Dự án Daewoo Cleve “chết lâm sàng” gần 5 năm nay. Ảnh: Dũng Minh

Dự án Daewoo Cleve “chết lâm sàng” gần 5 năm nay. Ảnh: Dũng Minh

“Chết lâm sàng”, Daewoo Cleve thay tên chờ đổi vận

(ĐTCK) Sau một thời gian dài "chết lâm sàng", Dự án Daewoo Cleve (Khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội) rục rịch trở lại với một tên gọi mới, diện mạo mới cùng nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, việc đổi tên này có giúp dự án này đổi vận?

Bình mới…

Sự kiện Dự án Daewoo Cleve do Công ty TNHH Hi Brand (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư đổi tên vừa qua gây nhiều chú ý trên thị trường. Với mác ngoại, cùng số vốn đầu tư công bố lên tới 421 triệu USD, dự án này đã từng rầm rộ ra mắt khu căn hộ vào cuối năm 2011 với giá khoảng 30 triệu đồng/m2.

Theo giới thiệu, khu chung cư của Daewoo Cleve gồm 15 tòa chung cư cao tầng từ 36 - 40 tầng, có diện tích 93 - 163,1 m2/căn. Siêu dự án này bắt đầu khởi công từ tháng 10/2010. Theo kế hoạch, 2 tòa nhà CT2A và CT2B sẽ hoàn thành vào cuối cuối 2013, đầu năm 2014 và toàn bộ dự án gồm 15 tòa nhà sẽ hoàn thành vào năm 2018.

Nằm ở vị trí đắc địa về giao thông tại quận Hà Đông, lại do một doanh nghiệp có tiếng của Hàn Quốc làm chủ đầu tư, dễ hiểu dự án nằm trong diện được "cò đất" chào mồi người mua nhiều nhất năm 2011, dù vào thời điểm đó, thị trường căn hộ cao cấp Hà Nội đang trên đà đi xuống.

Không những vậy, để hút khách, chủ đầu tư Daewoo Cleve còn tung ra thị trường nhờ chiêu khuyên mãi độc khi chủ đầu tư cho khách hàng vay đến 25% giá trị căn hộ với lãi suất ưu đãi. Theo đó, kể từ tháng 1/2012, khách hàng mua nhà tại dự án này được chủ dự án cho vay vốn thanh toán đợt 2 và đợt 4 với số tiền hỗ trợ tương đương 25% giá trị căn hộ, lãi suất 1%/tháng (tương đương 12%/năm, trong khi lãi suất ngân hàng thời điểm này xấp xỉ 20%/năm).

Tuy nhiên, việc chọn sai thời điểm ra hàng khi phân khúc căn hộ cao cấp đang khủng hoảng thừa, cùng lúc với việc công ty mẹ tại Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn về tài chính, khiến cho dự án này nhanh chóng rơi vào khủng hoảng vốn.

Khi xây đến tầng 6 tại 2 tòa CT2A và CT2B vào cuối năm 2012, dự án đã phải dừng thi công và đắp chiếu. Đến giữa năm 2014, hàng loạt khách hàng mua nhà tại dự án này có đơn tố chủ đầu tư vi phạm hợp đồng mua bán khi bàn giao nhà không đúng thời hạn, đồng thời chậm giải quyết quyền lợi của khách hàng.

Trước sức ép đó, tháng 7/2014, Công ty Hi Brand Việt Nam có thông báo gửi đến khách hàng, cam kết sẽ thi công dự án trở lại trước tháng 12/2014, đồng thời, hứa bàn giao căn hộ vào quý IV/2016.

Tuy nhiên, các cam kết này đều là những lời hứa suông. Đến tháng 8/2014, nhằm cứu vãn tình thế, Công ty TNHH Hibrand Việt Nam đã phải gửi đề nghị tới UBND TP. Hà Nội xin điều chỉnh dự án sang thấp tầng, biệt thự, liền kề và chung cư cao cấp (giảm chiều cao tầng từ 36- 40 tầng xuống còn 23 - 27 tầng) và được UBND Thành phố chấp thuận vào tháng 9/2014.

Những tưởng sau khi hoàn thành việc chuyển đổi, chủ đầu tư sẽ đẩy nhanh triển khai dự án dang dở, nhưng những khách hàng mua nhà tại dự án này lại thêm một lần nữa thất vọng khi chủ đầu tư cho tháo dỡ toàn bộ máy móc tại 2 tòa chung cư đang triển khai, bên cạnh việc quay tôn kín và dừng toàn bộ hoạt động tại công trình dự án này.

Khi thị trường bất động sản Hà Nội bắt đầu hồi phục từ cuối năm 2014 và sôi động trong năm 2015 - 2016, kéo theo nhiều dự án mới được triển khai, nhiều dự án “chết” cũng được tái sinh, thì Daewoo Cleve vẫn “đắp chiếu”.

