Các tổ công tác thúc đẩy đầu tư công phải vừa giám sát, vừa hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
Kỳ vọng vào vai trò hướng dẫn chuyên môn, tháo gỡ thủ tục của mô hình tổ công tác thúc đẩy đầu tư công, hơn là đơn thuần kiểm tra, kiểm soát hành chính.
Các tổ công tác thúc đẩy đầu tư công phải vừa giám sát, vừa hỗ trợ

Ông Phan Đức Hiếu, Chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội khóa XV chia sẻ quan điểm ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Công điện 1082/CĐ-TTg gửi các bộ, ngành, địa phương yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.

Thưa ông, dịch bệnh kéo dài, nhiều địa phương, nhất là các trung tâm kinh tế lớn của cả nước vẫn đang trong giai đoạn giãn cách xã hội. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Công điện 1082/CĐ-TTg cho thấy sự sốt ruột của Chính phủ trong giải ngân đầu tư công?

Một cách ngắn gọn nhất, các kế hoạch đầu tư công được xác định trên cơ sở tính cần thiết, cấp thiết, tính lan tỏa... của các dự án. Trên cơ sở đó, nguồn lực được phân bổ cho các dự án theo các mức độ ưu tiên, khả năng thực hiện... để đảm bảo tối ưu hiệu quả đa chiều của các dự án trong nền kinh tế.

Chúng ta vẫn gọi đây là đầu tư cho tương lai, tạo ra các hạ tầng kinh tế, xã hội mang tính kết nối, thúc đẩy các nguồn vốn đầu tư xã hội. Một tuyến đường, một bến cảng đưa vào khai thác đúng kế hoạch đã công bố không chỉ mang lại hiệu quả như dự tính của tuyến đường, bên cạnh đó, mà còn mở cơ hội kinh doanh mới, động lực phát triển mới, thu hút các nguồn vốn khác...

Như vậy, nếu giải ngân chậm, chỉ nhìn ở góc độ thời gian, nhiều dự án đánh mất cơ hội phát huy giá trị, gây kẹt nghẽn các hoạt động đầu tư kinh doanh khác... chứ không chỉ là chi phí tăng, hiệu quả sử dụng giảm...

Trong bối cảnh dịch bệnh, chậm giải ngân vốn đầu tư công không chỉ làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gây lãng phí nguồn lực mà như Công điện 1082/CĐ-TTg đã nhắc đến, đó là ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, việc triển khai các chính sách tài khoá, tiền tệ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang chịu tác động của đại dịch Covid-19.

Cũng phải nhắc lại, đây là năm đầu tiên của Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm (2021-2025) sẽ là năm bản lề quan trọng, việc thực hiện đúng các kế hoạch năm nay có vai trò quan trọng cho cả giai đoạn, không thể có tâm lý năm nay chưa xong thì năm tới làm tiếp.

Vấn đề ở đây là tốc độ giải ngân đang chậm, có nơi rất chậm, thưa ông?

Nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Ngay trong Công điện 1082/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. Như, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, công tác lập kế hoạch vốn chưa với sát thực tế và khả năng giải ngân; công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; quy trình, thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư công còn bất cập; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ...

Thực tế, những nguyên nhân này không mới. Năm 2020, cũng theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 1.867 dự án đầu tư có sử dụng vốn ngân sách bị chậm tiến độ, chiếm 2,6% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ, có 1.074 dự án (chiếm gần 60% tổng số dự án chậm tiến độ) gặp vướng mắc do công tác giải phóng mặt bằng. Tỷ lệ dự án phải điều chỉnh vốn đầu tư cũng chiếm lớn.

Đặc biệt, việc giá nguyên vật liệu tăng cao giai đoạn vừa qua cũng khiến nhiều dự án đình trệ do nhà thầu thi công cầm chừng, thậm chí dừng lại đợi các quyết định điều chỉnh của chủ đầu tư...

Đây là lúc vai trò của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc dự án đầu tư và Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sẽ được lập tại các bộ, ngành, địa phương phát huy tác dụng.

Quan điểm của tôi là các bộ, địa phương cần triển khai ngay hoạt động của Tổ công tác, thiết lập cơ chế giám sát, phát hiện và cảnh báo về công trình chậm tiến độ; từ đó có hướng xử lý, tháo gỡ. Cơ chế phối hợp với Tổ công tác của các bộ, ngành, địa phương với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ cũng phải được làm rõ ngay.

