Luật sư Trương Thanh Đức.

Luật sư Trương Thanh Đức.

Cần bỏ bớt thủ tục “hành” doanh nghiệp

(ĐTCK-online) Đợt phát hành vừa qua của CTCP LICO khiến cả doanh nghiệp (DN) lẫn cơ quan quản lý lúng túng khi LICO chốt danh sách phát hành cho 65 NĐT là cổ đông hiện hữu, nhưng trên thực tế, số NĐT mua cổ phần lại lên tới 112 người (xem bài "Phát hành cho cổ đông hiện hữu: Rắc rối từ Nghị định 01" trên ĐTCK số 116 ngày 27/9).

>>Phát hành cho cổ đông hiện hữu: Rắc rối từ Nghị định 01

LICO chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 01/2010/NĐ-CP về chào bán cổ phần riêng lẻ hay chịu sự điều chỉnh của quy định chào bán chứng khoán ra công chúng? Cổ đông có bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần mới phát hành trong vòng 1 năm theo quy định của Nghị định 01 hay không? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO.

Ông có bình luận gì về tình cảnh mà LICO đã gặp phải?

Luật pháp không đủ rõ và không hợp lý chính là nguyên nhân chính gây ra khó khăn lớn cho DN. Gần như làm thế nào cũng sai, dường như không có cách gì để làm cho được đúng luật. Để giải quyết bất cập xảy ra cho DN trong phát hành giống như trường hợp của LICO, pháp luật cần quy định rõ phát hành thêm cho dưới 100 NĐT (sau khi đã trừ cổ đông hiện hữu) đều là phát hành riêng lẻ, chứ không nên quy định mọi đợt phát hành cho dưới 100 NĐT (áp dụng với cả các DN chưa phải là công ty đại chúng - CTĐC) đều là phát hành riêng lẻ. Đồng thời, cần bãi bỏ hạn chế thời hạn chuyển nhượng cổ phần, vì nó trái Luật DN và cũng không phù hợp với Luật Chứng khoán.

Văn bản mới nhất là Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật DN, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2010, cũng không đề cập đến hạn chế nội dung chuyển nhượng trong trường hợp này.

 

Nếu áp dụng theo đề xuất của ông thì ngưỡng 100 cổ đông sẽ bị phá vỡ. Điều gì sẽ xảy ra, thưa ông?

Con số 100 cổ đông trong quy định về phát hành cổ phần ra công chúng chỉ là con số "bốc thuốc" giống như nhiều con số khác trong các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Thực tế, trong hệ thống pháp luật chúng ta, phần lớn con số được đưa ra đều là "bốc thuốc" một cách tương đối, trong đó chỉ có rất ít trường hợp phần nhỏ là có cơ sở khoa học và thật sự hợp lý, tức là "bốc" đúng thuốc.

Cũng là "bốc" thuốc, nếu "bốc" đúng thì bách bệnh tiêu trừ, nhưng nếu "bốc" sai thì vô tác dụng, thậm chí còn là tai hại. Do đó, việc quy định 100 cổ đông hay hơn thế là CTĐC cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến bản chất của vấn đề.

Số lượng yếu tố cổ đông không quan trọng, chỉ là một trong những tiêu chí được xem là yếu tố đơn giản dễ nhất để phân loại đối xử, trong đó có việc phản ánh tiêu chí của một dạng phát hành cổ phần.

Bên cạnh đó, có những yếu tố quan trọng khác như số vốn và mức độ ảnh hưởng đến công chúng của lĩnh vực mà DN hoạt động. Nếu công ty có 100 cổ đông, nhưng vốn chỉ có 10 tỷ đồng thì liệu có ảnh hưởng đến công chúng bằng một công ty chỉ có 99 cổ đông nhưng vốn lại lên đến cả ngàn tỷ đồng? Vì thế, có thể hướng dẫn linh hoạt về thời điểm trở thành CTĐC trong các trường hợp biến động xung quanh con số 100 cổ đông, như vụ việc của LICO sao cho phù hợp, giống như việc thay đổi tỷ lệ nắm giữ cổ phần bao nhiêu thì được coi là cổ đông lớn.

 

Như vậy, trong trường hợp này, sự vênh nhau giữa Luật DN (quy định cổ đông có quyền chuyển nhượng cổ phần) với Nghị định 01 (quy định cổ đông bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần trong vòng 1 năm) khiến DN lúng túng? Theo ông, sao lại có sự vênh nhau này?

Về nguyên tắc, Nghị định không được trái Luật, nhưng nó vẫn đang xảy ra, mà trường hợp này cơ quan quản lý dựa vào lý do chuyên ngành để luôn muốn thắt chặt. Tác dụng của việc "trói" nhiều khi lợi bất cập hại, lo thay cho DN, lo lắng không cần thiết cho thị trường. Hạn chế việc chuyển nhượng 1 năm chưa biết có bảo vệ được NĐT nào không, nhưng chắc chắn là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các cổ đông là những NĐT vô tình rơi vào trình trạng cổ đông "hạng hai".

Cứ theo Luật thì DN và NĐT có quyền "vượt" qua Nghị định, chỉ cần làm đúng Luật. Tuy nhiên, thực tế các cơ quan có thẩm quyền không cho phép hành xử đúng luật trong trường hợp này. Một điều rất nguy hiểm đang tồn tại là: cứ quy định nào chặt nhất, người ta buộc phải theo, bất kể giá trị pháp lý của nó thế nào, đúng hay sai Luật.

 

Đợt phát hành của LICO hiện đã được hoàn tất, nhưng cổ đông vẫn không biết mình liệu có bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần mới phát hành theo Nghị định 01 hay không. Theo ông, DN sẽ phải ứng xử ra sao trong trường hợp này?

Thực tế, khi DN hoàn thành chốt danh sách thực hiện quyền và hoàn thiện hồ sơ tăng vốn tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thì cần phải công nhận sự việc đúng như nó đã xảy ra, không thể vì pháp luật "tù mù" mà lại bắt "tội" DN. Nếu chiểu theo đúng quy định về phát hành riêng lẻ thì cổ đông của DN này thuộc diện bị hạn chế chuyển nhượng. Tuy nhiên, do quy định không rõ ràng dẫn đến kết quả về phát hành không mong đợi, nằm ngoài tầm kiểm soát của DN. Do đó, cơ quan quản lý nên xem xét "mềm dẻo" dựa trên ý chí chủ quan của DN.

Cụ thể, nếu DN muốn "trói" chuyển nhượng thì trong thời gian chưa hết thời hạn buộc phải đăng ký CTĐC, DN nên khẳng định vẫn chưa đăng ký CTĐC nên chưa phải là CTĐC. Sau đó, tìm cách giảm số cổ đông xuống dưới 100 cổ đông trong vòng 1 - 2 tháng tới. Còn nếu không muốn "trói" chuyển nhượng, do đủ điều kiện là CTĐC (vốn điều lệ mới trên 10 tỷ đồng, số cổ đông mới trên 100 cổ đông), thì DN nên sớm đăng ký CTĐC với UBCKNN.

 

Theo ông, cơ quan quản lý nên có hướng dẫn cụ thể như thế nào cho DN trong trường hợp này?

Cơ quan quản lý cần "thương" lấy DN, cần mạnh dạn cải cách thủ tục hành chính, bỏ bớt ràng buộc, bỏ bớt thủ tục "hành" DN.