Nguồn cung nhà ở xã hội tại những đô thị lớn như TP.HCM rất ít ỏi. Ảnh: Việt Dũng

Nguồn cung nhà ở xã hội tại những đô thị lớn như TP.HCM rất ít ỏi. Ảnh: Việt Dũng

Cần thêm cơ chế “phá băng” nhà vừa túi tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thiếu cơ chế hỗ trợ, nguồn cung ít ỏi, điều kiện mua nhà khắt khe… đang là những yếu tố cản trở người dân tiếp cận nhà ở xã hội, nhà vừa túi tiền cũng như doanh nghiệp đầu tư phát triển loại hình nhà ở này.

Chị Trần Thị Thu (quê Phú Yên) chuyển tới TP.HCM sinh sống và làm việc đến nay đã hơn 7 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học nhưng vẫn chưa thể tìm được nơi an cư, dù có công việc ổn định.

“Tôi đã nghĩ đến việc tìm mua nhà ở xã hội tại TP.HCM để yên tâm làm việc nhưng khó quá, bởi phải thỏa mãn đồng thời nhiều điều kiện như chưa có tài sản tại Thành phố, cư trú tại địa phương trên 1 năm, thu nhập dưới 12 triệu đồng/tháng… Trong khi đó, thu nhập hàng tháng của tôi đang là trên 15 triệu đồng/tháng, hơn nữa do liên tục phải chuyển nơi ở nên không có cơ sở để xác định cư trú tại địa phương trên 1 năm..., nên hồ sơ mua nhà không được duyệt”, chị Thu kể.

Trong một hoàn cảnh khác, anh Trần Hoài Nam (quê Thanh Hóa), là công nhân tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP.HCM chia sẻ, gia đình anh thuê trọ nhiều năm nay và có dự định tích góp để mua nhà ở xã hội, bởi với đồng lương công nhân eo hẹp thì khó có thể mua nhà ở thương mại.

“Tuy nhiên, nhiều năm qua, khu vực tôi sống không thấy có dự án nào được khởi công. Tôi cũng tìm hiểu một vài dự án nhà ở xã hội ở nơi khác nhưng giá bán quá cao, cộng với đi lại không tiện nên lại thôi”, anh Nam nói.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong giai đoạn 2016-2021, Thành phố đã hoàn thành đưa vào sử dụng 19 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất 24,67 ha, diện tích sàn xây dựng 1.188,761 m2, tương đương 14.954 căn hộ. Trong đó, vốn ngân sách đầu tư 620 căn và vốn doanh nghiệp đầu tư 14.334 căn, chiếm tỷ trọng lần lượt là 4,15% và 95,85% tổng nguồn cung.

Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế cho thấy con số thấp hơn nhiều khi tính đến nay, TP.HCM có 9 dự án nhà ở xã hội đang triển khai với tổng diện tích 17,54 ha, quy mô 6.231 căn hộ; trong đó có 5 dự án đang chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020. Giai đoạn tiếp theo (2021-2025), TP.HCM dự kiến triển khai 25 dự án, với tổng số hơn 28.600 căn hộ.

Lý giải điều này, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội nhiều và khó hơn so với nhà ở thương mại dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Ngoài ra, nguồn vốn hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội cũng chưa được triển khai.

Để tăng thêm nguồn cung nhà ở xã hội, mới đây, TP.HCM đã kiến nghị Trung ương cần tạo nguồn vốn dài hạn, ổn định với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ chủ đầu tư vay thực hiện dự án nhà ở xã hội và các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở được vay mua nhà.

Cụ thể, TP.HCM đề xuất cho phép thành lập doanh nghiệp chuyên biệt trực thuộc thành phố để đầu tư, phát triển, quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn. Ưu tiên sử dụng các quỹ đất Nhà nước trực tiếp quản lý do các doanh nghiệp đang sử dụng làm nhà xưởng tại các quận, huyện thuộc diện phải di dời vào các khu công nghiệp, cũng như quỹ đất do các cơ quan nhà nước đang quản lý thuộc diện sắp xếp lại để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.

Cùng với đó là sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, cụ thể: Bổ sung quy định về quy trình xác định chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư khi bàn giao lại quỹ đất ở 20% trong dự án cho Nhà nước...

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, điều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần là tháo gỡ thủ tục hành chính, cần phải có quy trình, bộ tiêu chuẩn thiết kế riêng dành cho nhà ở xã hội chứ không nên dùng chung với nhà ở thương mại.

“Hiện nay, quy trình làm nhà ở xã hội giống hệt nhà ở thương mại nhưng lại nhiêu khê hơn vì phát sinh thêm thủ tục duyệt đối tượng mua nhà, duyệt giá mua nhà…”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Tin bài liên quan