Ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kafi.

Ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kafi.

CEO Chứng khoán Kafi Trịnh Thanh Cần: Tự tin bước khỏi vùng an toàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 22 năm gắn bó với thị trường chứng khoán, ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kafi cho biết đã tự tin bước ra khỏi vùng an toàn để bước trên một hành trình mới mẻ, thú vị nhưng cũng đầy thử thách. 

Từng nắm giữ vị trí chủ chốt tại các công ty chứng khoán lớn như HSC, ACBS, vì sao ông quyết định điều hành một công ty chứng khoán non trẻ như Kafi?

Những công ty chứng khoán tôi từng công tác đều là những nơi đã cho tôi kiến thức, kinh nghiệm và đặc biệt là sự trưởng thành. Tôi vẫn luôn gắn bó, dành rất nhiều tình cảm và sự biết ơn đặc biệt dành cho những nơi này. Tuy nhiên, trên hành trình phát triển sự nghiệp, tôi vẫn luôn ấp ủ mong muốn đóng góp, xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam vững mạnh, hùng cường, trở thành kênh dẫn vốn dài hạn cho các doanh nghiệp tốt của Việt Nam phát triển, đem lại sự thịnh vượng cho cổ đông và xã hội.

Trong thời điểm hiện tại, ngành chứng khoán chủ yếu tập trung vào việc phát triển các sản phẩm, nền tảng hỗ trợ giao dịch, thanh khoản của thị trường. Với Kafi, chúng tôi cùng chia sẻ sứ mệnh xây dựng một tư duy phát triển dài hạn và bền vững cho nhà đầu tư tài chính Việt Nam. Để đạt được điều này, chúng tôi lấy hệ thống giao dịch chứng khoán làm nền tảng cơ sở, phát triển các sản phẩm công nghệ thông minh, hiện đại hướng tới hỗ trợ khách hàng lập kế hoạch tài chính và đầu tư tích lũy dài hạn. Đây là động lực lớn để tôi tự tin bước ra khỏi vùng an toàn và đảm nhận trọng trách tại Kafi.

Ông từng làm việc tại các định chế tài chính lớn như VinaCapital, HSBC và sau này là các công ty chứng khoán. Việc đầu quân cho một công ty chứng khoán có thú vị hơn so với các lĩnh vực ông từng tham gia trước đây?

Giai đoạn đầu sự nghiệp, tôi tập trung vào công việc nghiên cứu, đầu tư và hiện tại thì tập trung hoàn toàn vào phát triển sản phẩm phục vụ khách hàng đại chúng. Khi làm việc tại công ty chứng khoán, tôi có cơ hội nghiên cứu nhu cầu của khách hàng, của xã hội và bắt đầu hình thành mong muốn được đóng góp những giá trị thiết thực, đem lại nhiều lợi ích hơn cho xã hội.

Công việc ở công ty chứng khoán là phục vụ khách hàng đại chúng nên vất vả hơn việc đầu tư rất nhiều. Tuy nhiên, tôi nhìn nhận được giá trị và ý nghĩa công việc của mình và biến chúng thành động lực để hàng ngày cùng tập thể Kafi nghiên cứu, triển khai các sản phẩm tốt nhất đưa đến cho khách hàng.

Với biến động của thị trường chứng khoán trong năm 2022, một số công ty chứng khoán “chia rủi ro” bằng cách thực hiện giải chấp chéo cổ phiếu, điều này khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư trở tay không kịp. Ông nhìn nhận thế nào về việc cân bằng giữa quản trị rủi ro cho công ty chứng khoán và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng?

Đối với chủ đề này, tôi nghĩ chúng ta nên tham khảo các thị trường chứng khoán phát triển, vì họ đã trải qua nhiều biến cố và phát triển trước ta khá xa. Nhìn chung, thị trường chứng khoán ở các nước phát triển đều cho phép công ty chứng khoán thỏa thuận với khách hàng chọn lựa sản phẩm margin. Khách có thể chọn margin theo mã hoặc theo rổ để tối ưu hóa nhu cầu giao dịch của mình. Việc xử lý giải chấp chéo cổ phiếu ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, chứ không ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp. Chứng khoán cũng như các hàng hóa khác, giá cả có thể biến động trong ngắn hạn nhưng một thời gian sau cũng sẽ quay về trạng thái cân bằng giữa cung và cầu.

Gỡ nghẽn dòng tiền là vấn đề lớn trong năm vừa qua, theo ông, làm cách nào để khơi thông và thúc đẩy dòng tiền một cách bền vững hơn trong thời gian tới?

