Lượng khách hàng mua second home để kết hợp nghỉ dưỡng và cho thuê lại đang chiếm ưu thế. Ảnh: Lê Toàn

Lượng khách hàng mua second home để kết hợp nghỉ dưỡng và cho thuê lại đang chiếm ưu thế. Ảnh: Lê Toàn

Căn nhà thứ hai, “tệp khách hàng” ngày càng rộng

(ĐTCK) Nếu như trước đây, căn nhà thứ 2 (second home) chỉ tập trung vào giới siêu giàu, thì giờ đây, xu hướng này đang được mở rộng sang những người có thu nhập trung bình và muốn đầu tư sinh lợi.

Xu hướng phát triển mạnh

Báo cáo "Xu hướng toàn cầu về sở hữu và cho thuê ngôi nhà thứ hai" của Savills mới đây cho biết, trên thế giới, thị trường second home mở rộng nhanh chóng từ đầu những năm 2000, cùng với sự bùng nổ của tín dụng và đà phát triển của ngành du lịch. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2007 - 2008 đã khiến một số người mua rút lui và chỉ những nhà đầu tư bằng tiền nhàn rỗi còn hoạt động trên thị trường.

Dù vậy, cùng với sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây, thị trường second home cũng sôi động trở lại theo. Lần này, các nhà đầu tư tìm kiếm tỷ suất sinh lời thấp hơn, chủ yếu ở bất động sản nhà ở sở hữu có thời hạn và các sản phẩm nghỉ dưỡng.

Tại Việt Nam, xu hướng này bùng nổ từ năm 2008 ở nhiều tỉnh, thành phố có bờ biển và nhiều thắng cảnh đẹp. Đặc biệt, khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao, thì việc đầu tư ngôi nhà thứ hai cũng ngày càng gia tăng. Sở hữu ngôi nhà thứ hai ngoài việc có thể tận hưởng các kỳ nghỉ cùng gia đình, chủ nhân còn có thể thu được lợi nhuận từ việc cho thuê trong thời gian không sử dụng.

Tại hội thảo “Đầu tư vào đâu lợi nhuận cao và bền vững?” tổ chức vừa qua, ông Chu Thanh Hiếu, Tổng giám đốc MIK Home cho rằng, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của người có thu nhập trung bình khá không chỉ có một căn nhà, mà cần có thêm sự tích lũy tài sản. Khi đó, họ bắt đầu quan tâm đến đầu tư căn nhà thứ hai, thứ ba, vừa giải quyết nhu cầu sinh hoạt, vừa sản sinh lợi nhuận.

Đồng quan điểm, ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Novaland cho rằng, khi điều kiện kinh tế phát triển, thì nhu cầu thụ hưởng của người dân cũng ngày càng lớn, bởi sau khi đã có ngôi nhà “an cư phát nghiệp”, nhiều khách hàng nhắm đến các thành phố biển nằm cạnh TP.HCM để làm nơi nghỉ dưỡng thường xuyên, cũng như đầu tư tích lũy để sinh lợi lâu dài. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là du lịch ở các địa phương đang còn thiếu các cơ sở lưu trú chất lượng cao, được vận hành bởi các thương hiệu đẳng cấp quốc tế, chưa đáp ứng được nhu cầu khám phá, trải nghiệm, kết hợp tận hưởng các dịch vụ tiện ích nghỉ dưỡng, hoạt động vui chơi giải trí cao cấp của du khách trong và ngoài nước.

Cũng theo ông Huy, vì nhìn nhận được những tiềm năng lớn trong phân khúc này, Tập đoàn Novaland ngoài các dự án bất động sản nhà ở tại thị trường TP.HCM và các khu vực lân cận, cũng đang mở rộng phát triển các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và dịch vụ du lịch tại các tỉnh, thành phố có tiềm năng du lịch lớn.

“Novaland đang phát triển nhiều loại sản phẩm đa dạng như biệt thự, nhà phố nghỉ dưỡng, shophouse hay còn gọi là ‘second home’ nằm trong những tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng giải trí quy mô lớn, tập trung ở những khu vực có tuyến cao tốc kết nối từ TP.HCM như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Khánh Hòa”, ông Huy nói.

Ông Vũ Lý Cung, Phó tổng giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị Công ty Danh Khôi Việt cũng cho rằng, xu hướng hiện nay, ngoài vị trí nhà ở, làm việc, sinh hoạt tại các thành phố lớn, những người có thu nhập trung bình cũng đang quan tâm tới việc có thêm căn nhà thứ hai tại các thành phố du lịch nghỉ dưỡng biển.

