Căng thẳng ở Biển Đỏ có nguy cơ cắt giảm 20% năng lực vận tải toàn cầu

Căng thẳng ở Biển Đỏ có nguy cơ cắt giảm 20% năng lực vận tải toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo các chuyên gia, một loạt các cuộc căng thẳng quân sự ở Biển Đỏ có thể làm giảm 20% năng lực vận tải toàn cầu, như một đòn giáng mới vào chuỗi cung ứng có thể gây ra áp lực lạm phát.

Có ít nhất 121 tàu container đã đi những tuyến đường dài hơn để tránh kênh đào Suez và Biển Đỏ - khu vực chịu ảnh hưởng bởi các cuộc căng thẳng quân sự. Tàu container chiếm 30% lượng vận chuyển hàng hóa và lượng hàng hóa trị giá 1.000 tỷ USD được các tàu này vận chuyển mỗi năm. Trong đó, ước tính khoảng 10% khối lượng hàng hóa đi qua kênh đào Suez.

Các công ty vận tải lớn như AP Moller-Maersk của Đan Mạch, Hapag-Lloyd của Đức và CMA CGM của Pháp đã quyết định dừng hoạt động hàng hải qua Biển Đỏ từ đầu tháng 12. Theo công ty hậu cần Kuehne + Nagel của Thụy Sĩ, tính đến ngày 20/12, có 121 tàu container đang đi đường vòng, làm ảnh hưởng đến 1,6 triệu container.

Theo công ty hậu cần Kuehne + Nagel, so với các tuyến đường qua kênh đào Suez, chuyến đi giữa châu Á và châu Âu quanh Mũi Hảo Vọng sẽ kéo dài thêm 3-4 tuần thời gian vận chuyển. Các tuyến đường đến Bờ Đông nước Mỹ sẽ bị trễ thêm khoảng 5 ngày nữa.

Kuehne + Nagel cho biết, thời gian di chuyển của hàng hóa kéo dài sẽ làm giảm đi 20% công suất của đội tàu toàn cầu so với giai đoạn bình thường, dẫn đến sự chậm trễ tiềm tàng về nguồn lực vận chuyển sẵn có. Tác động dây chuyển còn lớn hơn với khoảng 40% tàu container đang gặp phải tình trạng chậm trễ.

Chris Rogers, nhà phân tích tại S&P Global cho biết: “Chi phí vận chuyển trên tuyến đường châu Á đến châu Âu có thể sẽ tăng khoảng 15% khi tính chi phí nhiên liệu so với phí ròng từ kênh đào Suez, đồng thời cũng sẽ có thêm chi phí bảo hiểm”.

CMA CGM đã tăng phí vận chuyển một container 40 feet lên 6,600 USD từ mức 2,000 USD trước đó.

Nhìn chung, phí vận chuyển cao hơn và sự chậm trễ trong việc giao hàng sẽ ảnh hưởng đến 47% đồ chơi, khoảng 40% thiết bị gia dụng và khoảng 40% hàng may mặc được vận chuyển giữa các nền kinh tế châu Á và phương Tây.

Theo nhà phân tích Chris Rogers, nguồn cung cấp công nghiệp có thể trở nên khó tiếp cận hơn. Ngoài ra, việc định tuyến lại sẽ ảnh hưởng đến việc vận chuyển 24% hóa chất, cũng như 22% thép cán phẳng được sử dụng trong ngành ô tô và 22% dây cách điện và pin cho ô tô.

Có những dấu hiệu cho thấy sự chậm trễ đã ảnh hưởng đến giá bán lẻ ở Mỹ.

Jon Gold, Phó chủ tịch chuỗi cung ứng và chính sách hải quan của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (NRF) cho biết: “Những sự gián đoạn này đang khiến thời gian vận chuyển của các nhà bán lẻ tăng thêm từ hai tuần trở lên, dẫn đến giá cước tăng”.

Mặt khác, tập đoàn vận tải Maersk cho biết hôm 24/12 rằng đang chuẩn bị nối lại các hoạt động vận chuyển ở Biển Đỏ và Vịnh Aden, khi trích dẫn việc triển khai một hoạt động quân sự do Mỹ lãnh đạo nhằm đảm bảo an toàn thương mại trong khu vực.

​“Kể từ Chủ nhật, ngày 24/12/2023, chúng tôi đã nhận được xác nhận rằng sáng kiến an ninh đa quốc gia được công bố trước đó Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng (OPG) hiện đã được thiết lập, triển khai để cho phép thương mại hàng hải đi qua Biển Đỏ/Vịnh Aden và một lần nữa quay trở lại sử dụng kênh đào Suez làm cửa ngõ giữa châu Á và châu Âu… Với sáng kiến của OPG đang được triển khai, chúng tôi đang chuẩn bị cho phép các tàu tiếp tục quá cảnh qua Biển Đỏ theo cả hướng đông và hướng tây", Masersk cho biết trong một tuyên bố hôm Chủ nhật (24/12).

Maersk cho biết thêm, họ sẽ công bố thêm thông tin chi tiết trong những ngày tới. Tuy nhiên, Maersk cũng thận trọng cảnh báo có thể đổi tuyến vận tải một lần nữa, tùy thuộc vào mức độ an toàn trong thời gian tới.

Tin bài liên quan