Về cơ bản, dòng tiền vào thị trường chứng khoán được chi phối bởi ba yếu tố chính: Một là, tình hình kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ; hai là, các sản phẩm đầu tư; ba là, tâm lý nhà đầu tư. Để kích thích dòng tiền quay lại với thị trường chứng khoán một cách bền vững, cần cải thiện ba yếu tố nền tảng trên.

Đối với kinh tế vĩ mô, tôi cho rằng Chính phủ đang có những giải pháp phù hợp và Việt Nam sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đối với các sản phẩm đầu tư, Chính phủ cần quan tâm xây dựng thêm khung pháp lý, các chính sách ưu đãi và đơn giản hóa thủ tục hành chính để thúc đẩy phát triển các sản phẩm đầu tư trung dài hạn (quỹ hưu trí, trái phiếu doanh nghiệp). Các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ cũng cần quan tâm phát triển các sản phẩm đầu tư tích lũy, hình thành thói quen tích lũy và phát triển dài hạn cho nhà đầu tư.

Trong ngắn hạn, tâm lý nhà đầu tư có thể được hỗ trợ bằng các hoạt động truyền thông, thông tin nhanh chóng, kịp thời, minh bạch của Chính phủ về các vấn đề nóng trên thị trường.

Đi qua một chặng đường dài với thị trường chứng khoán, điều gì ông cảm nhận là thành công nhất và đâu là điều ông đang cảm thấy trăn trở nhất?

Điều tôi cảm thấy thành công nhất là có được sự tin tưởng của các cổ đông và các đồng nghiệp để cùng nhau tiếp tục đồng hành trên một hành trình mới với rất nhiều thử thách. Còn điều tôi trăn trở nhất là thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa có các sản phẩm đầu tư tích lũy dài hạn đủ tính thuyết phục để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi của đại chúng cùng chung tay vào việc phát triển các doanh nghiệp tốt, góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam phát triển thịnh vượng hơn.

Kafi hiện vẫn là một cái tên mới trên thị trường chứng khoán. Ông đặt ra những mục tiêu nào cho Công ty cũng như cách thức hiện thực hóa mục tiêu đó?

Sau khi thực hiện tái cấu trúc và ra mắt thị trường với tên gọi mới, diện mạo mới vào tháng 8/2022, tôi cùng Hội đồng quản trị và Ban điều hành Kafi đã thống nhất đề ra 5 định hướng chiến lược để thực hiện sứ mệnh mới của Công ty, trước hết là phát triển các sản phẩm sáng tạo và cạnh tranh.

Những sản phẩm của Kafi trước khi ra mắt thị trường đều phải đáp ứng các tiêu chí quan trọng là đem lại lợi ích, đơn giản và dễ sử dụng nhất cho khách hàng. Tăng trưởng số lượng khách hàng tin dùng và đáp ứng sự kỳ vọng của khách hàng là mục tiêu mà chúng tôi hướng tới.

Bên cạnh đó, Công ty đang tập trung đầu tư công nghệ, lấy công nghệ làm nền tảng cho sản phẩm và phát triển khách hàng. Những sản phẩm được Kafi cung cấp ra thị trường được đầu tư công nghệ hiện đại, thông minh, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận với những công cụ quản lý và đầu tư tài sản.

Xây dựng đội ngũ nhân lực có chuyên môn cao, năng động, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc cũng là một trong những định hướng chiến lược quan trọng chúng tôi hướng đến để phát triển bền vững.

Năm 2022 là năm xây dựng nền tảng, trong ngắn hạn, chúng tôi đã hoàn thành tăng quy mô vốn, phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng, ra mắt thị trường hệ thống giao dịch chứng khoán thông minh Kafi Trade trên hai nền tảng Mobile App và website và hệ thống đầu tư tích lũy Kafi Wealth phiên bản 1.0. Sang năm 2023, chúng tôi tập trung vào phát triển khách hàng, gia tăng tiện ích từ các sản phẩm và lợi nhuận.

Để hiện thực hóa các mục tiêu ngắn và dài hạn, chúng tôi áp dụng mô hình quản lý linh hoạt Agile cùng phương pháp lập mô hình công việc theo Frame field, đã và đang được triển khai thành công tại Ngân hàng VIB. Sự linh hoạt của Agile cho chúng tôi khả năng tập trung nguồn lực vào các mục tiêu quan trọng.

Bên cạnh đó, tính logic và chi tiết của Frame field đem lại cho chúng tôi khả năng kiểm soát công việc một cách chính xác từ ngoài vào trong. Cách tiếp cận công việc hiện đại, khoa học và logic đi cùng sự nhiệt huyết bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực, củng cố niềm tin và sức mạnh cho tập thể Kafi.

Tin bài liên quan