Kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn khá xa lạ với NĐT cá nhân

Kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn khá xa lạ với NĐT cá nhân

Cần xây dựng trái phiếu thành một sản phẩm đầu tư đại chúng

(ĐTCK) Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh ngoại hối và trái phiếu, Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam), để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, cần từng bước xây dựng trái phiếu thành một sản phẩm đại chúng đối với các nhà đầu tư. 

Đề án xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đang được Bộ Tài chính giao Sở GDCK Hà Nội xây dựng, với mục tiêu sớm tổ chức một thị trường trái phiếu tập trung, hỗ trợ các doanh nghiệp có thêm kênh gọi vốn. Ông đánh giá thế nào về hiện trạng và triển vọng phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?

Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, nên nhu cầu huy động vốn từ phía các doanh nghiệp phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh rất lớn. Mặt khác, khi thị trường tài chính phát triển hơn, nhà đầu tư cũng có nhu cầu đa dạng hóa các kênh đầu tư. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp là một kênh hấp dẫn do tính ổn định cao, rủi ro thấp hơn so với cổ phiếu, trong khi lãi suất lại cao hơn gửi tiết kiệm ngân hàng. Một số thống kê cho thấy hiện quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam chỉ khoảng 2 - 3% GDP, so với khu vực ASEAN 21,7% thì tiềm năng còn rất lớn.

Tuy nhiên, hiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn một số vấn đề cần cải thiện.

Thứ nhất, cơ sở nhà đầu tư hiện nay chủ yếu là các ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam được phát hành riêng lẻ cho một số nhà đầu tư giới hạn, tính minh bạch chưa cao.

Thứ hai, thông tin thị trường khá hạn chế, rải rác nên nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu và quyết định đầu tư.

Thứ ba, đa phần các trái phiếu doanh nghiệp được nắm giữ đến khi đáo hạn nên thị trường thứ cấp hầu như không có giao dịch, số lượng trái phiếu doanh nghiệp niêm yết và giao dịch qua sàn rất hạn chế.

Thứ tư, công ty định mức tín nhiệm hiện vẫn chưa có dù hành lang pháp lý cho vấn đề này đã tương đối đầy đủ.

Cơ sở pháp lý cho thị trường trái phiếu cần minh bạch, ổn định, toàn diện, nhưng vẫn thông thoáng cho doanh nghiệp phát hành; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Ông Ngô Đăng Khoa

Việc chủ thể mua trái phiếu chủ yếu là các ngân hàng thương mại nói lên điều gì, thưa ông?

Thị trường trái phiếu Việt Nam nói chung và trái phiếu doanh nghiệp nói riêng hiện đang thiếu vắng bóng dáng nhà đầu tư đại chúng. Việc thiếu vắng cơ sở nhà đầu tư khiến các doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào khẩu vị rủi ro của các tổ chức tín dụng, làm hạn chế khả năng gọi vốn của doanh nghiệp mình.

Nguồn vốn ngắn hạn của doanh nghiệp (vay tín dụng) hay trung dài hạn (huy động qua phát hành trái phiếu) hiện đều lệ thuộc hoàn toàn vào ngân hàng. Điều này cho thấy thị trường vốn Việt Nam vẫn chưa phát triển, hiệu quả.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa được quan tâm, xây dựng, quản lý và quảng bá rộng rãi nên vẫn xa lạ với nhà đầu tư đại chúng. Mặt khác, nhà đầu tư đại chúng cũng kém mặn mà với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, do thiếu cơ sở thông tin đáng tin cậy, minh bạch do chưa có công ty định mức tín nhiệm; chưa có thị trường giao dịch trái phiếu thứ cấp và các sản phẩm phù hợp.

Ngoài ra, theo thông lệ giao dịch, khối lượng giao dịch trái phiếu cũng khá lớn (10 - 50 tỷ đồng) cũng làm hạn chế khả năng tham gia của các nhà đầu tư cá nhân.

Theo ông, đâu là những yếu tố mà quản lý cần lưu ý khi bắt tay xây dựng thị trường trái phiếu tại Việt Nam?

Theo tôi, yếu tố công khai minh bạch đóng vai trò tiên quyết trong việc thu hút các nhà đầu tư mới để thị trường này có thể phát triển bền vững.

Việc xây dựng và phát triển khuôn khổ cho các chủ thể trong việc tạo lập thị trường bao gồm các nhà tạo lập thị trường, nhà môi giới, nhà bảo lãnh, tư vấn, cơ quan định mức tín nhiệm, cơ quan quản lý thị trường... cũng đóng vai trò quan trọng.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao dịch hoàn thiện gồm hệ thống thông tin tập trung, hệ thống giao dịch tập trung, hệ thống thanh toán và lưu ký cần được đẩy mạnh. Cơ quan quản lý cần tạo điều kiện và khuyến khích các ngân hàng, công ty chứng khoán quảng bá về thị trường trái phiếu, từng bước xây dựng trái phiếu thành một sản phẩm đại chúng đối với các nhà đầu tư.

Các sự kiện quảng bá về thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng cần được đẩy mạnh triển khai. Khi có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, thị trường sẽ trở nên chuyên nghiệp và sôi động hơn, từ đó, dễ dàng thu hút sự chú ý và tham gia của các nhà đầu tư trong nước khác.

Tin bài liên quan