Cần chú trọng tới thị trường xuất khẩu Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực để đảm bảo khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.
Cần chú trọng tới thị trường xuất khẩu Trung Quốc

Đó là nhận định của các chuyên gia tại tại diễn đàn “Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững” do tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam tổ chức chiều 19/8.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, gây đình trệ sản xuất, đứt gẫy chuỗi cung ứng. Bước sang quý III/2022, nền kinh tế đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ với nhiều kết quả tự hào được bạn bè quốc tế đánh giá cao, xếp hạng tín nhiệm dài hạn ở mức “ổn định” và “tích cực”.

Dù vậy, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: “Những khó khăn trong kinh doanh cùng với tác động của dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp dè dặt hơn khi xây dựng kế hoạch kinh doanh và điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”.

Trong bối cảnh mới với nhiều thách thức, ông Phòng khẳng định, mỗi doanh nghiệp cần sẵn sàng đối mặt với những thách thức, chủ động nắm bắt, chắt chiu từng cơ hội đổi mới và sáng tạo, có phương án đón đầu xu hướng kinh doanh mới.

Đồng thời, doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đầu tư những lĩnh vực mới, hiện đại. Đặc biệt, quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cấu trúc lao động để thích ứng và đón đầu các xu hướng mới của thị trường.

Nâng cao năng lực cạnh tranh từ thị trường quốc tế

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đã đẩy mạnh hội nhập trong lĩnh vực kinh tế trên nhiều góc độ. Điều này được thể hiện từ việc tích cực tham gia các diễn đàn, tổ chức kinh tế quốc tế cho tới việc đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác trong khu vực và trên thế giới.

Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp tận dụng được lợi ích từ các cam kết mở cửa thị trường FTA được ký kết. Theo số liệu của Bộ Công thương, hàng năm, có hơn 1 triệu bộ C/O ưu đãi được cấp (bao gồm theo FTA và GSP), với trị giá khoảng 61,19 tỷ USD, với mức tăng khoảng 15% về trị giá và tăng 10% về số lượng bộ C/O hàng năm.

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, sau khi Hiệp định thương mại tự do EVFTA đi vào hiệu lực, tăng trưởng thương mại hai chiều đã có sự chuyển biến tích cực. Về đầu tư, các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam với số vốn đáng kể. Đây là những nguồn đầu tư có chất lượng, sử dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường.

Hiện nay, Eurocham đang triển khai một số chương trình tăng cường liên kết giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên như: hoạt động kết nối để các doanh nghiệp có thể nắm bắt các thông lệ châu Âu đang triển khai; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiếp cận thị trường, xúc tiến bán hàng; chương trình đào tạo về các quy định mà doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt…

Để tiếp tục mở rộng và chiếm lĩnh thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, ông Trịnh Minh Anh nhìn nhận, doanh nghiệp cần có các giải pháp đồng bộ.

Thứ nhất, đón đầu và tận dụng cơ hội về dòng vốn dịch chuyển đầu tư; đặc biệt là dòng vốn đầu tư của các nước ra khỏi Trung Quốc, Hongkong (Trung Quốc)...

Thứ hai, chú trọng khai thác thị trường Trung Quốc. Trung Quốc đã, đang và sẽ là thị trường quan trọng của Việt Nam đối với cả xuất khẩu và nhập khẩu, đối với cả chính ngạch và biên mậu, đối với cả hàng hóa đúng chuẩn và phi chuẩn...

Thứ ba, khai thác cơ hội ở các thị trường Việt Nam đã có FTA đặc biệt là EU, Hoa Kỳ theo các hướng như xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp,…

Thứ tư, chú ý đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của sản phẩm (CO) Hải Quan của các nước có FTA và các cơ quan liên quan của Việt Nam rất chú ý vấn đề này, tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt vấn đề xuất xứ hàng hóa.

Thứ năm, để tận dụng tối đa ưu đãi của 15 FTA, doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với các ngành, cơ quan chức năng (Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính,…). Cần tìm hiểu rõ chuỗi cung ứng của mình để cố gắng lấp hoặc tham gia lấp đầy các chỗ đứt, gãy của các chuỗi cung ứng này.

Xu hướng của quản trị công ty và chuyển đổi số

Bên cạnh việc tận dụng các hiệp định thương mại nhằm hội nhập kinh tế trên thế giới và khu vực, các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến phát triển bền vững bộ máy hoạt động để theo kịp xu hướng quốc tế và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Tại diễn đàn, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD), Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD); Chuyên gia tư vấn Quản trị Công ty cao cấp - Deloitte Việt Nam cho biết: “Nếu thế kỷ 20 là thế kỷ của quản trị hoạt động - quản trị doanh nghiệp, thì thế kỷ 21 là thế kỷ của quản trị công ty và phát triển bền vững”.

Theo bà Thanh, hiện nay có hai xu hướng mà các doanh nghiệp cần nắm bắt:

Thứ nhất, tích hợp ESG vào chương trình nghị sự của HĐQT. Theo đó, HĐQT cần thay đổi, hiểu được và nắm bắt những vấn đề lớn theo xu hướng toàn cầu để tăng cường uy tín trong mắt các nhà đầu tư. Đó là sự phát triển bền vững về yếu tố môi trường và xã hội, từ đó có những chiến lược hành động phù hợp.

Thứ hai, định danh, định vị, định hướng văn hóa HĐQT trong xu thế mới. Dù nắm bắt xu thế mới, văn hóa vẫn là điều cần được xây dựng và bồi đắp. Bởi lẽ, văn hóa là thứ duy nhất còn thiếu khi doanh nghiệp phát triển, là thứ duy nhất còn lại khi doanh nghiệp gặp khủng hoảng, và là thứ duy nhất đối thủ cạnh tranh không thể lấy được từ doanh nghiệp.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần chủ động trong bài toán chuyển đổi số để theo kịp xu hướng quốc tế và tận dụng các cơ hội phát triển.

Ông Nguyễn Trọng Đường - Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, mô hình chuyển đổi số trong doanh nghiệp bao gồm: Công nghệ mới để tối ưu hóa quy trình, phân tích dữ liệu để đưa ra các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm dịch vụ mới, tạo ra các giá trị tiên tiến.

Để chuyển đổi số, trước hết, doanh nghiệp cần tư duy lại hướng kinh doanh, cạnh tranh, đánh giá lại chuỗi giá trị, đồng thời kết nối lại với khách hàng, tăng trải nghiệm khách hàng và cấu trúc lại doanh nghiệp.

Định hướng trong năm 2022 - 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp đánh giá mức độ chuyển đổi số trên cổng DBI, tổ chức mạng lưới tư vấn kinh tế số và chuyển đổi số doanh nghiệp, tổ chức các hội thảo chuyển đổi số, các địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động truyền thông.

Tin bài liên quan