Thời gian còn lại của năm không nhiều, tình hình dịch bệnh còn phức tạp, doanh nghiệp đang có nhiều khó khăn, có lẽ tốc độ giải ngân vốn đầu tư công lúc này đang phụ thuộc rất lớn vào tốc độ và hiệu quả làm việc của các tổ công tác này.

Ông nghĩ thế nào về yêu cầu giải ngân trên 95% vốn đầu tư công trong năm nay mà Thủ tướng đã nhắc đến trong Công điện?

Phải thấy rõ là yêu cầu này được đưa ra cùng với các biện pháp cụ thể, yêu cầu chế tài nghiêm khắc.

Đặc biệt, trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương, trách nhiệm chủ đầu tư, ban quản lý dự án, cả cán bộ, công chức có liên quan được làm rõ. Thủ tướng nhắc đến yêu cầu thay thế cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công. Thủ tướng cũng yêu cầu coi kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các cấp chính quyền.

Áp lực, chế tài rất nghiêm khắc, quyết liệt bên cạnh các giải pháp dài hạn, căn cơ hơn trong rà soát cơ chế, chính sách quy định của pháp luật liên quan đến quy trình, thủ tục đầu tư công để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Nhưng để đạt được tỷ lệ trên, đòi hỏi nhiều việc cần làm ngay.

Đầu tiên, như tôi đã nói ở trên, là thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong từng Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu của Thủ tướng.

Thứ hai, tôi mong muốn cơ chế phối hợp giữa Tổ công tác của Thủ tướng và tổ công tác ở các bộ, ngành, địa phương. Nguồn lực đầu tư công cần được phát huy tối đa tính hiệu quả cả về thời gian và tính chất công trình trên bình diện quốc gia, chứ không phải là việc của địa phương, bộ ngành.

Thứ ba, tôi đặc biệt kỳ vọng vào vai trò hướng dẫn chuyên môn, tư vấn và tìm hướng giải quyết của mô hình hoạt động này. Vì vậy, tổ công tác không chỉ dừng lại ở giám sát, đôn đốc, thực hiện kỷ luật hành chính mà cần có sự hỗ trợ chuyên môn, để có ngay được giải pháp giải quyết, phát hiện kịp thời các sai sót để đảm bảo dự án công trình thực hiện đúng, hiệu quả.

Cụ thể hơn, tính chuyên môn theo ông là gì?

Việc thực hiện các dự án đầu tư công ở các bộ ngành khác nhau sẽ có những khó khăn khác nhau, với mức độ khác nhau.

Vì vậy, thành lập và hoạt động của Tổ công tác ở địa phương, bộ, ngành cần bám sát thực tiễn địa phương, để có cơ cấu thành phần, cơ chế hoạt động và nhiệm vụ ưu tiên phù hợp. Theo tôi, nên có sự tham gia của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và cả chủ đầu tư, nhà thầu và cán bộ có chuyên môn tốt, vững vàng.

Tính chuyên môn cao của Tổ công tác không chỉ giúp phát hiện vướng mắc mà còn có thể tư vấn và có ngay giải pháp để giải quyết khó khăn, vướng mắc đó. Điều này không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ mà còn góp phần đảm bảo dự án được thực hiện hiệu quả và tuân thủ đúng pháp luật.

Ngoài ra, việc thường xuyên phối hợp, trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn giữa các tổ công tác là quan trọng, vì sẽ có nhiều vướng mắc cần sự tham gia tháo gỡ của nhiều bên.

Thời điểm này, có thể áp dụng nguyên tắc xử lý ách tắc mà Thủ tướng đang thực hiện, đó là vướng ở đâu, các bên liên quan cùng tìm cách gỡ ở đó, xác định rõ trách nhiệm của các bên trong việc đảm bảo tiến độ dự án.

Chính tính chuyên môn sâu và sự phối hợp này sẽ phát hiện những quy định, thủ tục không phù hợp, cần phải thay đổi... góp phần hiệu quả thực hiện giải pháp về hoàn thiện thể chế như trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ đã nêu.

Tin bài liên quan