CEO Nguyễn Văn Hoang, nhà sáng lập Banuli.

CEO Nguyễn Văn Hoang, nhà sáng lập Banuli.

CEO Nguyễn Văn Hoang, nhà sáng lập Banuli: Từ bán giày dạo trở thành ông chủ thương hiệu giày Việt

0:00 / 0:00
0:00
Là tay ngang trong ngành sản xuất giày da, nhưng bằng tinh thần chịu khó và ý chí quyết tâm, Nguyễn Văn Hoang đã gây dựng xưởng sản xuất riêng rộng 300 m2 và hệ thống 4 cửa hàng nhượng quyền mang thương hiệu Banuli.

Từ thanh niên nghèo bán giày dạo...

Chàng trai sinh năm 1990 Nguyễn Văn Hoang từng là một sinh viên nghèo, đến mức bản thân anh hài hước tự nhận là “nghèo không có mùng tơi để rớt”. Từ vùng quê Bình Định vào Sài Gòn học, Hoang trải qua cuộc sống thiếu thốn, phải tạm xa giảng đường một năm để đi làm công nhân bốc vác, kiếm từng đồng bạc nuôi sống bản thân và tiếp tục học tập.

Sẵn đam mê kinh doanh, đầu năm 2015, Hoang rủ bạn góp vốn mở một cửa hàng thời trang. Họ đi khắp khu vực quận 12 (TP.HCM) để tìm xưởng may gia công, nhưng không được, mà vô tình lại thấy một xưởng đóng giày. Vậy là Hoang quyết định thử đi bán giày.

Dù quỹ thời gian eo hẹp, vừa đi làm thêm, vừa hoàn tất các môn học, nhưng sau 17h mỗi ngày, Hoang lại rong ruổi mang bao tải giày đi chào hàng sỉ. Chỉ duy nhất một tiệm trên đường Lê Văn Sỹ đồng ý và họ cũng chỉ nhập 5 đôi. Không nản lòng, Hoang quyết tâm xoay sang hình thức bán hàng online. Thời điểm ấy, kinh doanh trên Facebook bước vào giai đoạn bùng nổ và Hoang dần có những khách hàng quen là chủ shop online.

Muốn phát triển doanh nghiệp lớn mạnh, cần phải có người tài cống hiến, muốn doanh nghiệp phát triển xa thì phải có người tài đồng hành. Chúng tôi vẫn đang trên con đường tìm kiếm những người đồng hành phù hợp để cùng đưa Công ty vươn tầm quốc tế.

“Họ kinh doanh thuận lợi, nên đặt hàng thường xuyên, 5-7 ngày tôi có thu nhập 4-5 triệu đồng”, chàng trai 9x nhớ lại.

Sang đến cuối năm 2015, đúng vào giai đoạn chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp, Hoang bất ngờ quyết định bỏ ngang, để tập trung toàn thời gian cho công việc kinh doanh. Gia đình, bạn bè khuyên Hoang cố gắng lấy xong bằng tốt nghiệp rồi tính tiếp, nhưng Hoang vẫn kiên định với lựa chọn của mình.

“Tôi nghĩ, đó là thời điểm thích hợp nhất để tôi bắt đầu toàn tâm cho việc kinh doanh, vì nếu sau gần 1 năm làm đồ án tốt nghiệp, liệu tôi còn động lực không và có còn nhiều cơ hội cho tôi không?”, Hoang nói.

Sau này, việc kinh doanh phát triển, nên cả em trai và anh trai chuyển từ mảng kỹ sư xây dựng sang làm cùng Hoang. Thời gian đầu, ba anh em làm việc như “cu li”, chứ không phải là chủ doanh nghiệp. Vui miệng với cái tên “Baculi”, họ sửa lại chút thành “Banuli” cho sang trọng và rồi dùng luôn làm tên thương hiệu.

… Đến ông chủ thương hiệu giày Việt

Năm 2017, Banuli đã đầu tư, mở xưởng sản xuất giày tại Hóc Môn. Là dân kiến trúc rẽ ngang sang sản xuất giày da, Hoang thừa nhận, thời gian đầu không chỉ gặp khó khăn, mà còn phải trả giá khá nhiều. Có những mẫu giày được nghiên cứu và đầu tư chỉn chu, nhưng bắt tay vào sản xuất lại gặp nhiều lỗi, phải sửa chữa không ít lần mới phù hợp với nhu cầu khách hàng. Thậm chí, có nguyên một lô hàng, vì đối tác giao nguyên liệu làm đế kém chất lượng, Công ty phải thu hồi và thay đế toàn bộ, dù sản phẩm đã sản xuất xong.

Không từ bỏ, nhà sáng lập quyết tâm học hỏi, nghiên cứu quy trình chuẩn để làm ra một đôi giày. Anh học lỏm công đoạn thủ công ở các xưởng nhỏ, còn các quy trình công nghệ cao, cần ứng dụng máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại thì anh học trên Youtube. Mặt khác, Hoang cũng tuyển dụng cử nhân chuyên ngành da giày, rồi học từ họ các kiến thức về bóc tách chi tiết, rập mẫu…

Hoang dần hoàn thiện sản phẩm cả chất lượng, lẫn mức giá. Đến nay, Banuli đã có chỗ đứng trên thị trường, tập trung vào phân khúc khách hàng trung và cao cấp.

Về vấn đề nội bộ, do ba anh em thường bất đồng quan điểm, nên đầu năm 2020, Hoang đã mua lại toàn bộ cổ phần của hai cổ đông còn lại và họ vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp.

Đến nay, thương hiệu Banuli của Hoang sở hữu xưởng sản xuất riêng, diện tích 300 m2 ở khu vực ngoại ô TP.HCM và hệ thống 4 cửa hàng đại lý nhượng quyền tại Hà Nội, TP.HCM, miền Tây và miền Trung.

Trong 2 năm dịch bệnh, CEO 9x cho biết, thương hiệu giày của anh cũng không tránh khỏi khó khăn. Tuy nhiên, trong “trong cái rủi có cái may”, bởi định hướng chỉ tập trung phát triển sản xuất và nhượng quyền thương hiệu Banuli, chứ không mở cửa hàng kinh doanh đã giúp doanh nghiệp đứng vững.

Hoang cho biết, mục tiêu trong 5 năm tới của Banuli là phát triển thị trường nước ngoài thông qua kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, để gây dựng chuỗi cửa hàng bán lẻ ở nước ngoài, gia công cho các thương hiệu xuất khẩu…

Thị trường xuất khẩu đầu tiên của Banuli sẽ là Nhật Bản. “Tuy không lớn, nhưng đây là thị trường khó tính, yêu cầu độ hoàn thiện và kỹ thuật của người thợ thủ công phải cao. Nhưng nếu đáp ứng được yêu cầu của thị trường Nhật Bản, thì việc phát triển ở các thị trường khác sẽ dễ dàng”, Hoang chia sẻ.

Tin bài liên quan