LS. Trương Anh Tú, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú

LS. Trương Anh Tú, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú

Cần sớm truyền thông luật về đất đai và bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo LS. Trương Anh Tú, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú, song song với thúc đẩy quá trình ban hành các thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành các luật mới như Luật Đất đai 2023, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, cũng cần đẩy sớm công tác truyền thông chính sách để luật sớm đi vào cuộc sống.

Cơ quan quản lý đang chuẩn bị ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật mới, như ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản 2023 trước ngày 15/9/2024. Ông đánh giá thế nào về quá trình hướng dẫn thi hành các luật này?

Luật Kinh doanh bất động sản 2023 được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2023 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Theo đó, các cơ quan quản lý đang chuẩn bị các nghị định hướng dẫn thi hành trước ngày 15/9/2024. Như vậy, thời gian ban hành là khá dài. Theo quy định, khi ban hành luật thì đồng thời các nghị định, thông tư hướng dẫn cũng phải ban hành theo và điều này đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 67/2013 Quốc hội khóa XIII, trong đó nhấn mạnh khi Chính phủ trình dự thảo luật phải kèm theo dự thảo nghị định.

Chúng ta thấy rằng, quy trình xây dựng luật đã được triển khai một cách bài bản, công phu từ khâu lập chương trình, soạn thảo, thẩm tra, xem xét, đến khâu cho ý kiến, thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý và thông qua. Tuy nhiên, trên thực tế, khi trình Quốc hội thông qua dự thảo luật vẫn thiếu các dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành kèm theo. Luật đã thông qua vẫn phải chờ nghị định, điều này gây lãng phí lớn cho xã hội bởi luật chậm đi vào cuộc sống. Do đó, các cơ quan được giao trách nhiệm cần phải đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành luật.

Mặt khác, trong quá trình triển khai thi hành luật còn một số khó khăn, vướng mắc do chưa có sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật nên cũng cần tăng cường giải thích luật để tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện và đảm bảo tính thống nhất khi áp dụng. Đồng thời, việc hạn chế sự chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản pháp luật cũng cần được quan tâm, chú trọng, do đó cần khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo pháp luật ban hành được thực thi nghiêm minh, hiệu quả trong thực tiễn.

Một vấn đề quan trọng nữa là sau khi ban hành, cần một khoảng thời gian để tuyên truyền, truyền thông chính sách pháp luật đến các địa phương, doanh nghiệp và người dân để họ có thể hiểu và áp dụng ngay khi luật có hiệu lực, cho nên việc đẩy nhanh công tác ban hành nghị định là rất cần thiết. Theo đó, cơ quan soạn thảo cần tập trung vào các nội dung còn chung chung, đặc biệt là những nội dung mới chưa được quy định cụ thể, rõ ràng.

Chẳng hạn, quy định về điều kiện đối với tổ chức môi giới kinh doanh bất động sản phải có quy chế hoạt động dịch vụ môi giới thì quy chế này phải gồm những nội dung đảm bảo cho hoạt động này đúng luật, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và người dân. Hay như quy định về hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản, để đảm bảo tính minh bạch thì việc khai thác, sử dụng hệ thống này như thế nào cần có hướng dẫn cụ thể, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Luật chậm đi vào cuộc sống sẽ gây lãng phí lớn cho xã hội. Ảnh: Dũng Minh

Luật chậm đi vào cuộc sống sẽ gây lãng phí lớn cho xã hội. Ảnh: Dũng Minh

Như ông đề cập ở trên, truyền thông chính sách là rất quan trọng, vậy công tác này cần thực hiện ra sao để luật đi vào cuộc sống và các cán bộ thực thi hiểu đúng tinh thần, nội dung luật mới, dám làm và không còn e sợ trách nhiệm như hiện nay?

