Căn nhà dịch chuyển

Căn nhà dịch chuyển

(ĐTCK) Một căn nhà để ở, một căn hộ để cho thuê, một nhà vườn cho cuối tuần và một căn nhà ở đâu đó phục vụ cho sự dịch chuyển - đó là tất cả ước mơ về nhà cửa của những gia đình có điều kiện.

1. Bạn tôi, một họa sĩ. Anh viết tốt, vẽ tốt, tham dự vài trại sáng tác tại nước ngoài và cũng đã triển lãm tranh trong nước. Anh có căn nhà nhỏ xinh ở quận Tân Phú, trong con hẻm cụt, khá đông dân cư. Mấy năm trước, anh sửa sang lại nhà cửa với cách của riêng mình, tường mộc không cần tô, gỗ đánh vec-ni không thổi PU.

Trong nhà chỉ có một ngọn đèn neon duy nhất, còn lại là đèn vàng toát ra từ các cây đèn rải rác trong nhà. Vào buổi tối, ánh sáng lờ mờ, đẹp - tất nhiên, nhưng cũng không tiện dụng cho lắm. Điều hay nhất là trong nhà trưng bày nhiều đồ cũ được mua tại phố Lê Công Kiều, nên rất phù hợp với kiểu trang trí ánh sáng này. Và vì căn nhà dành cho người độc thân nên cũng không khó khăn cho việc sinh hoạt chung khác.

Xây sửa nhà xong, thì bỗng anh đóng cửa không ở, mà dịch chuyển sang PhnomPenh. Hàng tháng vẫn quay trở về Sài Gòn để hội họp, nhận công nhận việc, lĩnh lương, và rồi lại đi xe bus quay lại Cambodia.

Căn nhà ở Tân Phú không cho thuê, mà chỉ khóa cửa lại rồi đi. Mỗi lần về lau dọn nhà rất mệt. Nhưng chẳng sao. Mọi thứ cứ thế trôi đi, để nhường chỗ cho dư vị của sự tận hưởng tận cùng cuộc sống, theo cách của một người nghệ sĩ ưa dịch chuyển.

Ở PhnomPenh, anh thuê căn nhà với giá 2 triệu đồng. Có phòng ngủ, phòng khách và nhà vệ sinh. Việc ăn uống thì ra ngoài, dễ dàng. Cũng ăn cơm bụi như ở Sài Gòn thôi, sinh hoạt cũng không mắc mỏ quá.

Ở dãy phố ấy, anh sống cùng những người bản xứ. Hàng ngày, ngoài biên tập sách và vẽ tranh, anh đi học tiếng Campuchia. Anh vào trong lớp học tiếng Anh của tụi con nít do cô giáo người Campuchia dạy.

Mấy đứa nhỏ thì học tiếng Anh, còn anh thì học tiếng Campuchia. Giờ thì anh khoe, có thể nói được tiếng Cam chút chút, ra ngoài chợ có thể trao đổi mua bán thế này thế khác mà không còn lạ lẫm nữa. Vừa rồi, anh đi du lịch qua Myanmar, thấy phong cảnh thanh bình quá, lại dự định qua đó sống một thời gian. Chỉ hơi băn khoăn thấy giá nhà ở bển quá cao. Nên giờ, vẫn ở PhnomPenh, vui lắm.

2. Hiện giờ trên mạng có các trang dành riêng cho những người ưa sự dịch chuyển: họ đổi căn nhà cho nhau ở trong một thời gian. Miễn sao phải sắp xếp trùng thời gian chứ không thể lệch được.

Sự văn minh ấy, phải được duy trì từ những con người văn minh. Bởi lẽ ở nhà người khác cũng cần giữ gìn đồ đạc và nề nếp như ở trong nhà mình, đòi hỏi tư duy coi trọng tuyệt đối phép lịch sự.

Chứ nếu tới nhà người ta, mà sau 2 tháng kết thúc cuộc dịch chuyển ấy, mà phá tàn canh cả TV, máy giặt, cửa nẻo…, thì chắc chắn tên bạn sẽ nằm trong danh sách đen. Và những ai có ý định sống theo kiểu ấy, tốt nhất không nên tham gia “đổi nhà”.

Cuộc sống của một thế giới phẳng hiện nay, đã mang tới nhiều góc cạnh sống phóng khoáng. Ai đó nói, nên chia rổ đồng tiền ra làm 3 phần: một phần bất động sản, một phần vàng và ngoại tệ và một phần để tiết kiệm.

Phần để tiết kiệm kia, không phải là thỉnh thoảng mang ra ngắm sổ tiết kiệm hay coi số tiền tăng theo từng tháng ra sao, mà là để nếu cần thì có thể xài được ngay, không cần suy tính. Để việc dịch chuyển tốt, đặc biệt là cho mùa hè, khi tụi nhóc cần thay đổi nơi chốn để nghỉ ngơi, thì một căn nhà để “đổi” cho người khác sẽ cần sự tính toán thiệt kỹ lưỡng. Và điều tiên quyết, nếu muốn “đổi” nhà, thì rất cần “đổi” tư duy. Còn nếu không, thì cứ khách sạn và resort cho khỏe!

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan