Tại Warsaw, thủ đô của Ba Lan, đang trải qua thời tiết giống như một ngày hè. Ảnh: CNN

Tại Warsaw, thủ đô của Ba Lan, đang trải qua thời tiết giống như một ngày hè. Ảnh: CNN

Châu Âu bắt đầu năm 2023 với đợt nắng nóng lịch sử trong mùa Đông

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một đợt nắng nóng trong mùa Đông đã phá vỡ nhiều kỷ lục nhiệt độ trên khắp châu Âu trong tuần qua, khiến các nhà khí tượng học phải gióng lên hồi chuông cảnh báo, trong khi một số khu nghỉ dưỡng trượt tuyết buộc phải đóng cửa do không có tuyết.

Nhiệt độ tháng 1 đã đạt mức cao kỷ lục ở một số quốc gia châu Âu. Thủ đô Warsaw của Ba Lan đã ghi nhận nhiệt độ 18,9 độ C (66 độ F) vào ngày 1/1 - cao hơn 5 độ C so với kỷ lục trước đó được thiết lập cách đây 30 năm.

Thành phố phía Bắc Tây Ban Nha Bilbao ghi nhận nhiệt độ 24,9 độ C trong khi nhiệt độ ở Thụy Sĩ là 20 độ C vào ngày 1/1, tương đương với nhiệt độ trung bình trong mùa hè.

Thời tiết ấm áp và lượng tuyết rơi ít đã buộc một số khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở độ cao thấp ở phía bắc dãy núi Alps và dãy núi Pyrenees thuộc Pháp phải đóng cửa vài tuần sau khi mở cửa.

Các quốc gia châu Âu ghi nhận những ngày nóng nhất trong lịch sử có Hà Lan, Đan Mạch, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Belarus, Latvia và Litva. Nhiệt độ cũng cao kỷ lục ở Pháp, Đức và Ukraine.

Các nhà khí tượng học và khí hậu học đã bày tỏ sự báo động về thời tiết mùa Đông ấm áp bất thường, và nói rằng có "quá nhiều kỷ lục" và nhiều nhiệt độ tối thiểu qua đêm tương đương với mùa Hè.

Scott Duncan, nhà khí tượng học người Scotland cho biết: “Chúng tôi vừa quan sát thấy ngày nóng nhất trong tháng 1 được ghi nhận đối với nhiều quốc gia ở châu Âu”.

“Thực sự chưa từng có trong các kỷ lục ở ngày nay”, ông cho biết, đồng thời nói thêm rằng, cường độ và mức độ ấm áp trên toàn khu vực là “khó có thể hiểu được”.

Maximiliano Herrera, nhà khí hậu học chuyên theo dõi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trên toàn cầu đã mô tả các kỷ lục về nhiệt độ là “sự kiện khắc nghiệt nhất từng thấy trong khí hậu học châu Âu”.

Guillaume Séchet, nhà khí tượng học ở Pháp cho biết, châu Âu đã “trải qua một trong những ngày khí hậu khó tin nhất trong lịch sử” vào ngày đầu tiên của năm 2023.

Mùa Đông nóng kỷ lục ở châu Âu đã nối tiếp mùa Hè nóng nhất từng được ghi nhận ở khu vực này và hoàn toàn trái ngược với đợt lạnh khắc nghiệt ở Mỹ trong những tuần gần đây.

Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) - cơ quan liên chính phủ hỗ trợ chính sách khí hậu của châu Âu - nhận thấy rằng, nhiệt độ trung bình của châu Âu trong tháng 8 và trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 là cao nhất được ghi nhận vào năm 2022 bởi “biên độ đáng kể”.

Tình trạng thiếu mưa nghiêm trọng và một loạt các đợt nắng nóng mùa Hè đã gây thiệt hại rõ rệt cho các tuyến đường thủy ở châu Âu, làm dấy lên lo ngại về sản xuất lương thực và năng lượng vào thời điểm giá cả tăng chóng mặt vì xung đột giữa Nga và Ukraine.

Vào tháng 4/2021, các nhà khoa học khí hậu hàng đầu thế giới đã cảnh báo cuộc chiến giữ nhiệt độ toàn cầu dưới ngưỡng tới hạn 1,5 độ C đã đạt đến giới hạn “bây giờ hoặc không bao giờ”.

Trong khi đó, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) đã nhiều lần kêu gọi giảm mạnh việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch toàn cầu để ngăn chặn thảm họa khí hậu.

“Bây giờ hoặc không bao giờ, nếu chúng ta muốn hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Nếu không giảm phát thải sâu và ngay lập tức trên tất cả các lĩnh vực, điều đó là không thể”, Jim Skea, đồng chủ tịch của Nhóm công tác IPCC III cho biết.

Việc đốt nhiên liệu hóa thạch - chẳng hạn như than đá, dầu mỏ và khí đốt - là nguyên nhân chính gây ra tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

Tin bài liên quan