Câu chuyện chuyển đổi số tại Nestle và ABB: Cơ hội nhiều hơn khó khăn

Câu chuyện chuyển đổi số tại Nestle và ABB: Cơ hội nhiều hơn khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Yêu cầu về chuyển đổi số và chuyển đổi mô hình sang tăng trưởng xanh là một thách thức rất lớn cho Việt Nam và các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới.

Kinh nghiệm từ Nestle và Nhà máy Giải pháp Phân phối Điện ABB cho thấy, cơ hội nhiều hơn khó khăn và các doanh nghiệp cần bắt đầu từ những bước nhỏ .

Chia sẻ tại Diễn đàn “Chuyển đổi số: Nhanh hơn, Thông minh hơn, Xanh hơn” do Báo Đầu tư tổ chức, ông Urs Kloeti, Giám đốc nhà máy Nestlé Bông Sen, Nestle Vietnam Ltd cho biết, phương pháp tiếp cận của Nestlé đối với vấn đề chuyển đổi số trong sản xuất tại Việt Nam cũng như trên phạm vi toàn cầu là tìm kiếm các xu hướng bên ngoài xem liệu có cơ hội, sản phẩm - dịch vụ nào phù hợp với Công ty, sau đó áp dụng quy mô nhỏ tại nhà máy.

"Một khi đã chứng minh được hiệu quả, thì mở rộng quy mô áp dụng và triển khai đồng bộ", đại diện nhà máy Nestlé Bông Sen nhấn mạnh.

Netsle đang chuyển đổi số tập trung vào 3 nhóm việc. Thứ nhất là kết nối người lao động nhằm mang lại hiệu suất cao hơn, khai thác năng suất lao động tốt nhất. Thứ hai là tối ưu hoá quy trình, chú trọng chất lượng sản xuất, sử dụng thiết bị tối ưu… Thứ ba là tuỳ chỉnh sản phẩm để linh hoạt hơn, phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Ông Urs Kloeti, Giám đốc nhà máy Nestlé Bông Sen, Nestle Vietnam Ltd trao đổi tại diễn đàn. Ảnh: Dũng Minh

Ông Urs Kloeti, Giám đốc nhà máy Nestlé Bông Sen, Nestle Vietnam Ltd trao đổi tại diễn đàn. Ảnh: Dũng Minh

“Chuyển đổi số giúp mang lại những kết quả hữu hình đối với hoạt động của chúng tôi, đơn cử như giảm 60% thời gian tạm dừng sản xuất, giúp tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm bằng cách tối ưu hóa các cảm biến thông minh và các dữ liệu đã được số hóa; Giảm 50% lượng giấy tiêu thụ trong nhà máy bằng cách đẩy nhanh việc áp dụng số hóa trong hoạt động; Giảm 20% chi phí bảo dưỡng thông qua các cảm biến dự báo và nhờ vào các kỹ thuật viên và cán bộ điều hành tay nghề cao”, ông Urs Kloeti cho biết.

Trong khi đó, ông Madhav Joshi - Giám đốc, Nhà máy Giải pháp Phân phối Điện ABB chia sẻ, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng mang tính tự nhiên và trong quá trình này, cơ hội nhiều hơn khó khăn. Công ty đã chuyển đổi số trong nhiều thập kỷ và quá trình này được thể hiện ở mọi góc cạnh, từ hệ thống quản lý điện năng và năng lượng tại nhà máy cho tới tăng cường hiệu suất làm việc…

“Một ví dụ có thể kể tới là trong thời gian đại dịch diễn ra, khách hàng không cần đến nhà máy vẫn có thể xem được toàn bộ các thiết bị/sản phẩm của chúng tôi thông qua hệ thống thực tế ảo, thực tế tăng cường”, ông Madhav Joshi chia sẻ.

Ông Madhav Joshi - Giám đốc, Nhà máy Giải pháp Phân phối Điện ABB. Ảnh: Dũng Minh
Ông Madhav Joshi - Giám đốc, Nhà máy Giải pháp Phân phối Điện ABB. Ảnh: Dũng Minh

Với ABB, có 3 xu hướng lớn đang diễn ra trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay. Thứ nhất là dữ liệu và xử lý dữ liệu. Thứ hai là công tác tổ chức nhân lực, dịch chuyển về con người. Thứ ba là tăng trưởng bền vững hơn.

Một điểm chung trong quá trình chuyển đổi số tại cả Nestle và ABB là câu chuyện về con người.

Ông Urs Kloeti cho biết, chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện về công nghệ mà còn về con người.

“Chuyển đổi số giúp chúng tôi kết nối nhân viên tại tất cả các cấp bậc trong công ty một cách hiệu quả và chủ động hơn. Chúng tôi đã xây dựng một vài mạng lưới nội bộ từ những đội ngũ sẵn có trong từng lĩnh vực quan trọng và hiện nay, tại mỗi thị trường chúng tôi cũng xây dựng những mạng lưới như vậy để xác định những vấn đề cần cải thiện và tìm kiếm những ứng dụng phù hợp nhất để xử lý những vấn đề này”, theo ông Urs Kloeti.

Trong khi đó, với Nhà máy Giải pháp Phân phối Điện ABB, ông Madhav Joshi nhấn mạnh, công nghệ chỉ là hỗ trợ, con người mới là trung tâm.

“Chúng ta cần tập trung nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ nhân sự, có cách tiếp cận nhất quán trong quá trình chuyển đổi số”, ông Madhav Joshi nói.

Tin bài liên quan