Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuộc họp chính sách của Fed và thời hạn áp thuế quan đối ứng của Mỹ sẽ thu hút sự chú ý của thị trường trong tuần này.
Các sự kiện và thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

Cuộc họp chính sách của Fed

Cuộc họp ấn định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) diễn ra vào ngày 29/7 và 30/7 trong bối cảnh áp lực chính trị to lớn, chính sách thương mại đang thay đổi và các luồng kinh tế đối nghịch.

Tổng thống Donald Trump đã thường xuyên chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell vì hành động quá chậm chạp trong việc hạ lãi suất. Trong khi ông Powell và các quan chức ngân hàng trung ương khác đã nhấn mạnh sự cần thiết của sự kiên nhẫn khi các mức thuế quan có nguy cơ làm tăng tốc lạm phát. Cho đến nay, kể từ khi Mỹ áp đặt nhiều loại thuế nhập khẩu, áp lực giá cả vẫn ở mức khiêm tốn.

Fed đã giữ lãi suất cơ bản trong khoảng từ 4,25% đến 4,5% trong năm nay, mặc dù các quan chức Fed đã dự kiến sẽ có hai lần cắt giảm lãi suất vào cuối năm.

Thị trường dự đoán sự kiên nhẫn của Fed sẽ sớm suy yếu. Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà đầu tư đang định giá 62% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Đến lúc đó, Fed sẽ ghi nhận dữ liệu việc làm tháng 7 và tháng 8, cho thấy thị trường việc làm đang gặp khó khăn hay vẫn đang phục hồi.

Một số nhà kinh tế cho rằng tháng 9 có thể là quá sớm để cắt giảm lãi suất và lưu ý khả năng Fed có thể sẽ không cắt giảm lãi suất trong năm nay. Các nhà phân tích kỳ vọng ông Powell sẽ có cùng quan điểm như trong các cuộc họp trước: mọi quyết định sẽ phụ thuộc vào dữ liệu.

Ian Lyngen, người đứng đầu chiến lược lãi suất tại BMO Capital Markets cho biết: "Thực tế vẫn là hiệu suất của nền kinh tế thực cũng có quyền biểu quyết".

Dữ liệu kinh tế Mỹ

Trong một tuần sự kiện hiếm hoi, các nhà hoạch định chính sách Fed sẽ họp vào cùng tuần mà chính phủ công bố báo cáo về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), dữ liệu việc làm và các chỉ số lạm phát ưa thích của Fed. Fed dự kiến sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tuần này.

Hôm thứ Tư (30/7), dữ liệu tăng trưởng GDP quý II sẽ được công bố. Trong đó, ước tính sơ bộ cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi trong quý II, tăng trưởng với tốc độ 3%, chủ yếu nhờ thâm hụt thương mại giảm mạnh, sau khi hoạt động kinh tế suy giảm 0,5% trong quý đầu năm.

Hôm thứ Năm (31/7), chỉ số lạm phát ưa thích của Fed, PCE cơ bản dự kiến sẽ cho thấy lạm phát tăng 0,3% trong tháng 6 so với tháng trước, sau mức tăng 0,2% trong tháng 5. Trên cơ sở năm, các nhà kinh tế Bloomberg khảo sát dự kiến PCE cơ bản sẽ đạt 2,7%, không đổi so với tháng 5.

Hôm thứ Sáu (1/8), báo cáo việc làm tháng 7 dự kiến sẽ cho thấy nền kinh tế Mỹ có thêm 101.000 việc làm phi nông nghiệp, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,2%.

"Chúng tôi tiếp tục dự đoán rằng các báo cáo sắp tới về thị trường lao động, lạm phát và tăng trưởng sẽ diễn biến theo hướng khiến Fed phải giữ nguyên chính sách cho đến cuối năm", Andrew Husby, chuyên gia kinh tế cấp cao của BNP Paribas cho biết.

Thời hạn áp thuế quan đối ứng của Mỹ

Thời hạn cho việc áp thuế quan đối ứng toàn cầu của Mỹ đang đến gần. Tổng thống Donald Trump đã gia hạn đến ngày 1/8 – đây là thời điểm áp thuế cao hơn đối với một loạt đối tác thương mại, trừ khi các thỏa thuận được ký kết. Điều này dự kiến sẽ làm gia tăng biến động trên thị trường chứng khoán.

Hàn Quốc - đối mặt với mức thuế quan 25% - đang gấp rút đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ. Nước này cho biết sẽ chuẩn bị một gói thương mại được cả hai bên nhất trí trước các cuộc họp cấp bộ trưởng dự kiến diễn ra vào tuần này và trước thời hạn ngày 1/8.

Tuần này, các quan chức Mỹ cũng sẽ tổ chức một vòng đàm phán thương mại mới với Trung Quốc tại Thụy Điển để gia hạn thêm một thời hạn riêng biệt là ngày 12/8 đã được hai nước đặt ra.

Cuộc họp chính sách của BOJ

Trong cuộc họp chính sách hôm thứ Năm (31/7), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0,5%.

Phản ứng của Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đối với thỏa thuận thương mại với Mỹ sẽ là trọng tâm sau khi thỏa thuận này đã thúc đẩy khả năng đạt được các dự báo kinh tế - một điều kiện quan trọng để có thể tăng lãi suất thêm một lần nữa.

Thông báo về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với Nhật Bản trong tuần qua đã làm giảm bớt sự bất ổn về triển vọng kinh tế của nước này, thúc đẩy một số nhà đầu tư tiếp tục kỳ vọng vào một đợt tăng lãi suất khác vào cuối năm nay.

Tin bài liên quan