CEO của hàng loạt tập đoàn lớn của Mỹ cùng đến Trung Quốc

CEO của hàng loạt tập đoàn lớn của Mỹ cùng đến Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mối quan tâm từ các CEO tập đoàn lớn của Mỹ đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho thấy tầm quan trọng của thị trường này.

CEO Tesla, Starbucks và JPMorgan là những cái tên đáng chú ý có mặt tại Trung Quốc trong tuần này.

Chiến lược gia tại công ty quản lý đầu tư Kraneshares nhận định rằng, chuyến đi tới Trung Quốc được coi là rất quan trọng đối với CEO Tesla. Khi mà quốc gia châu Á này chiếm tới 50% doanh số bán xe và 20% công suất sản xuất của gã khổng lồ ngành xe điện của Mỹ.

Theo Sassine, chuyến đi tới Trung Quốc của ông Musk được nhìn nhận như một tuyên bố về mặt chính trị, nơi các lãnh đạo tập đoàn lớn như Musk nói với chính trị gia hai bên bờ Thái Bình Dương rằng doanh nghiệp cần ổn định chính trị.

Chuyến thăm này cũng như cái bắt tay của Elon Musk với các quan chức Trung Quốc đã làm nổi bật vị trí của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu.

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Elon Musk cũng đã phản đối việc Mỹ tách rời Trung Quốc và cho biết lợi ích của 2 nước đối với tesla.

Ngoài ông chủ của Tesla, CEO của nhiều tập đoàn lớn nhất tại Mỹ cũng đã có mặt tại Trung Quốc trong tuần này để đánh giá tình hình của một trong những thị trường hàng đầu của họ. Trong đó, có những cái tên đáng chú ý như CEO của Starbucks, Laxman Narasimhan và CEO của JPMorgan, Jamie Dimon.

Kể từ khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế từ tháng 12 năm ngoái sau 3 năm đóng cửa chống dịch Covid-19, CEO của Apple, Samsung, Aramco, Volkswagen, HSBC, Standard Chartered và Kering cũng đã có các chuyến thăm và làm việc tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Mối quan tâm của các CEO đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho thấy tầm quan trọng của Trung Quốc đối với nhiều tập đoàn lớn cũng như nỗ lực của Trung Quốc trong việc phục hồi kinh tế và khôi phục sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Sau 3 năm đại dịch COVID-19 hoành hành, tình hình tài chính của của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã suy yếu, thu nhập của người dân giảm nên chi tiêu hàng hóa giá trị cũng giảm theo. Ngoài ra, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nan giải như thị trường bất động sản đang yếu và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kỷ lục.

Bên cạnh đó, dòng vốn FDI vào Trung Quốc đã giảm mạnh, khi nhà đầu tư đã rút 30 tỷ USD trong quý I/2023. Chỉ số MSCI China giảm hơn 50% so với mức đỉnh năm 2021 và lượng trái phiếu Trung Quốc do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cũng giảm vào tháng 4.

Theo Bloomberg, việc giới chức Trung Quốc gặp gỡ nhân vật cấp cao trong những lĩnh vực quan trọng vào tuần này dường như là nỗ lực nhằm đảo ngược những căng thẳng giữa hai nước, trong bối cảnh Bắc Kinh muốn cân bằng giữa việc giải quyết các mối lo ngại về địa chính trị và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Tin bài liên quan