Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cho ngân hàng số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là ý kiến của các chuyên gia kinh tế - tài chính và quỹ đầu tư được đưa ra tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ tư với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới" được tổ chức ngày 5/6/2022 tại TP.HCM.

Hoàn thiện khung pháp lý, cấp phép ngân hàng số

Ông Don Lam, Chủ tịch Tập đoàn Vina Capital cho rằng, ở Việt Nam cũng chưa cấp phép cho ngân hàng số nào, nhưng xu hướng trong tương lai là ngân hàng số sẽ ngày càng được đẩy mạnh phát triển.

Do đó, theo ông Lam, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý cần nhanh hơn nữa để có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường.

Trường hợp nếu chậm trễ sẽ không ngăn chặn được xu hướng phát triển ngân hàng số của các nước trong khu vực Asean sẽ tràn vào Việt Nam mà chúng ta không thể ngăn chặn.

Do đó, nếu chúng ta không sớm hoàn thiện khung pháp lý và cấp phép thì các nhà đầu tư trong khu vực ASEAN sẽ đi theo hướng của Grap.

Thực tế, Grap hoạt động ở Singapore mấy năm nay trước, sau đó họ huy động được 10 hay 20 tỷ USD. Từ đó, Grap lấy nguồn vốn này vào Việt Nam cạnh tranh và ngược lại.

Với các hoạt động của ngân hàng số khác trong khu vực cũng vậy, nếu họ đi trước một bước, vài năm sau sáng lập huy động được vài tỷ USD. Lúc này họ vào thị trường Việt Nam và cạnh tranh với ngân hàng trong nước.

Lúc này, liệu các ngân hàng Việt Nam, nhất là với những ngân hàng quy mô nhỏ có thể cạnh tranh được với ngân hàng số của nước ngoài? Vì vậy, theo ông Don Lam, về khuôn khổ pháp lý, Việt Nam cần sớm hoàn thiện để các công ty Fintech có thể hoạt động, chứ không thể chậm trễ sẽ mất cơ hội.

TS Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trên thực tế hiện nay thì Việt Nam chưa cấp phép cho một ngân hàng số nào cả, nhưng xu hướng trong tương lai đây là xu hướng phát triển của cả thế giới.

Vì thế, ông Thành cũng cho rằng, Việt Nam cũng phải xem xét để hoàn thiện khung pháp lý cho ngân hàng số, Fintech.

Phát biểu trong phiên thảo luận tại Diễn đàn trên, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - Trường đại học Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, sự phát triển của công nghệ tác động đến quá trình chuyển đổi số của ngành tài chính ngân hàng trong 3 cấp độ.

Thứ nhất, là ở bên trong nội bộ tổ chức của các ngân hàng gia tăng về việc tự động hóa và nâng cao sự trải nghiệm của khách hàng, cạnh tranh trong việc phát triển sản phẩm của kênh trực tuyến, dịch vụ thu hút khách hàng

Ở cấp độ thứ hai là tác động đến kinh doanh, như chúng ta thấy, các ngân hàng mở rộng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các tổ chức chuyên môn hóa bên ngoài của tổ chức tài chính - ngân hàng, đặc biệt là các Fintech.

Nhóm các tổ chức Fintech là nhóm tổ chức có văn hóa rất khác biệt với các tổ chức tài chính truyền thống như ngân hàng. Còn tác động ở cấp độ thứ 3 là tác động của môi trường bên ngoài đối với tổ chức.

Như chúng ta cũng thấy, đó chính là khuôn khổ pháp lý đã có sự thay đổi rất lớn, các tổ chức tài chính ngày càng đối mặt với các quy định khắt khe hơn về giám sát trong việc tuân thủ và được nâng cấp lên cấp độ tuân thủ theo quy định của toàn cầu.

Các cơ quan nhà nước hoặc tổ tổ chức quản lý tập trung không còn là cơ quan duy nhất cung cấp cơ sở hạ tầng tài chính quan trọng mà thay vào đó một số tổ chức có thể cung cấp cơ sở hạ tầng này dựa trên cơ sở trung hóa.

Đi vào ngành ngân hàng chúng ta cũng có thể thấy được sự chuyển đổi số của ngành ngân hàng cũng đi vào 3 giai đoạn. Thứ nhất, ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số thông qua các sản phẩm, dịch vụ dựa trên kỹ thuật số và số hóa.

Giai đoạn thứ hai là ngân hàng thích ứng với công nghệ, cải tạo công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số và linh hoạt trong việc cung ứng sản phẩm.

Thứ ba là các ngân hàng có thể định vị, nhất là đối với những ngân hàng quy mô có năng lực bắt đầu tạo được vị thế cạnh tranh từ đẩy mạnh đầu tư công nghệ. Các ngân hàng cũng từng bước chuyển đổi số để trở thành ngân hàng số hóa mạnh nhất trên thị trường, thu hút được nhiều khách hàng.

Chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn mà là bắt buộc

Theo ông Khánh, chính sự đầu tư công nghệ của ngân hàng tạo ra sự cạnh tranh, thông qua ứng dụng công nghệ để dẫn đầu về tài chính số. Tuy nhiên, qua khảo sát của Viện công nghệ thì hiện mới tập trung chủ yếu vào ngân hàng quy mô lớn và tập trung vào ngân hàng bán lẻ.

Đồng thời, với những ngân hàng quy mô nhỏ thì chỉ mới dừng lại ở giai đoạn 1 và chỉ phụ thuộc vào những nhà cung cấp phần mềm công nghệ có giá rẻ, do họ thiếu năng lực, tài chính và thậm chí cả nguồn nhân lực.

"Nhưng có một điểm đáng chú ý đó là qua khảo sát của 90% lãnh đạo các ngân hàng tại Việt Nam vào năm 2021 thì hầu hết các ngân hàng đều quan tâm đến khuôn khổ pháp lý trong quá trình chuyển đổi số ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng", ông Khánh nói và cho rằng, hầu hết các nước trên thế giới hiện nay đã có khuôn khổ pháp lý hoàn thiện trong quá trình chuyển đổi số của ngành tài chính - ngân hàng.

Về mặt chính sách của nhà nước, nghiên cứu đã nêu cho thấy, các quy định pháp lý là yếu tố hết sức quan trọng và được các ngân hàng Việt Nam quan tâm đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số.

Hiện tại khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) được xem là một công cụ hữu ích để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính ở các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, sandbox cho các giải pháp Fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam hiện chỉ đang trong quá trình chuẩn bị ban hành Nghị định.

Theo dự thảo, dự kiến chỉ áp dụng cho sáu giải pháp: cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ; chấm điểm tín dụng; chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng (API); cho vay ngang hàng (P2P Lending); ứng dụng công nghệ chuỗi khối, sổ cái phân tán (Blockchain Technology, DLT) trong hoạt động ngân hàng; ứng dụng các công nghệ khác trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.

Việc cấp phép thử nghiệm được giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trên thực tế, các giải pháp Fintech có thể liên quan đến nhiều hoạt động khác như chứng khoán, bảo hiểm...

Nếu chúng ta chỉ giới hạn ở danh sách sáu giải pháp Fintech kể trên thì trong thời gian tới có thể sẽ phải cần đến một nghị định nghị định khác để bổ sung khung pháp lý thử nghiệm cho các giải pháp Fintech trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm.

"Theo chúng tôi, nên cho phép thử nghiệm các giải pháp Fintech cho ba mảng lớn là: ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm; tương ứng theo đó, việc cấp phép thử nghiệm sẽ giao cho các cơ quan quản lý của từng lĩnh vực này", ông Khánh nói.

Đồng thời, cân nhắc xây dựng một khuôn khổ chính sách chung cho cả ba lĩnh vực và từ đó thì có các quy định điều tiết cụ thể dựa trên tính chất rủi ro của từng hoạt động vì mỗi hoạt động sẽ có một rủi ro khác nhau nhằm giúp tránh được các lỗ hổng pháp lý (regulatory arbitrage).

Các nhà hoạch định chính sách cần có một tiếp cận cởi mở nhằm cân bằng được giữa mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo với mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng, ổn định thị trường.

Ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, đối với ngành ngân hàng đã xem việc chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn mà là bắt buộc.

Từ đó, mới giúp các ngân hàng vượt lên thách thức 4.0, phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Ngành ngân hàng cũng đã đạt được những kết quả tích cực trong thời gian qua. Cụ thể, các dịch vụ tại nhiều ngân hàng đều đã số hóa 100%, thanh toán, chuyển tiền rất thuận tiện có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi, cho vay nhỏ, lẻ và hệ thống điện toán đám mây...

Có nhiều ngân hàng tiên phong đi đầu trong việc chuyển đổi số, với những ngân hàng này thì hơn 90% các giao dịch của khách hàng đều được thực hiện trên kênh số.

Về Nghị định Sandbox cũng dự kiến được NHNN trình Chính phủ trong tháng 6/2022.

Phát triển hạ tầng, NHNN sẽ phát triển các hạ tầng số, phát triển hạ tầng thanh toán, thông tin tín dụng... nhằm tạo ra hệ thống số cho hoạt động liên tục ở ngành tài chính.

Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực của ngành: tăng cường đào tạo để thích ứng với thị trường trong bối cảnh kỷ nguyên số.

Tin bài liên quan