CBRE Group mua lại CBRE Việt Nam: Đá cũng phải mòn

CBRE Group mua lại CBRE Việt Nam: Đá cũng phải mòn

Không chỉ các chủ đầu tư khốn đốn, mà ngay cả các nhà tư vấn cũng chật vật trong một thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng.

  CBRE Việt Nam luôn dẫn đầu nhóm “Big Three” nay cũng phải bán lại là một minh chứng rõ nét.

 

Sang tay triệu đô

 

Ngày 23/9, tin về việc CBRE Group (NYSE: CBG) mua lại công ty thành viên là CBRE Việt Nam lan đi khá nhanh. Thông tin mua lại CBRE Việt Nam không làm giá cổ phiếu CBG thay đổi nhưng tại thị trường Việt Nam, đây lại là tin khá “sốc” vì từ trước đến nay, CBRE Việt Nam được đánh giá cao và luôn dẫn đầu nhóm “Big Three” gồm ba “ông lớn” là CBRE, Savills, Colliers International.

 

CBRE Group cho biết, mục tiêu của việc mua lại CBRE Việt Nam nhằm củng cố sức mạnh của họ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông Rob Blain, Chủ tịch kiêm CEO của CBRE châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh, dù tình hình BĐS Việt Nam hiện đang đối diện với nhiều thử thách nhưng CBRE tin vào tiềm năng phát triển dài hạn của thị trường.

 

Hơn nữa, chi phí kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn thấp và thị trường dựa trên nền tảng của sự tăng trưởng kinh tế. “CBRE Việt Nam sẽ là mắt xích quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ của CBRE Group cho những nền kinh tế năng động trong khu vực Đông Nam Á (CBRE Việt Nam hiện có khoảng 160 nhân sự từ các văn phòng tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng). Điều này càng bổ trợ cho vị trí dẫn đầu của CBRE Group ở thị trường Singapore và Trung Quốc”, ông Rob Blain nói.

 

Trong phần phân tích và đánh giá cổ phiếu CBG, Hãng nghiên cứu Zacks (Mỹ) cho rằng, đây là thương vụ mà cả hai cùng có lợi. Thực chất, châu Á - Thái Bình Dương là thị trường quan trọng đối với CBRE Group khi chiếm đến 13,4% doanh thu trong năm 2011. Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, CBRE đã xuất hiện ở Việt Nam trong giai đoạn 1996 – 1997, nhưng sau đó đã “nói lời tạm biệt” với thị trường. Đến năm 2003, Marc Townsend, Richard Leech (Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam) và một cổ đông từ Thái Lan đã đưa CBRE quay lại theo con đường nhượng quyền thương mại. Được biết, việc chào bán CBRE Việt Nam có chọn lọc cũng đã manh nha từ năm 2008 (thời điểm thị trường BĐS Việt Nam bắt đầu đi vào khủng hoảng) tại Singapore .

 

Dù không chia sẻ con số cụ thể nhưng ông Marc Townsend cho biết, giá trị của thương vụ này “lên đến hàng triệu đô”. “Đây sẽ là cơ hội để CBRE Việt Nam mở rộng thêm nguồn lực, các dịch vụ và hơn hết, chúng tôi đã gia nhập vào mạng lưới CBRE toàn cầu”, ông Marc Townsend nói. Dự kiến từ ngày 8 - 9/10, lãnh đạo của CBRE Group sẽ đến TP.HCM để công bố chính thức về sự kiện này. Sau thương vụ sáp nhập với CBRE Group, cả Marc và Richard sẽ vẫn ở lại trong vai trò điều hành đội ngũ CBRE tại Việt Nam .

 

Rút một chân

 

Thương vụ CBRE Việt Nam bán lại cho CBRE Group cũng phần nào phản ánh được mức độ khó khăn của thị trường BĐS đã lây lan sang cả nhà cung cấp dịch vụ. Miếng bánh thị phần hiện nay đã “chia 5 xẻ 7” cho cả khối nội lẫn khối ngoại. Tuy nhiên, để duy trì thị phần, giữa hai khối này đều có chiến lược rõ ràng trong cách tiếp cận thị trường.

 

Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ BĐS ngoại, với lợi thế về kinh nghiệm và hệ thống trên toàn cầu, phát triển hầu hết các mảng từ: tiếp thị sản phẩm, tư vấn, định giá, cho thuê... Hoạt động theo hình thức này hiện có khoảng 8 hãng lớn, bao gồm: CBRE, Savills, Colliers, DTZ, Cushman & Wakefield, Knight Frank, Coldwell Banker, Jones Lang LaSalle đang chiếm đến 90% thị phần. Trong khi đó, khối nội thường chọn cách phát triển chuyên về một lĩnh vực; hoặc là mảng tư vấn bán hàng (như Công ty Phúc Đức), hoặc là mảng định giá (Công ty Hoàng Quân, Công ty Thẩm định giá miền Nam )...

 

Ông Danny Dao, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Công ty DTZ Việt Nam , chia sẻ, do khó khăn nên chủ đầu tư sẽ hạn chế “tiêu tiền”, do đó ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ. Dù không công bố nhưng trong thời gian qua, không ít công ty chuyên về dịch vụ BĐS đã thu hẹp hoạt động bằng cách cắt giảm nhân sự ở một số bộ phận, đặc biệt là tiếp thị và bán hàng nhưng thay vào đó là tăng mảng định giá.

 

“Tình hình tài chính có nhiều biến động và doanh nghiệp cũng không thể cắt bỏ phần báo cáo tài chính, báo cáo thường niên nên định giá vẫn là mảng mạnh của các công ty dịch vụ BĐS”, ông Danny Dao nói. Ngoài ra, để đẩy mạnh đầu ra, nhiều chủ đầu tư đã cùng lúc thuê hai đơn vị tư vấn bán hàng, cho thuê BĐS thay vì ký trực tiếp với duy nhất một nhà tư vấn như trước đây. Điều này đã tạo nên sự cạnh tranh gay gắt giữa các hãng cung cấp dịch vụ.

 

Ông Adam Bury, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn của CBRE Việt Nam, cho rằng, trước đây, mỗi tuần có khoảng 6 - 7 nhà đầu tư đến tìm CBRE Việt Nam làm tư vấn, nhưng hiện nay, một tuần đón một nhà đầu tư đã là chuyện... lạc quan. Trong khi đó, theo tìm hiểu thực tế, vài tháng trở lại đây, một nhà cung cấp dịch vụ BĐS ngoại khác (cũng vào Việt Nam thông qua hình thức nhượng quyền) đã tạm thời đóng cửa văn phòng ở TP.HCM sau gần 2 năm gia nhập thị trường BĐS Việt Nam.