Ông Lê Minh Tâm

Ông Lê Minh Tâm

Chậm trễ tuân thủ Basel II sẽ là rào cản trong hội nhập

(ĐTCK) Trả lời phỏng vấn ĐTCK, ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc Hong Leong Bank Việt Nam (HLBVN) cho rằng, việc thực hiện Basel II sẽ làm thay đổi về cơ bản cách thức tiếp cận và quản lý rủi ro của các ngân hàng Việt Nam, đồng thời buộc các ngân hàng phải tái cơ cấu mạnh mẽ để hoàn thiện cả chất lẫn lượng, nhằm đáp ứng những yêu cầu về chỉ số an toàn đề ra, từ đó tăng cường được quản trị rủi ro.

Đâu là thuận lợi với hệ thống ngân hàng Việt Nam khi thực hiện Basel II, theo ông?

Chúng ta có lợi thế của người đi sau, đó là được thừa hưởng những bài học kinh nghiệm của rất nhiều nước trên thế giới đã đi qua quá trình này. Dựa vào đó, cơ quan quản lý có thể tham khảo và rút ra các giải pháp hợp lý nhất để thực hiện các nguyên tắc, yêu cầu của Basel theo điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Về phía các ngân hàng, một trong những thuận lợi lớn là nguồn nhân sự hoặc tư vấn có kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới về lĩnh vực này khá dồi dào qua tích lũy từ quá trình triển khai Basel II ở các ngân hàng trên thế giới từ năm 2004 tới nay. Thêm vào đó, công nghệ và các phương pháp, mô hình đo lường và quản trị rủi ro cũng không ngừng phát triển, cho phép chúng ta có thể áp dụng ngay các công nghệ, mô hình tiên tiến mà không phải trải qua các bước cải tiến hay chuyển đổi, điều này có thể làm cho việc triển khai nhanh chóng và ít tốn kém hơn.   

Việc triển khai Hiệp ước vốn Basel sẽ mang lại những lợi ích gì trong hoạt động kinh doanh và nếu tiếp tục chậm chạp trong triển khai thì hệ quả sẽ ra sao?

So với Basel I ban đầu chỉ chú trọng đến rủi ro tín dụng, Basel II là một bước tiến lớn, với ba cột trụ đưa ra các quy định không chỉ về quản trị rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường, mà còn tập trung vào hệ thống kiểm soát nội bộ cũng như các nguyên tắc thị trường và công bố thông tin. Chính vì vậy, việc thực hiện Basel II sẽ làm thay đổi về cơ bản cách thức tiếp cận và quản lý rủi ro của các ngân hàng Việt Nam, đồng thời buộc các ngân hàng phải tái cơ cấu mạnh mẽ để hoàn thiện cả chất lẫn lượng, nhằm đáp ứng những yêu cầu về chỉ số an toàn.

Lợi ích trực tiếp đối với từng ngân hàng sẽ là tăng cường năng lực quản trị rủi ro, cải thiện chất lượng của các tài sản và nguồn vốn, tăng khả năng chịu đựng và ứng phó với các rủi ro, thách thức và khủng hoảng, nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Tính bền vững và an toàn của cả hệ thống ngân hàng cũng sẽ được đảm bảo khi mà mỗi ngân hàng là một cá thể khỏe mạnh và thị trường hoạt động theo cơ chế minh bạch, với sự giám sát của cơ quan quản lý theo các chuẩn mực của Basel II.

Với mốc thời gian mục tiêu là năm 2018 theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đề ra, việc áp dụng Basel II tại Việt Nam đã chậm so với các ngân hàng trên thế giới khoảng 10 năm. Tuy trong giai đoạn triển khai đến 2018, NHNN sẽ tiếp tục ban hành một số quy định mới về các tỷ lệ an toàn theo hướng chặt chẽ, toàn diện hơn để tiếp cận với Basel II, nhưng việc các ngân hàng Việt Nam chậm trễ hoặc chưa hoàn toàn tuân thủ Basel II có thể sẽ là rào cản trong hội nhập và cạnh tranh quốc tế, do các nhà đầu tư và các đối tác thiếu cơ sở để đánh giá chất lượng tài sản và mức độ rủi ro của chính các ngân hàng cũng như mức độ an toàn của cả hệ thống. 

Vậy xin ông cho biết, Hong Leong Bank đã chuẩn bị như thế nào cho lộ trình này?

Ngân hàng mẹ của HLBVN ở Malaysia là Hong Leong Bank Behard (HLBB) đã hoàn toàn tuân thủ Basel II từ năm 2008 theo quy định của Ngân hàng Trung ương Malaysia và hiện nay đang trong quá trình triển khai Basel III.

HLBVN là một ngân hàng con với tỷ lệ sở hữu 100% bởi HLBB, cũng phải tuân thủ các quy định nội bộ liên quan và duy trì nguồn vốn cũng như các tỷ lệ an toàn phù hợp với yêu cầu của Basel II, thực hiện quy trình nội bộ về đánh giá mức độ đầy đủ vốn và khung quản lý rủi ro theo ngân hàng mẹ, đồng thời thực hiện công khai thông tin theo yêu cầu của Basel II cho các báo cáo của ngân hàng mẹ. Vì vậy, về cơ bản, HLBVN đã sẵn sàng cho việc triển khai thực hiện Basel II.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể của NHNN đối với việc áp dụng Basel II ở Việt Nam, HLBVN có thể cần đầu tư để chuyển đổi về hệ thống và quy trình cho phù hợp với các quy định và hướng dẫn của NHNN, đặc biệt là đối với yêu cầu báo cáo đến NHNN và các cơ quan chức năng.

Tin bài liên quan