“Cặp đôi” EIB - STB: Sóng ngầm giao dịch thỏa thuận

“Cặp đôi” EIB - STB: Sóng ngầm giao dịch thỏa thuận

(ĐTCK) Trong bối cảnh TTCK đìu hiu, thì giao dịch cổ phiếu ngân hàng Sacombank (STB) và Eximbank (EIB) lại dậy sóng, với những thương vụ thỏa thuận lô lớn. Tiền đâu để thực hiện các giao dịch này, mục đích là gì?

Vòng quay giao dịch thỏa thuận

Bất chấp giao dịch của TTCK ngày càng ảm đạm, vòng quay cổ phiếu EIB và STB vẫn diễn ra với tốc độ chóng mặt. Cụ thể, trong tháng 10/2012, dù tâm lý của giới đầu tư đã chán nản cùng cực, nhưng vẫn có tới hơn 115 triệu cổ phiếu EIB, trị giá hơn 1.800 tỷ đồng được sang tên. Đáng chú ý, phần giao dịch thỏa thuận chiếm tỷ lệ áp đảo, trên 80% tổng khối lượng và giá trị giao dịch. Trước đó, trong tháng 2, 6, khối lượng giao dịch nói chung và các giao dịch thỏa thuận EIB nói riêng cũng cao đột biến (xem Đồ thị 1).

“Cặp đôi” EIB - STB: Sóng ngầm giao dịch thỏa thuận ảnh 1

Cổ phiếu STB dù có khối lượng và giá trị giao dịch khiêm tốn hơn, nhưng cũng có tới hơn 60% giao dịch được thực hiện trong tháng 10, qua phương thức thỏa thuận. Nếu tính cả tháng 9 và 10, có 135,5 triệu cổ phiếu STB được sang tên, giá trị giao dịch lên tới gần 2.640 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm hơn 70% (xem Đồ thị 2).

“Cặp đôi” EIB - STB: Sóng ngầm giao dịch thỏa thuận ảnh 2

Bản thân tên gọi giao dịch thỏa thuận đã bao gồm các thỏa thuận ngầm giữa bên mua và bên bán và lý do ít khi được công bố ràng. Tuy nhiên, giá trị giao dịch cổ phiếu STB cao đột biến vào tháng 1, tháng 4 và tháng 6 được giới chuyên môn có các lý giải riêng. Chẳng hạn, CTCP Cơ điện lạnh và Ngân hàng ANZ thoái vốn khỏi Sacombank dẫn đến khối lượng giao dịch thỏa thuận cao đột biến hồi đầu năm; động thái tương tự của CTCP Thành Thành Công, Sacomreal và một số người thân của cổ đông sáng lập Sacombank giúp giao dịch cổ phiếu STB tăng đột biến đầu quý II; các giao dịch thỏa thuận lớn cổ phiếu STB vào tháng 6, ngay sau ĐHCĐ thường niên không gắn nhiều thông tin giao dịch của các bên liên quan, nhưng giới chuyên môn liên hệ các giao dịch này với bước ngoặt giảm lãi suất rất mạnh về mức trên dưới 10%/năm trong tháng 6 - đồng nghĩa với các giao dịch có thể liên quan đến hoạt động cầm cố, repo cổ phiếu tại các ngân hàng.

 

Những nghi vấn

Trong 10 tháng đầu năm 2012, tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu STB lên tới hơn 990 triệu đơn vị, vượt số cổ phiếu STB đang niêm yết sau khi trừ đi 100 triệu cổ phiếu quỹ. Tương tự, cùng thời gian này có 670 triệu cổ phiếu EIB được sang tên, tương ứng với khoảng 50% số lượng cổ phiếu EIB niêm yết. So với các cổ phiếu blue-chip khác và xu thế trầm lắng của thị trường, hai cổ phiếu STB và EIB nổi bật ở tính siêu thanh khoản. Sự chú ý vào cổ phiếu STB và EIB khi cả hai còn gắn với thương vụ thâu tóm, đổi chủ sở hữu đình đám.

Vì vậy, từ lâu giới quan sát đã đặt câu hỏi: tiền đâu để thực hiện các giao dịch thỏa thuận lớn cổ phiếu ngân hàng? Thời điểm các giao dịch thỏa thuận bùng nổ trùng với thời điểm lãi suất hạ, khiến một số lý giải về dòng tiền hỗ trợ các giao dịch thỏa thuận trên đến từ các ngân hàng thương mại trở nên có cơ sở. Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, tổng giám đốc một ngân hàng lớn nhìn nhận vấn đề này lại rất bình thường.

“Ngân hàng là một tổ chức tín dụng nên một trong các nghiệp vụ cơ bản nhất là cung cấp tín dụng cho khách hàng có nhu cầu. Các quy định hiện nay cho phép ngân hàng dành 20% vốn điều lệ để cho vay kinh doanh chứng khoán. Nếu còn ‘room’ tín dụng chứng khoán, khách hàng có tài sản thế chấp, đủ điều kiện vay vốn thì không lý gì ngân hàng lại từ chối. Việc khách hàng kinh doanh chứng khoán như thế nào, mua cổ phiếu gì sau đó không còn thuộc thẩm quyền kiểm tra giám sát của ngân hàng. Chỉ nên đặt vấn đề ngân hàng có cho vay đầu tư chứng khoán đúng thủ tục, quy trình hay không”, vị tổng giám đốc trên nói.

Ở phương diện một ngân hàng đơn lẻ, lý giải trên khá thỏa đáng về nghiệp vụ kinh doanh. TTCK Việt Nam đìu hiu như cánh đồng khô hạn, đang cần tiếp sức bởi các nguồn lực mới, để đơm hoa kết trái trở lại. Hoạt động M&A có sử dụng vốn vay ngân hàng cũng hoàn toàn bình thường so với thông lệ thế giới, khi hoạt động thâu tóm, sáp nhập luôn xuất hiện bên thứ ba nhằm thu xếp vốn. Thậm chí, hoạt động M&A này còn nên khuyến khích nếu gắn với phương án kinh doanh tốt, thực hiện đúng luật, vì gián tiếp đưa tư liệu sản xuất tới tay những người có khả năng hoặc tự tin khai thác tốt nhất. Tuy nhiên, ở bình diện rộng hơn như hệ thống ngân hàng hay quản lý tiền tệ, việc sở hữu rối rắm cổ phần giữa các ngân hàng có thể dẫn tới các khó khăn về quản lý tiền tệ, ẩn chứa nguy cơ bất ổn mang tính dây chuyền hay các rủi ro có tính chất hệ thống.

Đã hơn hai tháng trôi qua, kể từ khi đại diện của Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ công khai kết quả thanh tra việc thâu tóm Sacombank vào cuối tháng 8. Thanh khoản của TTCK đang cạn kiệt và tâm lý của giới đầu tư chứng khoán thận trọng hơn bao giờ hết, một phần cũng xuất phát từ khoảng trống thông tin chính thức trước vụ thâu tóm đình đám này của TTCK Việt Nam . Khi guồng máy giao dịch thỏa thuận các cổ phiếu ngân hàng vẫn đang quay gấp gáp, động cơ khi tỏ, khi mờ, thị trường mong chờ các thông tin chính thức từ cơ quan quản lý để có thể yên tâm đầu tư.