Chậm trễ phát mại tài sản thế chấp, ngân hàng suýt mất lãi

Chậm trễ phát mại tài sản thế chấp, ngân hàng suýt mất lãi

(ĐTCK) Mới đây TAND TP. Hà Nội đã xem xét đơn kháng cáo của Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (PGbank) về hợp đồng tín dụng.

Trước đó, vào năm 2011, PGbank ký hợp đồng tín dụng với vợ chồng ông Nguyễn Thế Sáng (ở Hà Nội) cho vay số tiền 2,1 tỷ đồng; thời hạn vay 12 tháng. Mục đích vay để góp vốn kinh doanh, lãi suất 22,98%/năm.

Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất 2 bất động sản tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Quá trình vay vốn, bên vay mới thanh toán được 1,4 tỷ đồng nợ gốc và lãi là 480 triệu đồng. Do đó, ngân hàng khởi kiện ra tòa yêu cầu khách hàng thanh toán số tiền 1,8 tỷ đồng; gồm nợ gốc 700 triệu đồng; lãi trong hạn và quá hạn là hơn 1,2 tỷ đồng.

Vợ chồng ông Sáng cho rằng năm 2012, ông bà đã có ý kiến với ngân hàng đề nghị phát mại tài sản thế chấp. Tuy nhiên, ngân hàng không làm mà kéo dài đến nay dẫn đến nợ lãi phát sinh. Ông bà không đồng ý trả lãi.

Năm 2019, cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu đòi nợ của ngân hàng; bên vay phải thanh toán trả nợ gốc số tiền 700 triệu đồng. Trường hợp bên vay không trả được nợ thì ngân hàng có quyền đề nghị cơ quan thi hành án phát mại 2 tài sản đảm bảo. Nếu khi phát mại không thu đủ các khoản nợ thì bên vay phải tiếp tục nhận nợ và trả đầy đủ cho đến khi thanh toán hết.

Không đồng ý với phán quyết trên, Ngân hàng kháng cáo yêu cầu tính cả lãi trong hạn và quá hạn.

Tòa phúc thẩm thấy rằng, điều 5 hợp đồng tín dụng quy định “Sau khi bên vay trả hết nợ gốc và lãi trong hạn, lãi quá hạn, phí (nếu có), hợp đồng này coi như được thanh lý”.

Vì bên vay chưa trả nợ gốc và lãi nên hợp đồng tín dụng chưa kết thúc. Các biên bản làm việc ngày 9/8/2012, 25/2/2016 thể hiện bên vay, bên bảo lãnh xác định sẽ trả nợ và yêu cầu ngân hàng xử lý tài sản thế chấp.

HĐXX cho rằng, tòa sơ thẩm nhận định kể từ tháng 2/2013, quyền và lợi ích của ngân hàng bị xâm phạm nên thuộc trường hợp hết thời hiệu khởi kiện và không chấp nhận yêu cầu đòi lãi là không đúng.

Tuy nhiên, tòa thấy lãi suất ngân hàng đưa ra là quá cao, không phù hợp với quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.

Vì vậy, tòa phúc thẩm quyết định sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu đòi lãi của ngân hàng, buộc bên vay phải trả lãi trong hạn và quá hạn là 534 triệu đồng. Tổng cộng vợ chồng ông Sáng phải thanh toán cho ngân hàng số tiền 1,2 tỷ đồng.

Tin bài liên quan