Tuy nhiên, theo ông Cung, để mang lại hiệu quả cao, một second home đúng nghĩa là phải đáp ứng đủ 10 điều kiện, bao gồm sở hữu lâu dài, lợi thế du lịch nghỉ dưỡng, đảm bảo giao thông liên kết vùng, cơ sở hạ tầng, khí hậu, các dịch vụ vui chơi nghỉ dưỡng, mảng xanh, kết nối cộng đồng.

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển, không chỉ theo hướng địa bàn, mà còn theo xu hướng đa dạng hóa loại hình sản phẩm. Các khu vực phát triển nghỉ dưỡng không nên chỉ đơn giản là du lịch đơn thuần, mà còn cần phát triển nhiều loại hình khác như du lịch sân golf, du lịch mua sắm, du lịch tâm linh, bất động sản hưu trí…

Nếu biết cách khai thác và điều chỉnh các quy định cho phù hợp hơn với tình hình phát triển kinh tế đất nước, thì đây hoàn toàn có thể là xu hướng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Nhưng còn nhiều trở ngại

Mức độ sinh lời của căn nhà thứ hai càng lớn khi giá trị bất động sản vẫn tiếp tục gia tăng theo thời gian. Đặc biệt, loại hình second home hiện nay khá đa dạng, từ biệt thự nghỉ dưỡng, cho tới căn hộ khách sạn, nên không chỉ người giàu, mà cả những người có thu nhập trung bình đều có thể sở hữu.

Mặc dù xu hướng đầu tư vào loại hình ngôi nhà thứ hai đang phát triển mạnh, nhưng nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia vẫn còn lo lắng, bởi phân khúc này vẫn đang còn nhiều trở ngại, đặc biệt là vấn đề pháp lý đối với condotel chưa được quy định rõ ràng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, condotel không chỉ nằm ở khu vực ven biển và hải đảo, mà có thể nằm ngay trên sông, núi như Sapa, Tam Đảo... Bởi Nhà nước định hướng phát triển du lịch là kinh tế mũi nhọn, tốc độ tăng trưởng hàng năm không thấp hơn 16%, nên việc phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng là cần thiết. Thế nhưng, tính pháp lý của condotel vẫn là điều trở ngại lớn nhất.

“Tôi nghiên cứu kỹ về các luật có liên quan, người mua căn hộ phải được cấp sổ đỏ, nhưng rất tiếc từ 2008 đến nay, có tình trạng ở TP. Đà Nẵng cấp sổ đỏ cho người mua condotel ghi trên đó là sở hữu ổn định lâu dài, nhưng không hình thành giá trị ở. Điều đó hoàn toàn trái với quy định của Luật Đất đai. Khi có kết luận của thanh tra thì Đà Nẵng cấp lại sổ đỏ, nhưng lại trừ mất thời gian 11 năm và chỉ còn 39 năm. Điều này cũng gây thiệt thòi cho người dùng”, ông Châu nói.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cũng đồng tình với quan điểm của HoREA. Theo ông Thắng, việc HoREA cũng như nhiều đơn vị kiến nghị với mục tiêu cụ thể hóa về pháp lý của condotel giúp nhà đầu tư yên tâm và có cơ hội sở hữu sản phẩm đúng quy định là cần thiết. Điều đó cũng sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước xử lý theo quy định để tránh các tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư.

Ngoài tính pháp lý của condotel, việc thu lợi nhuận bền vững trong đầu tư sencon home cũng là điều cũng là vấn đề mà nhiều chuyên gia đưa ra bàn luận. Ông Chu Thanh Hiếu cho rằng, nhiều chủ đầu tư cam kết lợi nhuận cao, nhưng đến thời hạn lại không có tiền để trả cho khách hàng.

“Ngoài lợi nhuận cao, các nhà đầu tư cần lưu ý về lợi nhuận bền vững, nên việc lựa chọn đơn vị vận hành có thương hiệu lớn nhằm đảm bảo cho các nhà đầu tư yên tâm về lợi nhuận là điều hết sức cần thiết. Hiện các dự án nghỉ dưỡng thường cam kết 10%/năm, thậm chí 14%/năm trong khoảng 3 - 5 hoặc 10 năm. Tuy nhiên, sau thời gian cam kết, nếu đơn vị vận hành không tiếp tục đảm bảo được tỷ lệ lấp đầy cao, thì các nhà đầu tư không thể duy trì mức lợi nhuận bền vững”, ông Hiếu cảnh báo.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan