Châu Âu: Lượng thép tiêu thụ trong năm 2022 có thể giảm 1,7%

Châu Âu: Lượng thép tiêu thụ trong năm 2022 có thể giảm 1,7%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ủy ban Kinh tế của Hiệp hội Thép châu Âu (EUROFER) dự báo, lượng thép tiêu thụ trong năm 2022 dự kiến giảm 1,7% và sẽ phục hồi 5,6% trong năm 2023.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế và Thị trường Thép 2022 - 2023 của Ủy ban Kinh tế của Hiệp hội Thép châu Âu (EUROFER) cho thấy, xu hướng tiêu thụ thép của khối EU khá tích cực xuyên suốt từ năm 2021 đến quý I/2022.

Trong quý I/2022, lượng tiêu thụ thép của EU đạt 37,1 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 10% trong quý IV/2021. Tuy nhiên, sau đó, lượng tiêu thụ thép đã chậm lại bởi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy nghiêm trọng, giá năng lượng cao kỷ lục kéo theo chi phí sản xuất tăng theo.

Báo cáo chỉ ra rằng, trong 6 tháng cuối năm 2022, thị trường thép sẽ vẫn còn chịu sức ép từ căng thẳng Nga - Ukraine leo thang. Theo đó, lượng thép tiêu thụ trong năm 2022 dự kiến giảm 1,7% và sẽ phục hồi 5,6% trong năm 2023. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn dự kiến kéo dài đến quý I/2023 do căng thẳng địa chính trị ảnh hưởng chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tin tốt là mặc dù chuỗi cung ứng vẫn còn nhiều bất ổn, sản lượng thép trong quý I/2022 của EU tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi tăng 2,6% trong quý IV/2022, EUROFER dự báo sản lượng của các lĩnh vực sử dụng thép tăng 1,1% trong năm 2022, thấp hơn so với dự báo mà tổ chức này đưa ra trước đó là 2%; nhưng việc giá năng lượng tăng cao khiến các công ty luyện kim của EU đối mặt với nguy cơ đóng cửa tạm thời hoặc cắt giảm sản lượng.

Chuyên gia phân tích Tom Price nhận định: “Sẽ có một chút xáo trộn gây ra bởi cuộc khủng hoảng năng lượng. Nếu nhu cầu của EU tăng lên, có lẽ họ sẽ tăng cường nhập khẩu kim loại thành phẩm hoặc bán thành phẩm”.

Việc các nhà máy luyện kim đóng cửa sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của châu Âu do các công ty lớn trong ngành như thép, thân vỏ máy bay và ô tô, quốc phòng đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Hiện các ngành công nghiệp này mới chỉ đang phụ thuộc nguồn cung từ nước ngoài đối với các sản phẩm như nhôm và thiếc. Nếu ngày càng nhiều nhà máy luyện kim đóng cửa, họ buộc phải tìm đến các nhà cung cấp nước ngoài, giúp Trung Quốc và Nga củng cố vị thế của họ trên thị trường toàn cầu.

Theo Bloomberg, nhu cầu năng lượng của ngành công nghiệp luyện kim rất khổng lồ. Do đó, khi giá điện tăng cao và chính quyền các nước thúc đẩy các biện pháp tiết kiệm năng lượng, các nhà máy luyện kim dễ dàng rơi vào tình trạng nguy cấp.

Tin bài liên quan