskva.

Các lệnh trừng phạt như vậy có thể làm chệch hướng nỗ lực cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính khi một số nước nhập khẩu năng lượng chuyển sang sử dụng than đá để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Hồi đầu tuần, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Tsuyoshi Yamaguchi nói rõ Tokyo sẽ cắt giảm tỷ lệ than và dần tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, thay vì đặt ra một khung thời gian cụ thể.

Theo ông Yamaguchi, Nhật Bản muốn các nước hiểu rõ nỗ lực của Tokyo trong việc loại bỏ các nhà máy nhiệt điện chạy than kém hiệu quả và chuyển sang một hệ thống không phát thải khí CO2 thông qua các công nghệ tiên tiến như thu giữ và tái sử dụng carbon.

Trước đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) khuyến nghị G7 đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi sang sản xuất thép và ximăng hầu như không có khí thải.

Cơ quan này cho biết ngành công nghiệp nặng tại các nước Nhóm G7 sử dụng tới 15% nhu cầu than đá và khoảng 10% dầu và khí đốt.

Theo IEA, các nước G7 cùng với Liên minh châu Âu chiếm khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu, 30% nhu cầu năng lượng và 25% lượng khí thải CO2.

Tin bài liên quan