Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh những lo lắng về việc ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, mức trần nợ, "bom nợ" Evergrande và đại dịch Covid-19, nhiều chiến lược gia cho rằng chứng khoán sẽ có một giai đoạn khó khăn trong tháng 10.

Báo cáo việc làm của Mỹ

Một trong những rào cản đầu tiên mà thị trường phải đối mặt trong quý IV là báo cáo việc làm của Mỹ được công bố hôm thứ Sáu (8/10). Theo đó, báo cáo việc làm có khả năng là một trong những yếu tố kích hoạt cuối cùng cho quyết định của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) về thời điểm thực hiện giảm dần chương trình mua trái phiếu 120 tỷ USD mỗi tháng.

Theo FactSet, các nhà kinh tế dự đoán khoảng 475.000 việc làm được tạo ra vào tháng 9 so với 235.000 việc làm được bổ sung trong tháng 8, ít hơn khoảng 500.000 so với dự kiến.

Ethan Harris, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Bank of America cho biết: “Cách duy nhất tôi có thể thấy Fed trì hoãn việc giảm dần chương trình mua tài sản là nếu chúng ta nhận được một con số việc làm rất yếu và gần bằng 0”.

Ông Harris cho biết mối quan tâm lớn nhất đối với nền kinh tế vẫn là Covid-19 mặc dù các trường hợp nhiễm mới đang chậm lại.

Bên cạnh đó, thị trường đã nhận được một số tin tức tích cực hôm 1/10 với dữ liệu đầy hứa hẹn của thuốc kháng virus Molnupiravir.

Ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ

Một sự kiện lớn trong quý IV có thể là sự khởi đầu cho việc thu hồi các chính sách tiền tệ dễ dàng của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).

Trong tuần qua, Fed đã báo hiệu rằng họ gần như sẵn sàng thực hiện bước đầu tiên khỏi các chính sách được sử dụng trong thời kỳ đại dịch để duy trì tính thanh khoản của thị trường tài chính và giúp đỡ nền kinh tế.

Fed dự kiến ​​sẽ thông báo rộng rãi vào tháng 11 rằng họ sẽ bắt đầu giảm bớt việc mua trái phiếu và Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ông dự kiến chương trình này ​​sẽ kết thúc vào giữa năm sau.

Các ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng đang thu hút sự chú ý tương tự và đang có khuynh hướng tăng lãi suất. Các chuyên gia về thị trường trái phiếu hiện kỳ ​​vọng xu hướng lãi suất cao hơn.

Theo đó, lãi suất đã tăng vọt trong tuần qua với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng từ khoảng 1,31% trong khi Fed họp vào ngày 22/9 lên mức cao 1,56% chỉ một tuần sau đó.

Báo cáo kết quả kinh doanh

Báo cáo kết quả kinh doanh là chất xúc tác lớn cho thị trường chứng khoán với những bất ngờ vượt kỳ vọng sẽ thúc đẩy tâm lý thị trường trong năm nay. Tuy nhiên, một số chiến lược gia cảnh báo rằng nếu các công ty tỏ ra quá thận trọng khi báo cáo lợi nhuận quý III trong vài tuần tới, đó có thể là một cảnh báo trước cho thị trường.

Julian Emanuel, người đứng đầu chiến lược vốn cổ phần và phái sinh tại BTIG cho biết, ước tính tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay và năm tới có thể chỉ tăng nhẹ.

“Những người theo quan điểm của chúng tôi hiện thấy thị trường đã đạt mức cao và có khả năng đạt đến đỉnh điểm. Nếu đa phần cho rằng thị trường đã đạt đỉnh thay vì kỳ vọng thị trường ổn định dựa trên cơ sở ngắn và trung hạn, thì chúng ta có một vấn đề đối với thị trường chứng khoán”, ông cho biết.

Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi các vấn đề về chuỗi cung ứng đang làm gián đoạn khả năng có được nguồn cung của nhiều công ty. Những vấn đề này đã và đang tác động đến lợi nhuận và gây áp lực lên biên lợi nhuận. Một số doanh nghiệp đã cảnh báo về vấn đề này và dự kiến ​​sẽ trình bày chi tiết các vấn đề trong trong báo cáo lợi nhuận sắp công bố.

Mặt khác, Quốc hội Mỹ đã ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa nhưng rủi ro chính trị có thể sẽ tồn tại trên thị trường trong quý IV. Vấn đề lớn hơn mà các nhà lập pháp phải đối mặt sẽ là tăng mức trần nợ và điều này có thể trở nên đáng lo ngại đối với các thị trường chứng khoán.

Cuộc họp OPEC+

OPEC+ sẽ có cuộc họp vào thứ Hai (4/10) để tranh luận về kế hoạch tăng sản lượng dầu trong bối cảnh nguồn cung bị gián đoạn và nhu cầu phục hồi từ đại dịch đã đẩy giá dầu lên trên 80 USD/thùng.

Giá dầu phục hồi lên mức cao nhất trong ba năm càng trở nên trầm trọng hơn do giá khí đốt thậm chí còn tăng mạnh hơn với mức tăng 300% và gần tương đương với giá dầu 200 USD/thùng do thiếu hụt nguồn cung và sản lượng nhiên liệu khác thấp.

Trước đó, OPEC+ đã đồng ý tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến ít nhất là tháng 4/2022 để loại bỏ dần 5,8 triệu thùng/ngày trong kế hoạch cắt giảm sản lượng năm 2020.

Theo Reuters, các nhà sản xuất dầu đang xem xét bổ sung nhiều sản lượng hơn so với thỏa thuận dự kiến, nhưng không ai đưa ra chi tiết về việc tăng thêm bao nhiêu, hoặc khi nào nguồn cung sẽ tăng.

Các vấn đề khác

Việc nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande không thanh toán được các khoản lãi trái phiếu đến hạn đã tạm thời gây ra nhiều lo ngại cho thị trường chứng khoán vào tháng 9. Các vấn đề của Evergrande có thể không được giải quyết ngay cả khi các nhà đầu tư kỳ vọng rằng cuộc khủng hoảng tài chính sẽ được ngăn chặn.

Tiến độ của Evergrande sẽ vẫn là một câu chuyện quan trọng đối với thị trường trong quý IV khi công ty vật lộn với gánh nặng nợ 300 tỷ USD.

Tin bài liên quan