Các tuyến đường sắt Trung Quốc - Châu Âu đi qua Nga trở thành vấn đề mới nhất của chuỗi cung ứng

Các tuyến đường sắt Trung Quốc - Châu Âu đi qua Nga trở thành vấn đề mới nhất của chuỗi cung ứng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hơn một triệu container được thiết kế để đi trên 6.000 dặm đường sắt nối Tây Âu với miền Đông Trung Quốc qua Nga hiện đang phải tìm các tuyến đường mới bằng đường biển, làm tăng thêm chi phí và đe dọa làm trầm trọng thêm sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khi xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục diễn ra, các nhà xuất khẩu và công ty hậu cần vận chuyển phụ tùng ô tô, ô tô, máy tính xách tay và điện thoại thông minh hiện đang tìm cách tránh các tuyến đường bộ đi qua Nga hoặc khu vực giao tranh. Rủi ro an ninh và rào cản thanh toán xuất phát từ các lệnh trừng phạt đang gia tăng, cũng như cảnh giác rằng khách hàng ở châu Âu có thể tẩy chay các sản phẩm sử dụng đường sắt của Nga.

Theo Marcus Balzereit, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Kuehne + Nagel International AG, một trong những công ty giao nhận hàng hóa lớn nhất châu Âu, công ty đã từ chối vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt từ Trung Quốc đến châu Âu.

Glenn Koepke, Tổng giám đốc của FourKites, nhà cung cấp thông tin cho ngành hậu cần có trụ sở tại Chicago cho biết, một số công ty đang chuyển sang đường biển.

Xung đột đang làm tăng thêm tình trạng tắc nghẽn tại một số cảng lớn nhất, gây thêm áp lực lên các chuỗi cung ứng toàn cầu vốn vẫn đang quay cuồng với tình trạng thiếu nhân lực do đại dịch gây ra.

Ông Balzereit cho biết, sự kết hợp của các giải pháp đường biển có thể giúp một số nhà sản xuất ô tô và nhà sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao ngăn chặn tình trạng gián đoạn sản xuất bất chấp chi phí tăng vọt.

“Vào những thời điểm như thế này, điều quan trọng hơn là các công ty phải giao hàng ngay cả khi chi phí vận chuyển cao hơn. Điều quan trọng hơn là họ phải duy trì hoạt động sản xuất của mình”, Um Kyung-a, nhà phân tích lĩnh vực vận tải tại Shinyoung Securities cho biết.

Tờ People’s Daily đưa tin, bắt đầu từ tháng 3, khối lượng xuất khẩu trên các chuyến tàu từ cảng Đại Liên đến châu Âu đã “giảm đáng kể”. Trước đó, các lô hàng đã tăng trưởng trung bình hơn 70% trong 2 tháng đầu năm.

Các liên kết đường sắt giữa Trung Quốc và châu Âu đã được hình thành trong thập kỷ qua như một phần của dự án Con đường Tơ lụa mới của chính quyền Trung Quốc, sau này được chuyển thành sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường”. Đây là sự kết hợp đầy tham vọng giữa chính sách đối ngoại và chiến lược kinh tế nhằm mở rộng ảnh hưởng của đất nước trên khắp các châu lục.

Năm ngoái, theo ước tính của Bain & Co, các chuyến tàu đã vận chuyển khoảng 1,46 triệu container chở hàng hóa trị giá khoảng 75 tỷ USD giữa Trung Quốc và châu Âu trên các tuyến đường, chiếm khoảng 4% tổng kim ngạch thương mại giữa hai bên.

Các mạng lưới đường sắt trải dài từ Trung Quốc, Kazakhstan, Nga, Belarus và xa hơn nữa kết nối các trung tâm thương mại của Trung Quốc như Nghĩa Ô ở tỉnh Chiết Giang, Tây An ở Thiểm Tây, Trịnh Châu ở Hà Nam, Thành Đô ở Tứ Xuyên và Vũ Hán ở Hồ Bắc đến các thành phố châu Âu bao gồm Moscow, Minsk, Hamburg, Milan, Warsaw, Munich và Madrid.

Cước phí vận chuyển đường biển từ Trung Quốc đến Châu Âu đã tăng mạnh

Cước phí vận chuyển đường biển từ Trung Quốc đến Châu Âu đã tăng mạnh

Theo các công ty hậu cần, sẽ mất khoảng hai tuần để gửi hàng hóa từ châu Á đến châu Âu bằng đường sắt so với một tháng bằng tàu biển. Tàu vẫn là phương thức rẻ nhất.

Theo nhà cung cấp dịch vụ hậu cần DSV, chi phí vận chuyển một container bằng đường sắt cao gấp đôi so với vận chuyển đường biển và bằng 1/4 so với gửi hàng hóa bằng đường hàng không.

Helen Liu, một đối tác của Bain & Co. ở Thượng Hải cho biết, trong năm ngoái, khi các nhà cung cấp trực tuyến đổ xô để đáp ứng nhu cầu về máy tính xách tay và điện thoại di động bùng nổ trong thời kỳ đại dịch, đường sắt là một cứu cánh quan trọng vì một số cảng ở Trung Quốc đã bị phong toả. Năm nay, các thiết bị điện tử tiêu dùng có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu không sử dụng đường sắt.

Một số công ty sử dụng mạng lưới đường sắt - từ Dell Technologies Inc. đến IKEA và Toyota Motor Corp. - đã tạm dừng hoạt động hoặc bán hàng của họ ở Nga. Tuy nhiên, xung đột ở Ukraine vẫn chưa ngăn chặn giao thông đường sắt, một số chuyến tàu dài tới 500 mét tiếp tục chở container giữa thành phố Tây An của Trung Quốc và Kaliningrad, một thành phố của Nga nằm giữa Ba Lan và Lithuania.

Ông Balzereit cho biết, những người muốn tránh xa các tuyến đường này đang xem xét các lựa chọn thay thế.

“Chúng tôi thấy rằng, vận tải biển vẫn là xương sống vì có thể vận chuyển khối lượng lớn với mức giá khá hợp lý. Vận chuyển hàng không là một lựa chọn khác mặc dù có thể không còn đường bay thẳng như trước đây và cần phải trải qua một số thay đổi về đường bay, điều này có nghĩa là thời gian dài hơn và chi phí cao hơn. Hoặc có kết hợp giữa đường biển và đường hàng không như chúng tôi đã làm trong nhiều năm qua”, ông cho biết.

Ngoài ra, sự bùng phát các ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc đã khiến các nhà chức trách thắt chặt kiểm soát, cùng với việc kiểm tra hàng loạt công nhân và lái xe. Một hàng dài xe tải đã chờ đợi để vào cảng container Yantian của Thâm Quyến vào đầu tháng này, với công ty vận tải lớn Hapag-Lloyd AG ước tính sự chậm trễ của ít nhất 13 tàu.

Tin bài liên quan