Cần chính sách đồng bộ để khắc phục bất cập đầu tư năng lượng tái tạo

0:00 / 0:00
0:00
Để khắc phục những bất cập hiện nay của việc đầu tư phát triển năng lượng tái tạo cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp, nhà khoa học nhằm xây dựng chính sách đồng bộ, lâu dài.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ nêu ý kiến tại hội thảo

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ nêu ý kiến tại hội thảo

Nhiều cơ chế chính sách về phát triển năng lượng tái tạo được các chuyên gia đề xuất tại hội thảo “Giải pháp phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo tại khu vực Nam Bộ” do Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ và Trường Đại học Tài chính – Marketing tổ chức ngày 21/12 tại TP.HCM.

Thông tin về các chính sách phát triển ngành năng lượng tái tạo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo. Trong đó, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề cập “Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”.

Theo Quy hoạch điện VIII (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2023) đến năm 2030, tổng công suất điện mặt trời là 12.836 MW, trong đó điện mặt trời tập trung là 10.236 MW, điện mặt trời tự sản tự tiêu 2.600 MW.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng cho rằng, quốc gia nào đi trước, kiểm soát và làm chủ công nghệ, làm chủ sản xuất năng lượng tái tạo sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh và thu hút nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Riêng tại khu vực phía Nam của Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển nhiều nguồn năng lượng tái tạo như: năng lượng gió, mặt trời, thủy điện… Với sự phát triển năng động của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó cực tăng trưởng chính là TP.HCM nhu cầu về năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo rất lớn.

Bên cạnh đó, với vị trí địa lý gần với một quốc gia phát triển như Singapore, Thái Lan,..vùng Nam Bộ có thêm cơ hội xuất khẩu năng lượng tái tạo, tạo giá trị gia tăng. Với tiềm năng rất lớn như vậy, đây là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo trong thời gian tới.

Qua khảo sát thực tế, ông Phạm Đăng An, Phó Tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group cho biết, tại khu vực Nam Bộ có thể khai thác năng lượng tái tạo từ điện mặt trời tại các mái nhà xưởng ở khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất.

Ông cho rằng, việc triển khai nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời tại các KCN sẽ góp phần đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường bền vững và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, thu hút được các doanh nghiệp FDI lớn đến đầu tư.

"Khi đầu tư hệ thống điện mặt trời tại các KCN sẽ giúp giảm áp lực lên hệ thống truyền tải và phân phối điện quốc gia trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng cao. Và giúp tăng thêm nguồn cung điện tại chỗ góp phần tăng năng lực cung ứng cho hệ thống điện địa phương và khu vực, giúp đảm bảo cung cấp điện cho doanh nghiệp sản xuất" ông An nêu lợi ích.

Để không bỏ phí nguồn năng lượng tái tạo tại các KCN, ông An đề xuất mô hình hợp tác mới dành cho các doanh nghiệp đang sản xuất trong KCN. Cụ thể, Vũ Phong Energy Group sẽ đầu tư, phát triển hệ thống điện mặt trời chất lượng cao trên mái nhà máy.

Sau đó, doanh nghiệp được mua điện với giá ưu đãi hơn giá điện hiện hành từ EVN, và sẽ được chuyển giao toàn bộ hệ thống miễn phí khi kết thúc hợp đồng. Giải pháp này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí về lâu dài, vừa đáp ứng được các chuẩn mực toàn cầu và tối ưu dòng vốn.

Theo các chuyên gia dù đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo nhưng hiện nay còn một số bất cập bởi các cơ chế chính sách trong việc thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại vùng Nam Bộ.

Các nhà khoa học cho rằng cần có chính sách đồng bộ để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

Các nhà khoa học cho rằng cần có chính sách đồng bộ để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân ông Phạm Hồng Chương phân tích, hiện nay những ngành như dệt may, gỗ, các đối tác nước ngoài yêu cầu rất chặt chẽ về sản xuất xanh, trong đó có yêu cầu phải sử dụng năng lượng tái tạo. Vì vậy, việc phát triển năng lượng tái tạo là việc bắt buộc phải làm.

Ông cho rằng, hiện nay 3 khâu quan trọng trong phát triển năng lượng tái tạo là sản xuất, cung ứng và tiêu thụ đều đang gặp nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến quy hoạch, truyền tải, giá bán điện...

Do vậy, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp, nhà khoa học để đưa ra cách tiếp cận mới và đề ra các giải pháp đồng bộ với mục tiêu phát triển ngành năng lượng tái tạo. Trong tương lai vùng Nam Bộ sẽ là nơi cung cấp nguồn cung năng lượng tái tạo rất lớn nên cần có những cơ chế chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này.

Đồng tình với các chuyên gia về việc xây dựng chính sách đồng bộ, Tiến sĩ Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo cũng đề xuất cần nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù cho từng loại năng lượng tái tạo và có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này.

Ngoài ra, các cơ quan Nhà nước nghiên cứu chính sách đầu tư về đường truyền tải điện, phát triển các nguồn năng lượng điện nhiệt, năng lượng thủy triều, hải lưu… nhằm tận dụng các lợi thế, tiềm năng về năng lượng tái tạo của khu vực Nam Bộ.

Tin bài liên quan