CEO BoA đau đầu vì tái cấu trúc

CEO BoA đau đầu vì tái cấu trúc

(ĐTCK-online) Đầu tuần này, một số nguồn tin thân cận cho biết, Bank of America Corp (BoA) đang phải cân nhắc cắt giảm tài sản để có thể đạt được những yêu cầu mới của Chính phủ về nguồn vốn. Động thái này lại một lần nữa cho thấy ngân hàng thuộc nhóm lớn nhất nước Mỹ đang phải đối mặt với áp lực lớn của yêu cầu tái cấu trúc.

CEO BoA đau đầu vì tái cấu trúc ảnh 1

Brian Moynihan

Các nguồn tin cho biết, BoA có thể sẽ bán bớt các chi nhánh ở Ấn Độ và một vài bất động sản cùng các khoản mục đầu tư khác. Việc thanh lý các tài sản này là để đạt được các chỉ tiêu về vốn mới mà Chính phủ Mỹ đề ra cho các ngân hàng đến năm 2019. Ngoài việc bán tài sản, gồm một bộ phận ngân hàng đầu tư hay môi giới chứng khoán, ngân hàng này đồng thời phải duy trì lợi nhuận và giảm bớt các khoản cho vay mạo hiểm để cải thiện các chỉ số vốn của mình.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại lo ngại rằng, không biết BoA sẽ còn lại bao nhiêu tài sản để bán sau cuộc "đại thanh lý" lượng tài sản trị giá 50 tỷ USD vào hồi tháng 1/2010, trong đó, Ngân hàng đã phải bán phần lớn cổ phần ở Ngân hàng China Construction Bank. Trong khi đó, khoản tiền mà ngân hàng này cần thêm để đạt được các yêu cầu về nguồn vốn của Chính phủ Mỹ tới năm 2019 còn khoảng 45 tỷ USD.

Thực ra từ hai năm trước, CEO của BoA, Brian Moynihan, đã lên kế hoạch từ từ cắt giảm quy mô và tăng vốn cho Ngân hàng. Nhưng tốc độ và hiệu quả của những kế hoạch này đã khiến các nhà đầu tư phải thất vọng.

Cho đến nay, BoA vẫn bị xếp vào nhóm cuối bảng của những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. Mặc dù đến tận năm 2019, các ngân hàng mới buộc phải đạt được yêu cầu về vốn của Chính phủ, nhưng vấn đề là tất cả các ngân hàng đều có khả năng đạt được những yêu cầu này trước hạn rất nhiều, trừ BoA. Trong số 4 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, JP Morgan Chase & Co (JPM.N) có khả năng sẽ đạt được các chỉ tiêu ngay từ cuối năm sau, Citigroup Inc (C.N) đang tiến dần tới các chỉ tiêu đó và Wells Fargo & Co CEO "đang tới gần mục tiêu hơn bất kỳ ngân hàng lớn nào khác xét về mọi tiêu chí đưa ra".

Trong khi đó, Moynihan, CEO của BoA chỉ cho biết, Ngân hàng sẽ đạt được các chỉ tiêu về vốn được đúng thời hạn mà Chính phủ đề ra. Trong một hội thảo với nhà đầu tư vào tháng này, Moynihan tuyên bố, số vốn của BoA đang ở mức cao nhất từ trước đến nay và ngân hàng này sẽ "hướng tới tăng trưởng vốn chất lượng cao" và "cắt giảm các khoản đầu tư ngoài ngành" để tiếp tục cải thiện các chỉ số về vốn. Tuy nhiên, rõ ràng là Moynihan vẫn đang phải chịu một áp lực lớn hơn thế rất nhiều để chứng tỏ BoA đang vượt qua khó khăn và cải thiện thu nhập cho cổ đông.

Cũng phải vật lộn với những khó khăn của nền kinh tế và với bóng ma của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, BoA lại đang mang trong mình những khối ung nhọt lớn, hậu quả của các chính sách sai lầm của người tiền nhiệm Ken Lewis trước kia. Năm 2008, ông này đã điều hành cuộc mua lại Countrywide Financial, khiến BoA gánh khoản nợ hơn 30 tỷ USD. Trong khi đó, Ngân hàng lại đang dính vào một loạt các khiếu nại liên quan đến các chứng khoán cầm cố và các cuộc khiếu kiện khác. Gần đây nhất, BoA đã phải bồi thường một khoản tiền kỷ lục lên tới 335 triệu USD cho chi nhánh Countrywide do khiếu kiện phân biệt chủng tộc. Nhiều chuyên gia phân tích đã đặt câu hỏi, liệu ngân hàng có nên cho phá sản chi nhánh này để tránh cho các khoản nợ quá lớn đè lên toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Một nguồn tin thân cận tiết lộ rằng, Chủ tịch của BoA cho rằng Moynihan đã phạm sai lầm, tuy nhiên Ban quản trị vẫn ủng hộ ông này. Còn về mặt công khai, trong một buổi phỏng vấn với CNBC vào tháng này, Chủ tịch BoA khẳng định vị trí của Moynihan sẽ vẫn được an toàn.

Riêng trong năm nay, cổ phiếu của BoA đã giảm 58% và vào đầu tuần này, lần đầu tiên kể từ đầu năm 2009, cổ phiếu này đã tụt xuống dưới 5 USD. Trong khi đó, chỉ số ngân hàng KBW Bank Index chỉ giảm 23,5% trong cả năm.

Một vài chuyên gia phân tích, có thể BoA cần thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn, từ việc chấn chỉnh lại hệ thống quản lý của mình. "Chẳng có gì ngoài tin xấu và tin xấu của ngân hàng này trong suốt 2 năm qua", Charles Elson, Giám đốc Trung tâm Weinberg Center, Đại học tổng hợp Delaware nhận xét. Theo ông này, Ban quản trị BoA cũng cần tự hỏi về vai trò quản lý của họ đối với kết quả hoạt động của ngân hàng hiện nay.