Tưởng chừng dự án này sẽ vẫn phơi sương, phơi nắng dài dài và không hẹn ngày tỉnh giấc, thì vào tháng 5/2017, Công ty cổ phần Tập đoàn Thế kỷ (CEN Group) và Công ty TNHH Hibrand bất ngờ thông báo ký hợp đồng hợp tác đầu tư phát triển dự án The K - Park Hà Đông. Đây là dự án chung cư gồm 3 tòa căn hộ cao lần lượt 23, 25 và 27 tầng, có tầng hầm liên thông giữa 3 tòa.

Trao đổi bên lề buổi lễ hợp tác, ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch CENGroup cho biết, đây chính là một hợp phần của dự án Daewoo Cleve mà doanh nghiệp này mua lại của Hi Brand Việt Nam. Hợp phần này có tên gọi Khu chung cư cao tầng kết hợp dịch vụ H-CT2, diện tích xây dựng 5.899,11 m2, mật độ xây dựng 43% với tổng số căn hộ theo quy hoạch đã điều chỉnh năm 2014 là 951 căn hộ, có diện tích từ 51,84 - 83,26 m2, quy mô dân số khoảng 2.595 người.

Cùng thời điểm với việc công bố hợp tác với CEN Group, Hi Brand cũng công bố chính thức ra mắt loạt dự án liền kề La Casta. Dự án gồm 359 lô liền kề thấp tầng diện tích đất từ 71 - 176 m2/lô, trong đó có 199 căn nhà phố thương mại (shophouse) với tổng mật độ dân số là 1.436 người. Tương tự H-CT2, đây cũng là hợp phần trong bản quy hoạch đã điều chỉnh năm 2014 của của siêu dự án Daewoo Cleve có ký hiệu từ H-TT1 đến H-TT5.

Rượu có mới?

Tại buổi lễ ký kết, ông Phạm Thanh Hưng khẳng định, CENInvest - công ty thành viên của CEN Group - là một trong những đơn vị tham gia kinh doanh, hợp tác đầu tư và phát triển dự án đầu tiên tại Việt Nam, đã khẳng định uy tín, thương hiệu bằng chuỗi sản phẩm chất lượng cao từ Bắc vào Nam, phù hợp với nhu cầu của đa phần khách hàng như Thăng Long Garden, CT2A, HHB Tân Tây Đô, Helios Tower, Park View Residence, The Golden Palm (Hà Nội), hay Chung cư Lê Thành (TP. HCM)… Do đó, với sự tham gia của CENInvest, The K-Park cũng sẽ là dự án đáng sống.

Liên hệ với một số sàn giao dịch thông qua hotline trên mạng giới thiệu về dự án The K-park, các môi giới cho biết, việc chuyển nhượng một phần dự án cho CENInvest sẽ giúp Hi Brand tái khởi động các hợp phần của dự án Daewoo Cleve. Thêm vào đó, trong trường hợp CENInvest triển khai thành công 3 tòa The K - Park, đơn vị này sẽ tính tới việc mua lại và triển khai nốt 2 tòa CT2A và CT2B đang bị treo của Hi Brand.

Theo đánh giá của lãnh đạo một doanh nghiệp vừa hồi sinh một dự án tại đường Phạm Hùng (Hà Nội), việc đổi tên diễn ra là khá phổ biến và việc này không ảnh hưởng nhiều đến dự án.

Có những dự án, chủ đầu tư thay tên để phù hợp với chiến lược phát triển, nhưng cũng có những dự án, chủ đầu tư thay đổi tên để làm mới bản thân dự án, đặc biệt là những dự án đã dính “tai tiếng”, hoặc phù hợp hơn với chiến lược marketing sản phẩm, nhằm thay đổi vận mệnh dự án, hoặc dự án đổi sang một chủ đầu tư khác.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, đổi tên dự án không phải là tất cả. Với các dự án đắp chiếu, thì thường mỗi dự án một bệnh. Có thể là sản phẩm dự án bị lỗi thiết kế thi công, định vị sai sản phẩm, không thể thay đổi được. Có thể là dự án nợ vay ngân hàng hoặc nợ khách hàng cũ hoặc năng lực chủ đầu tư cũ có vấn đề, hoặc công tác tiếp thị bán hàng chưa đúng...

Do đó, khi tham gia vào các dự án này, những nhà đầu tư mới phải đưa ra giải pháp khắc phục triệt để từ cơ cấu lại thiết kế, giá bán đến cả chính sách marketing phù hợp mới đảm bảo được thanh khoản. Ngoài ra, việc thay đổi chủ đầu tư mới cũng phải đảm bảo chất lượng dự án thực sự tốt mới đảm bảo được uy tín thương hiệu trong dài hạn.

"Có rất nhiều lý do cho việc đổi tên một dự án bất động sản, nhưng theo tôi, tên dự án chỉ là một thành tố nhỏ quyết định thành công của dự án, bởi như người ta thường nói, ‘chiếc áo không làm nên thầy tu’, chỉ những dự án tốt mới bán được hàng”, vị lãnh đạo này khẳng định.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan