Cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ làm tăng thêm thách thức hồi phục kinh tế ở châu Á

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuối tuần qua, OPEC+ đã bất ngờ tuyên bố cắt giảm sản lượng. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng trung ương châu Á đang báo hiệu tạm dừng các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ trong 18 tháng qua.
Một tàu chở dầu dỡ hàng tại Yên Đài, Trung Quốc.

Một tàu chở dầu dỡ hàng tại Yên Đài, Trung Quốc.

Việc giảm sản lượng khoảng 1,15 triệu thùng/ngày là một vấn đề lớn, mặc dù việc cắt giảm sẽ không có hiệu lực cho đến tháng 5.

Khi OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu, các nhà chức trách ở nhiều quốc gia có thể sẽ phản ứng bằng cách rút thanh khoản trên thị trường tiền tệ. Điều này chắc chắn sẽ làm suy yếu quá trình phục hồi kinh tế và làm tăng thêm mối lo ngại rằng, có thể có thêm nhiều tình huống tương tự như Credit Suisse sắp xảy ra.

Lim Jit Yang, cố vấn thị trường dầu mỏ khu vực châu Á-Thái Bình Dương của S&P Global Commodity Insights cho biết, việc cắt giảm hạn ngạch sản xuất của OPEC+ "có thể gây ra lạm phát khi nguồn cung thắt chặt hơn nữa trong nửa cuối năm nay. Điều này có thể làm phức tạp các quyết định cho các ngân hàng trung ương, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây".

Trong những tuần kể từ khi Silicon Valley Bank (SVB) và các ngân hàng khác của Mỹ sụp đổ và UBS tiếp quản khẩn cấp Credit Suisse, thị trường đã thở phào nhẹ nhõm. Và thị trường đang kỳ vọng tình trạng hỗn loạn tồi tệ như năm 2008 khác dường như sẽ không diễn ra.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell dường như sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết đoán nhất của Mỹ trong nhiều thập kỷ. Nhưng những kỳ vọng này đang thay đổi khi quyết định cắt giảm sản lượng mới đây của OPEC+ có thể gây thách thức cho triển vọng kinh tế ở khắp mọi nơi.

Các nhà giao dịch trái phiếu có khả năng đẩy lợi suất trái phiếu lên cao hơn vào thời điểm mà các chính phủ châu Á kỳ vọng sẽ thu hẹp thâm hụt ngân sách trong thời đại Covid. Các nhà đầu tư cổ phiếu có thể quay trở lại xu hướng né tránh rủi ro trong những năm gần đây.

Trong khi đó, rủi ro lạm phát của Trung Quốc chỉ tăng lên. Trong những tuần gần đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã phát tín hiệu quay trở lại kích thích tiền tệ. Hậu quả lạm phát do quyết định của OPEC+ đối với người tiêu dùng từ Mỹ, Đức đến Nhật Bản sẽ làm phức tạp thêm kỳ vọng xuất khẩu của Trung Quốc quay trở lại mức tăng trưởng kinh tế 5%.

Chúng ta không thể đạt được sự ổn định về giá cả, duy trì tăng trưởng kinh tế và có sự ổn định về tài chính cùng một lúc. Vì vậy, cuối cùng, chúng ta sẽ có một sự sụp đổ về kinh tế và tài chính - Nhà kinh tế Nouriel Roubini

OPEC+ cũng có thể đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Nam Á vào tình thế nguy hiểm. Các thống đốc ngân hàng trung ương ở Jakarta, Kuala Lumpur và Manila gần đây đã mở ra dấu hiệu rằng họ có thể nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm thắt chặt. "Nhưng bây giờ mọi thứ đã trở nên tối hơn một chút".

Mặt khác, một yếu tố có thể thay đổi sắp tới sẽ đến từ Thống đốc mới của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda. Hiện tại, lạm phát tồi tệ nhất của Nhật Bản trong 40 năm đang vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP.

Bất kỳ sự tăng vọt nào về lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản đều có thể làm rung chuyển thị trường thế giới. Hơn 20 năm thực hiện nới lỏng định lượng đã khiến Nhật Bản trở thành quốc gia chủ nợ lớn nhất. Các nhà giao dịch ở khắp mọi nơi thường xuyên vay bằng đồng yên với chi phí thấp để đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao hơn ở các thị trường từ châu Á đang phát triển đến châu Mỹ Latinh rồi Đông Âu.

Tuy nhiên, yếu tố khó đoán thực sự là Chủ tịch Fed Powell. Như nhà kinh tế Nouriel Roubini gần đây đã nhận xét trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg: "Hàng trăm ngân hàng nhỏ hơn thực sự mất khả năng thanh toán, đó là vấn đề cơ bản”.

Nhà kinh tế Nouriel Roubini cho rằng, tình trạng hỗn loạn do người gửi tiền rút tiền hàng loạt ở SVB sẽ khiến những ngân hàng trong khu vực cắt giảm tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình, khiến Mỹ rơi vào suy thoái.

Ông cho biết, các ngân hàng trung ương hiện đang phải đối mặt với một "bộ ba bất khả thi" mà hầu hết đều không được trang bị đầy đủ để giải quyết.

“Chúng ta không thể đạt được sự ổn định về giá cả, duy trì tăng trưởng kinh tế và có sự ổn định về tài chính cùng một lúc. Vì vậy, cuối cùng, chúng ta sẽ có một sự sụp đổ về kinh tế và tài chính”, ông cho biết.

Quan điểm của nhà kinh tế Roubini có thể sai, nhưng việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ đã làm gia tăng căng thẳng.

Edward Moya, nhà phân tích tại OANDA cho biết: “Rõ ràng, Ả Rập Xê Út không thoải mái với việc giá dầu đang ở mức thấp và muốn gửi một thông điệp ở đây. Các nhà phân tích năng lượng sẽ phải thiết lập lại bất kỳ dự báo lạc quan nào về vĩ mô, vì giá dầu rõ ràng đang quay trở lại mức 100 USD/thùng”.

Đây được cho là điều cuối cùng mà châu Á phải trải qua khi sự phục hồi mong manh của khu vực đang phải đối mặt với những cơn gió ngược mới và khi các ngân hàng thậm chí còn mỏng manh hơn phải đối mặt với cú đấm kép của lãi suất tăng và nhu cầu kinh tế suy giảm.

Tuy nhiên, châu Á dường như vẫn ở vị thế tốt hơn phương Tây để chống chọi với sự hỗn loạn tài chính trong những tháng tới. Giữa quá trình phục hồi sau Covid của Trung Quốc và mức tăng trưởng hơn 6% của Ấn Độ, châu Á có những động cơ mạnh mẽ để khai thác. Tuy nhiên, điều bất ngờ từ OPEC+ sẽ là một đám mây đen mà hệ thống ngân hàng toàn cầu đang lung lay có thể phải đối mặt trong thời gian tới để tồn tại.

Tin bài liên quan