Truyền thông chính sách là một giải pháp tối ưu để đưa luật vào cuộc sống theo đúng mục tiêu của Nhà nước trong các Nghị quyết của Đảng với nội dung là mọi chính sách phải đến với người dân với tinh thần lấy dân làm gốc, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Công tác truyền thông chính sách có vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước. Làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách. Truyền thông chính sách tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách. Đặc biệt là công tác cán bộ, mắt xích quan trọng trong việc truyền tải chính sách thông qua các văn bản luật để người dân thấu hiểu và thực hiện đúng quy định.

Để làm tốt công tác truyền thông chính sách thì không chỉ có quyết tâm, mà phải có phương pháp, cách làm khoa học và phù hợp với tình hình, điều kiện, bối cảnh từng cơ quan, đơn vị, phù hợp với nội dung chúng ta thực hiện, vừa có tính khoa học, vừa có tính thực tiễn.

Để làm tốt công tác truyền thông chính sách thì không chỉ có quyết tâm, mà phải có phương pháp, cách làm khoa học và phù hợp với tình hình, điều kiện, bối cảnh từng cơ quan, đơn vị...

Điều quan trọng là các cán bộ lãnh đạo là những người đứng đầu các cơ quan, bộ, ngành, địa phương cần có nhận thức đúng về tầm quan trọng của truyền thông chính sách để ý thức được việc thực hiện nhiệm vụ. Cần có sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt cung cấp thông tin, chất liệu cho truyền thông để thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân dễ tiếp cận, hiểu và thực hiện.

Như vậy, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cần có sự quan tâm và nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của truyền thông chính sách, tránh tình trạng e dè, né trách nhiệm, không quan tâm… sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người dân khi tiếp cận các chính sách pháp luật mới.

Bên cạnh đó, việc truyền thông chính sách phải được thực hiện từ sớm và đầy đủ các giai đoạn, bao gồm trước, trong và sau khi ban hành các văn bản hướng dẫn. Theo đó, giai đoạn trước và trong khi ban hành văn bản hướng dẫn, cần phải truyền thông về dự thảo chính sách theo hướng rộng rãi, công khai, minh bạch để các cán bộ thực thi, người dân nắm bắt và có thể tham gia đóng góp ý kiến, góp phần xây dựng dự thảo phù hợp với thực tiễn và điều luật, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, có như vậy sẽ đảm bảo việc thực thi đúng tinh thần, nội dung của điều luật.

Giai đoạn sau khi ban hành, việc truyền thông cần phải được sâu sát, cụ thể hơn từ trung ương đến địa phương, không chỉ dừng ở việc thông tin đến cho người tiếp cận nội dung văn bản, mà cần cụ thể hơn để có thể hiểu, áp dụng được văn bản. Đặc biệt, trong công tác cán bộ, cần tăng cường tập huấn, chia sẻ, kiểm tra, rà soát, đúc rút kinh nghiệm trong quá trình thực thi một cách chặt chẽ, hiệu quả. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát các cán bộ có thẩm quyền trong suốt quá trình thực thi pháp luật.

Với Luật Đất đai 2023, một vấn đề được nhiều bên quan tâm là các phương pháp định giá đất. Theo ông, cần có hướng dẫn cụ thể thế nào để việc vận dụng các phương pháp được thuận lợi?

Ngày 5/2/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 12/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất và Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013. Theo đó, tinh thần của Nghị định 12/2024 hướng dẫn về định giá đất theo Luật Đất đai với 4 phương pháp, bao gồm so sánh, thu nhập, thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất.

Có thể thấy, thông qua 4 phương pháp này, Nghị định đã nêu tổng quan các phương pháp định giá đất, nhưng chưa lý giải rõ ràng, chi tiết nội dung của từng phương pháp, cách thức thực hiện… Do đó, cần có các hướng dẫn cụ thể trường hợp nào thì áp dụng phương pháp nào, nguyên tắc áp dụng trong từng trường hợp… để tránh tình trạng áp dụng và thực hiện không thống nhất.

Tin bài liên quan