PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán, Kiểm toán Việt Nam, Thành viên Hội đồng bình chọn BCTN 2013

PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán, Kiểm toán Việt Nam, Thành viên Hội đồng bình chọn BCTN 2013

Cần hướng đến những thông tin tin cậy, hữu ích

(ĐTCK) Năm nay, chất lượng các BCTN lọt vào vòng chung khảo khá tốt và có nhiều nét mới so với các năm trước. Bên cạnh một số BCTN được chuẩn bị khá sơ sài, nội dung nghèo nàn, phần lớn thể hiện sự công phu, nghiêm túc.

Nội dung các báo cáo khá đầy đủ, từ giới thiệu về công ty, nêu và đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh, những thành tựu đã đạt được trong một niên độ, những khó khăn thách thức, những biện pháp, giải pháp mà công ty đã triển khai.

Nhiều báo cáo đã phân tích và đánh giá khá tốt các rủi ro, bao gồm rủi ro tiềm tàng, rủi ro khách quan, rủi ro từ bên ngoài, rủi ro pháp lý, rủi ro thị trường lẫn các rủi ro tiềm ẩn trong chính hoạt động quản trị, điều hành của DN. Nhiều biện pháp nhận dạng và hạn chế rủi ro đã được đề ra một cách khá nghiêm túc.

Nội dung mang tính cốt lõi, bắt buộc của BCTN là báo cáo tài chính (BCTC) được nhiều DN trình bày đầy đủ, trung thực với các chỉ tiêu, bảng, biểu…, kèm ý kiến đánh giá và xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập.

Có thể nói, các báo cáo đã cho thấy một bức tranh khá toàn diện, trung thực về thực trạng hoạt động kinh doanh, tài chính của DN năm qua, hiện nay và phần nào hé mở xu hướng, triển vọng trong tương lai.

Tuy nhiên, không ít báo cáo còn quá sơ sài, bố cục không hợp lý, thiếu logic, tản mạn, khó đọc. Thông tin về DN không đầy đủ, còn tình trạng né tránh hoặc trình bày chưa đầy đủ về thực trạng khó khăn của DN. Các đánh giá về hoạt động và kết quả hoạt động của DN chưa thật sự thuyết phục. BCTC là cốt lõi của BCTN nhưng chưa được quan tâm đúng mức, thiếu phân tích. Phân tích rủi ro và quản trị rủi ro còn mang nặng hình thức, thậm chí sao chép khái niệm, chưa đi sâu phân tích rủi ro và quản trị rủi ro của chính công ty mình để có những biện pháp hữu hiệu nhằm nhận dạng và hạn chế rủi ro.

Trên thực tế, vẫn có những BCTC chưa tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Kế toán. Một số BCTN chưa có thuyết minh và phân tích chi tiết. Nhưng nhìn chung, việc tuân thủ các quy định của Luật Kế toán, chuẩn mực kế toán năm nay đã khá hơn. Dĩ nhiên, đối với BCTC hợp nhất thì cần phải có sự nghiên cứu và hiểu biết đầy đủ hơn về cách lập và trình bày, đặc biệt là việc vận dụng chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS 10, IAS 27).

Một nội dung quan trọng của BCTN là định hướng và triển vọng hoạt động kinh doanh của DN. Vì vậy, rất cần có thông tin đầy đủ hơn về môi trường kinh doanh, về chuỗi tình hình tài chính qua nhiều năm. Cần lưu ý, một trong những nguyên tắc cơ bản của kế toán là tính liên tục trong cả hoạt động kinh tế, trình bày và cung cấp thông tin.

Thông tin là cơ sở cho các quyết định kinh tế nên chúng là đòi hỏi chính đáng của các nhà quản lý, nhà đầu tư và chính lãnh đạo DN. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra là phải nâng cao hơn nữa chất lượng BCTN, trong đó có BCTC và đảm bảo để thông tin trên BCTN thật sự đáng tin cậy, minh bạch và hữu ích. Theo tôi, để đảm bảo cho điều này, cần những điều kiện sau:

Trước hết, cần thống nhất về nhận thức và có nhận thức đúng về BCTN. Đây không chỉ là yêu cầu để đảm bảo tuân thủ pháp lý, là yêu cầu chính đáng của các bên liên quan, mà còn là lợi ích của chính DN. Chất lượng của BCTN được thể hiện ở sự rõ ràng, trung thực của DN về thực trạng hoạt động kinh doanh, tài chính và những giải pháp có căn cứ đảm bảo cho việc thực hiện. Trên thực tế, không ít BCTN được trình bày rất đẹp, công phu về hình thức, nhưng nội dung thiếu sức sống, số liệu rất nhiều, nhưng không được phân tích. Nội dung về phân tích rủi ro chỉ là sự sao chép cho có, thành thử nhiều báo cáo rất giống nhau ở nội dung này.

Thứ hai, BCTN cần có bố cục hợp lý, tuân thủ quy định, có ý tưởng xuyên suốt, rành mạch, dễ hiểu, dễ đối chiếu, so sánh. Không nên tùy tiện trong sắp đặt và tránh tình trạng trình bày tản mạn, vụn vặt, gây khó khăn cho người đọc khi cần liên hệ, liên kết giữa các thông tin. Nên sử dụng phương pháp quy nạp trong trình bày những mục lớn của báo cáo, thu hút người đọc vào những thông tin và đánh giá có tính khái quát cao, sau đó là minh họa và lý giải.

Thứ ba, cần nâng cao tính trung thực và tính hữu ích của BCTN. Các thông tin giới thiệu về công ty trong báo cáo cần được chọn lọc và trình bày đúng mức độ. Không nên đưa những thông tin hoặc hình ảnh mà người đọc dễ cho rằng, đó là thông tin đánh bóng hoặc quảng cáo quá mức về DN.

Thứ tư, những thuyết minh về thông tin tài chính phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, những ý kiến nhận định, đánh giá phải đúng mức, có chiều sâu và thuyết phục. Tránh những nhận định phiến diện hoặc không hoàn toàn khớp với số liệu, với những gì mà công chúng đã biết về công ty. Hạn chế đưa ra những lý thuyết để định nghĩa hay giải thích khái niệm, thuật ngữ mà cần đi thẳng vào những vấn đề của DN.

Cuối cùng, để BCTN có chất lượng, cần có sự đầu tư công sức và trí tuệ của các chuyên gia, các nhà quản lý, trong đó có những người có trách nhiệm của công ty. Các thông tin đưa vào báo cáo, các đánh giá, phân tích cần được thảo luận tập thể để tìm ra cách thể thiện trung thực nhất, dễ đọc nhất.