Rất nhiều lý do được đưa ra, cả khách quan lẫn chủ quan, nhưng đều nhằm chung một mục đích: hoãn nộp BCTC. Có công ty viện cớ có công ty con mới, vừa được cấp phép đầu tư và đang trong giai đoạn xây dựng, lắp đặt và đưa vào hoạt động nên chưa thể có báo cáo tài chính hợp nhất. Công ty khác thì lại báo cáo… đang chờ xin dấu của cơ quan kiểm toán…
Còn nhớ trước đây, để xin khất nộp BCTC năm 2007 và quý I/2008, có công ty đã đưa ra lý do máy tính bị nhiễm virus, thì kỳ này, CTCP Mirae (MCK: KMR) cũng khá khôi hài với lý do có sự thay đổi nhân sự trong bộ phận kế toán.
Mặc dù tính đến ngày 1/8/2008, hầu hết các DN đều hoàn tất việc nộp BCTC trên Sở/TTGDCK, song điều mà giới đầu tư lo ngại là nếu không nhanh chóng đưa ra khung hình phạt hay một biện pháp cưỡng chế, thì hiện tượng không bình thường này không những không chấm dứt, mà sẽ được coi là “phong trào” đáng báo động, trở thành tiền lệ xấu trong những kỳ báo cáo tài chính tiếp theo khi số lượng CTNY tăng dần.
Thiếu thuyết phục
Nhìn vào các lý do được đưa ra, ông Nguyễn Sỹ Hồng, Luật sư Đoàn Luật sư Nghệ An khẳng định đây có thể coi là dấu hiệu đáng báo động của DN trong hiện tại cũng như tương lai, cho thấy hành vi cố tình không tuân thủ các quy định của pháp luật của các đơn vị này. “Nộp BCTC nên được xem như các hành vi tuân thủ pháp luật khác như nộp thuế, nộp báo cáo sử dụng ngoại tệ…. Nếu ví sàn chứng khoán như một cuộc chơi thì các đơn vị thành viên, trong đó có DN đều phải tuân thủ luật chơi này. Không có lý do gì để từ chối cả”. Ông Hồng nói và cho rằng bất kỳ một lý giải nào cho hành vi nộp chậm BCTC đều khó có thể được chấp nhận, trừ phi lý do này được ĐHĐCĐ thông qua và được cơ quan quản lý nhà nước (CQQL) chấp nhận.
Về nguyên tắc, trách nhiệm lập BCTC thuộc về Ban giám đốc (BGĐ) công ty. Đối với DNNY, việc lập và công bố BCTC thể hiện trách nhiệm của BGĐ đối với CQQL cũng như cổ đông công ty. Khi chậm nộp BCTC, DN thường đưa ra hàng loạt lý do để thể hiện trách nhiệm đối với CQQL. Còn với cổ đông, nghĩa vụ này được hiểu như thế nào, khi nghĩa vụ đối với cổ đông mặc dù luôn được DN “rêu rao” là đề cao song đang bị xem nhẹ thời gian gần đây. Chưa kể những hoài nghi của NĐT về hoạt động kinh doanh của DN khi báo cáo chưa công bố, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của DN trong mắt NĐT, thì việc ra chậm BCTC đồng nghĩa với việc làm gián đoạn quá trình đầu tư, mua bán CP của NĐT, dẫn đến mất cơ hội trong đầu tư của NĐT do kết quả kinh doanh của DN còn chưa được sáng tỏ.
Về vấn đề này, ông Lê Hồng Phúc, Trưởng phòng đại diện Công ty Hợp danh Luật Việt tại Hà Nội, cho biết, nộp đúng hạn, đảm bảo tính minh bạch, trung thực trong BCTC vừa là nghĩa vụ đồng thời là quyền lợi của DN trong vai trò góp phần tạo nên hình ảnh của công ty trong mắt cổ đông của mình. “Liệu DN có hiểu được cơ hội mua bán CP của NĐT đang trôi đi trước những lý do thiếu cơ sở của đơn vị phát hành như một nguỵ biện cho việc trậm trễ này?”, ông Phúc đặt vấn đề.
Để kịp, cách nào?
Nếu tạm coi nguyên nhân gặp khó khăn trong việc tập hợp số liệu đầy đủ (từ các công ty con, chi nhánh, đại lý phân phối đối với 1 số DN sản xuất kinh doanh) là có cơ sở thì hướng giải quyết được đại diện một công ty kiểm toán tại Hà Nội chỉ ra rằng DN không nhất thiết phải chờ số liệu tổng hợp này để đưa hết vào bản báo cáo, mà có thể thể hiện ở ý kiến các loại trừ mà ở đó kiểm toán không chịu trách nhiệm ở tính trung thực, khách quan từ các con số.
Vị này cho biết “BCTC không phải là một bản giải trình vì trên thực tế đã có phần thuyết minh BCTC, do đó không phải mọi số liệu đều phải hoàn thiện, chính xác đến từng con số. DN có thể ra báo cáo giải trình tách riêng sau đó giống như bản báo cáo giải trình kết quả kinh doanh (đối với các DN có biến động trong kết quả kinh doanh) gửi lên Sở hay Trung tâm như các DN đã từng làm sau đó ít ngày”.
Ở một khía cạnh khác, vấn đề này được Phó Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán PriceWaterHouseCoopers, bà Nguyễn Phi Lan trong một cuộc hội thảo mới đây đề cập khi cho rằng các DN nên quan tâm đến tính trọng yếu trong báo cáo, không nên quá đi sâu vào các con số nhỏ lẻ, không mấy ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh chung của DN. “Chênh lệch giữa báo cáo kiểm toán cuối cùng với báo cáo ban đầu của DN chỉ khoảng vài triệu đồng thì không thể thấm gì so với tầm cỡ của DN có tổng tài sản lên tới hàng nghìn tỷ đồng. DN nên lưu tâm đến đặc tính này để không ảnh hưởng đến tiến trình ra báo cáo”.
Trước kiến nghị không nên áp đặt một mức thời hạn cố định (hiện đang là 25/7 cho mọi đối tượng DN) mà nên đưa ra từng hạn mức nhất định cho từng loại hình DN mới đây, một số công ty kiểm toán tỏ ý không đồng tình. Những ý kiến này cho rằng, bản thân DN phải lường trước những rủi ro gây ra việc chậm trễ hay đình hoãn và tìm cách khắc phục, thực thi cho tốt, chứ CQQL cũng như các quy định pháp luật không thể “chạy theo” DN khi bên cạnh đó còn có vô vàn các nghĩa vụ khác mà DN phải đảm bảo thực thi trong quá trình hoạt động.
Hiện, với một mức hạn chót như vậy, Sở/Trung tâm GDCK đã phải mất thêm nhiều thời gian để tiếp nhận không “trọn gói” các báo cáo của DN và công bố thông tin về kết quả này thành nhiều đợt khác nhau thì liệu nhiều hạn mức thời gian có gây thêm nhiều phiền toái?