Hầu hết người dân đều có tâm lý "gom" vàng lúc này

Hầu hết người dân đều có tâm lý "gom" vàng lúc này

Cảnh giác vì vàng đang bị làm giá trắng trợn

Giá vàng thế giới lao dốc xuống còn hơn 1.600 USD một ounce, kéo giá trong nước giảm mạnh gần 1 triệu đồng mỗi lượng vào hôm thứ 7 và mất 2 triệu đồng so với cuối tuần trước. Tuy giá trong nước hôm nay sụt mạnh, song mức chênh lệch so với giá thế giới vẫn ở mức rất cao, trên 4 triệu đồng một lượng.

Hôm 23/9, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch hơn 3 triệu đồng mỗi lượng. Khi đó, lãnh đạo một số doanh nghiệp vàng cho biết khoảng cách này là quá cao và sẽ cố gắng hạn chế tình trạng này. Vậy nhưng, tới hôm nay, khoảng cách giá kim loại quý giữa hai thị trường nội ngoại lại bị kéo giãn ra tới hơn 4 triệu đồng.

Đại diện các doanh nghiệp vàng đều cho rằng, nguyên nhân khiến giá vàng trong nước bị kiềm và giảm chậm hơn so với giá thế giới là nguồn cung khan hiếm.

Ông Vũ Minh Châu - Giám đốc Bảo Tín Minh Châu cho hay, vì Bảo Tín Minh Châu là doanh nghiệp bán lẻ nên lượng vàng đầu vào đến từ hai nguồn, thứ nhất là mua từ bạn hàng, người dân, thứ hai là nhập từ một số đối tác trong nước (đơn vị này hầu như không được nhập khẩu vàng từ thế giới khi Nhà nước cấp quota nhập khẩu cho các doanh nghiệp).

“Cả hai nguồn này hiện rất hạn chế. Từ khi vàng ở mức trên 47 triệu đồng và giảm dần cho đến nay, người dân chủ yếu đi mua chứ không bán (lượng vàng dân mua chiếm 95 – 99% trong nhiều ngày qua), nên nguồn vàng doanh nghiệp thu vào hầu như không có. Còn việc nhập vàng từ một số đối tác cũng rất khó khăn, lý do họ giải thích là gia công không kịp. Trong khi đó, người dân vẫn đua nhau mua. Cầu tăng mạnh mà cũng bị kéo lại, khiến giá trong nước không thể hạ nhanh so với giá thế giới được” - ông Châu nói.

Còn ông Nguyễn Thanh Trúc - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Agribank (thương hiệu vàng AAA), thì vẫn cho rằng một số doanh nghiệp vàng có tỷ trọng lớn tại Việt Nam đang ép cung, làm giá bằng việc gia công cầm chừng, tạo nguồn cung khan giả.

Ông Trúc phân tích cụ thể hơn, khi vàng nguyên liệu được nhập về Việt Nam, các doanh nghiệp phải thuê SJC dập thành vàng miếng, mất trên dưới 1 tuần. Trong thời gian chờ ấy phát sinh chi phí gọi là “phí chờ”. Đó là các loại phí như tiền lãi vay ngân hàng, rủi ro chênh lệch tỷ giá hay sự lên xuống của giá thị trường. Với các khoản phí này, vàng có thể bị đội giá thêm ít nhất 600.000 đồng mỗi lượng. Vì vậy, các doanh nghiệp khi nhập vàng từ quốc tế về, chỉ muốn gia công nhanh để bán ra thị trường nhằm giảm khoản phí chờ ở mức thấp nhất, thu hồi vốn. Chỉ khi nào giá bán ra quá thấp, họ không thể kiếm lời, thì mới phải gia công, sản xuất cầm chừng.

Lần này, SJC chỉ gia công, sản xuất cầm chừng cho mình và các doanh nghiệp khác, khiến nhiều bạn hàng của SJC rất khó khăn khi chờ cung vàng miếng để bán ra thị trường. “Đừng đổ lỗi cho nhu cầu tăng cao không đáp ứng kịp. Nếu muốn thì SJC có thể tăng ca sản xuất là xong ngay, đấy là chưa nói thời điểm này người dân chủ yếu mua, song lượng mua vẫn không đột biến như các đợt vàng sốt giá trước đây”, ông Trúc nói.

Theo một số chuyên gia, sở dĩ giá vàng chênh lệch quá cao so với giá thế giới, nguyên nhân gốc rễ là do các doanh nghiệp đang làm giá, đẩy phần lỗ sang người tiêu dùng. Rất dễ nhận ra điều này khi nhìn vào thời điểm các doanh nghiệp nhập vàng, giá thế giới đang ở mức cao, buộc họ phải bán giá cao, hoặc ém số vàng nguyên liệu này lại, đợi khi nào giá lên thì mới gia công, sản xuất sang vàng miếng tung ra thị trường. Điều này cho thấy thị trường vàng trong nước hoàn toàn thiếu minh bạch và an toàn, và dù vàng có biến động thế nào thì “quả bóng” rủi ro vẫn bị đẩy về phía người dân, khách hàng.

 

Doanh nghiệp vàng lại ngừng giao dịch

Điều đáng chú ý trong phiên giao dịch hôm nay, một số doanh nghiệp vàng lớn thậm chí còn ngừng mua bán lúc đầu giờ chiều. Cụ thể, lúc 14h, Bảo Tín Minh Châu tạm ngừng giao dịch trong 20 phút. SJC Hà Nội cũng không bán vàng cho khách lúc đầu giờ chiều. Một số khách hàng còn cho hay, họ không thể mua bán vàng tại DOJI cùng thời điểm.

Anh Doãn Tiến Yên - nhân viên kinh doanh Bảo Tín Minh Châu giải thích, do lúc đó vàng thế giới biến động mạnh quá, các doanh nghiệp trong nước chưa đưa ra được mức giá mới mà còn phải “nhìn nhau” điều chỉnh giá, nên cửa hàng tạm thời ngừng mua bán một lúc. Trước khi đóng cửa, giá mua bán vàng rồng Thăng Long tại đây là 41,8 – 43,3 triệu, sau đó doanh nghiệp này mở cửa trở lại với mức giá mới 42,9 – 44,2 triệu đồng một lượng. Hầu hết khách đến giao dịch hôm nay chủ yếu mua vào.

Công ông Lưu Quang Điền - Giám đốc SJC Hà Nội cho hay, không có chuyện doanh nghiệp đóng cửa mua bán vàng, mà giao dịch chỉ bị nghẽn một lúc do phải đợi vàng vật chất về, do người mua đông.

Hiện, các website của nhiều doanh nghiệp hầu như đều bị treo, hoặc không niêm yết giá mới. Ông Điền giải thích, do giá biến đổi nhanh quá nên doanh nghiệp không kịp niêm yết trên website, mà chỉ điều chỉnh giá tại cửa hàng.

Chưa nên mua vào

Giá vàng thế giới sau khi mở cửa sáng nay (giờ Việt Nam) ở mức hơn 1.630 USD một ounce thì hiện đã nhanh chóng lao dốc xuống sát 1.550 USD mỗi ounce.

 Cụ thể, lúc 13h40 hôm nay, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco ở mức 1.554,8 USD một ounce, giảm hơn 100 USD so với cuối tuần trước. Với mức giá này, quy đổi tương đương ra VND, vàng thế giới chỉ dưới 39 triệu đồng. Như vậy, chênh lệch giá giữa hai thị trường vẫn đang ở mức 3 – 4 triệu đồng một lượng. Với mức chênh này, các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên vội mua vào.