Chỉ báo suy thoái điển hình của Mỹ luôn hoạt động nhưng có độ trễ

Chỉ báo suy thoái điển hình của Mỹ luôn hoạt động nhưng có độ trễ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà phân tích Phố Wall và các chiến lược gia đầu tư thường ưa thích sử dụng “các chỉ báo suy thoái” vì chúng mang nhiều ý nghĩa để dự báo tương lai.

Những số liệu thống kê đơn giản này dùng làm bằng chứng về thảm họa kinh tế tiềm năng sắp xảy ra có thể là công cụ vô giá để quản lý rủi ro. Chỉ cần nhìn vào một trong những chỉ báo nổi tiếng nhất: đường cong lợi suất. Kể từ năm 1969, sự đảo ngược đường cong lợi suất đã xảy ra trước mọi cuộc suy thoái của Mỹ.

Đường cong lợi suất được biểu diễn bằng đồ thị về mối quan hệ giữa lợi tức của các trái phiếu, phổ biến nhất là trái phiếu kho bạc 10 năm và trái phiếu kho bạc 2 năm của Mỹ. Thông thường, trái phiếu ngắn hạn có lợi suất thấp hơn trái phiếu dài hạn vì các nhà đầu tư chấp nhận nhiều rủi ro hơn khi chọn kỳ hạn dài hơn. Mối quan hệ này được thể hiện bằng một đường cong dốc lên. Nhưng đôi khi đường cong lợi suất đó có thể đảo ngược, nghĩa là lợi suất trái phiếu dài hạn giảm xuống dưới mức lợi suất trái phiếu ngắn hạn.

Megan Horneman, Giám đốc đầu tư của Verdence Capital Advisors đã cảnh báo hôm thứ Hai (26/6) rằng, thậm chí sau gần một năm, các nhà đầu tư không nên “tự mãn” về “chỉ báo suy thoái lịch sử” này.

“Trong lịch sử, sau khi đường cong lợi suất đảo ngược, nền kinh tế phải mất khoảng 15 tháng mới chính thức bước vào suy thoái. Áp dụng cùng khung thời gian này cho sự đảo ngược hiện tại (khoảng một năm trước), nền kinh tế có thể bước vào suy thoái vào tháng 10 năm nay”, bà Megan Horneman cho biết.

Bà cũng đã chỉ ra sự đảo ngược của đường cong lợi suất và “nhiều tín hiệu kinh tế khác” là bằng chứng cho thấy suy thoái kinh tế trong nửa cuối năm nay gần như là “không thể tránh khỏi”.

Vấn đề là, mặc dù mọi cuộc suy thoái kể từ năm 1969 đều xảy ra trước một sự đảo ngược đường cong lợi suất, nhưng không phải mọi sự đảo ngược đường cong lợi suất đều xảy ra trước một cuộc suy thoái. Sáu lần trước đây đều đã dự đoán chính xác các cuộc suy thoái kinh tế, với một ngoại lệ quan trọng: Một sự đảo ngược ngắn vào tháng 3/2022 sau xung đột Nga-Ukraine đã khiến các nhà đầu tư hoảng sợ.

Vậy đường cong lợi suất là gì, tại sao nó lại đáng sợ như vậy?

Dự đoán tương lai

Đường cong lợi suất đảo ngược thường chỉ ra rằng các nhà đầu tư đang chuyển tiền từ trái phiếu ngắn hạn sang trái phiếu dài hạn vì họ kỳ vọng rằng hoạt động kinh tế suy giảm trong thời gian ngắn sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải cắt giảm lãi suất. Về cơ bản, đó là một dấu hiệu cho thấy thị trường đang ngày càng trở nên bi quan về triển vọng của nền kinh tế. Và đó chính xác là những gì đã xảy ra vào ngày 5/7/2022, đường cong lợi tức trái phiếu Kho bạc (chênh lệch giữa lợi suất của Trái phiếu kho bạc 10 năm và Trái phiếu kho bạc hai năm) đảo ngược, và chúng vẫn như vậy kể từ đó.

Ngoài tín hiệu về niềm tin yếu kém của thị trường, chỉ số kinh tế hàng đầu của Conference Board (LEI) sử dụng dữ liệu bao gồm giấy phép xây dựng, số giờ làm việc trung bình hàng tuần, đơn đặt hàng mới của nhà sản xuất…để có được bức tranh toàn cảnh về sức khỏe của nền kinh tế, đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020 vào tháng 5 và hiện đã giảm trong 14 tháng liên tiếp.

Trên hết, mặc dù lạm phát hàng năm giảm từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ là 9,1% vào tháng 6/2022 xuống chỉ còn 4% vào tháng 5 này, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đưa ra những bình luận diều hâu trong phiên điều trần tại Đồi Capitol vào tuần trước, hứa hẹn sẽ tiếp tục cuộc chiến lạm phát của mình.

“Áp lực lạm phát tiếp tục tăng cao và quá trình đưa lạm phát trở lại mức 2% còn một chặng đường dài phía trước”, ông Powell đề cập đến mục tiêu lạm phát 2% của ngân hàng trung ương.

Các bình luận là bằng chứng của hai đợt tăng lãi suất nữa sẽ diễn ra trong năm nay và lập luận rằng “lịch sử không đứng về phía chúng ta” khi nói đến việc tránh suy thoái trong thời kỳ lãi suất tăng.

“Lịch sử cho chúng ta biết rằng hầu hết các chu kỳ thắt chặt của Fed không kết thúc bằng một cú hạ cánh mềm. Trong 11 chu kỳ thắt chặt vừa qua, trừ ba chu kỳ đều dẫn đến suy thoái kinh tế”, bà Megan Horneman cho biết.

Một dấu hiệu cảnh báo cho thị trường?

Suy thoái không bao giờ là tin tốt cho chứng khoán. Chúng làm chậm tăng trưởng kinh tế và tăng tỷ lệ thất nghiệp, làm tổn hại đến thu nhập của công ty. Và trên hết, đợt phục hồi của thị trường năm nay là một sự bất thường so với xu hướng lịch sử, điều đó có thể có nghĩa là sẽ có “sự sụt giảm bổ sung” phía trước.

Trong lịch sử, sau khi đường cong lợi suất giảm xuống mức thấp nhất, chỉ số S&P 500 đã công bố mức tăng trung bình chỉ 4,4% trong 12 tháng sau đó. Nhưng chỉ số Dow Jones đã tăng gần 9% chỉ trong vài tháng kể từ khi đường cong lợi suất chạm mức thấp nhất vào ngày 8/3.

“Định giá cổ phiếu tiếp tục tăng do lạc quan rằng Fed có thể sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là thị trường chứng khoán trong lịch sử không chạm đáy cho đến khi chúng ta ở trong thời kỳ suy thoái”, bà Megan Horneman cho biết.

Bà lập luận rằng đợt phục hồi nửa đầu năm nay của thị trường chứng khoán Mỹ là không “bền vững” và dự kiến thị trường ​​sẽ trải qua “sự sụt giảm 10% đến 15% khi các nhà đầu tư trở nên thực tế với môi trường lãi suất, kinh tế và lợi nhuận”.

Tin bài liên quan