Dịch Covid-19 một lần nữa đặt ra tính cấp thiết trong việc xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp. Ảnh: Trọng Tín

Dịch Covid-19 một lần nữa đặt ra tính cấp thiết trong việc xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp. Ảnh: Trọng Tín

Chỉ đạo "nóng" về nhà ở công nhân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bố trí chỗ ở phù hợp cho người lao động trong khu công nghiệp để đảm bảo sản xuất trong dịch bệnh có thể là một phần nguyên nhân khiến Bộ Xây dựng vừa có văn bản chỉ đạo “nóng” về phân khúc này.

Chỉ 41% quỹ đất nhà ở cho công nhân được xây dựng

Tại tỉnh Đồng Nai, với 31 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút vài trăm nghìn lao động vào làm việc, nhưng hầu hết đều chưa hình thành nhà lưu trú công nhân tập trung.

Không có nhà lưu trú công nhân ngay tại khu công nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp khép kín chuỗi sản xuất, nên trong đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát tại Đồng Nai, cả tỉnh chỉ có khoảng 1.000 doanh nghiệp có thể áp dụng phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất.

Dẫu vậy, chỉ sau khoảng 2 tháng thực hiện, Ban quản lý Các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) đã phải kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai cho tạm dừng thực hiện “3 tại chỗ” do không đủ điều kiện duy trì.

Cũng dễ hiểu, bởi trước đây, khi hoạt động sản xuất của doanh nghiệp diễn ra ổn định, nhiều doanh nghiệp có chính sách đưa đón công nhân từ các khu vực về nhà máy, nhưng trong tình hình dịch bệnh, điều này là không thể bởi doanh nghiệp không có sẵn ký túc xá, khu nhà ở cho công nhân, nếu thuê những khu nhà trọ, nhà nghỉ cho số lượng lớn công nhân ở thì doanh nghiệp không thể đáp ứng nổi.

Ông Văn Viết Phú, trưởng phòng nhân sự của một doanh nghiệp da giày có 2 nhà máy ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 và huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) cho biết, khi xảy ra dịch bệnh, mặc dù công ty đã cố gắng tìm cách thực hiện sản xuất tại chỗ nhưng không thể vì không đảm bảo được yếu tố an toàn. Hơn nữa, người lao động còn vướng bận gia đình, nếu tập trung về một chỗ sẽ phát sinh nhiều vấn đề, nên doanh nghiệp buộc phải tạm ngưng hoạt động dù biết sẽ chịu nhiều thiệt hại.

Còn tại TP.HCM, cho dù đã và đang thực hiện 34 dự án xây dựng nhà lưu trú cho công nhân với hơn 5.500 phòng, nhưng con số này cũng chỉ đáp ứng được khoảng 15,3% nhu cầu.

Mới đây, Thanh tra TP.HCM công bố kết quả thanh tra liên quan đến việc điều tiết nhà ở xã hội của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, có 17/26 trong tờ trình của Sở Xây dựng ghi nhận chủ đầu tư thực hiện điều tiết nhà ở xã hội theo quy định pháp luật, nhưng chưa xác định cụ thể phải thực hiện theo hình thức nào. Do vậy, đa số các chủ đầu tư nhà ở thương mại, khu công nghiệp chọn phương án nộp tiền, thay vì trích 20% quỹ đất của dự án để xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân. Điều này dẫn tới tình trạng thiếu quỹ đất (20%) để xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt tại các đô thị lớn (đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I).

Cùng với đó là tình trạng chủ đầu tư chia nhỏ dự án lớn thành dự án dưới 10 ha để “né” việc phải dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội. Mặc dù sau đó tình trạng này được hóa giải phần nào khi Chính phủ đưa ra quy định mới, nhưng hệ lụy từ việc chủ đầu tư chọn nộp tiền thay cho việc để dành 20% quỹ đất vẫn chưa thể khắc phục ngay.

Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cũng cho biết, cả nước hiện chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600 ha, trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250 ha. Như vậy, mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất nhà ở cho công nhân được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng.

Riêng nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, đến nay, cả nước có 2,6 triệu m2, đủ bố trí cho khoảng 330.000 người lao động, con số này chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của hàng chục triệu công nhân hiện nay.

Cần sớm gỡ nút thắt quỹ đất, vốn và nguồn nhân lực

Theo các chuyên gia, muốn giải quyết tận gốc vấn đề nhà ở cho công nhân thì phải sớm tháo gỡ 2 nút thắt lớn nhất hiện nay, đó là vốn và quỹ đất sạch. Về vấn đề này, ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM (Hepza) cho rằng, quỹ đất phục vụ nhà ở công nhân phải nằm ngoài khu công nghiệp, nên đòi hỏi nhà quy hoạch phải có kế hoạch sử dụng quỹ đất ngay từ khi bắt đầu xây dựng khu công nghiệp.

Bên cạnh quỹ đất, các sở, ngành địa phương cũng cần tích cực hỗ trợ đồng bộ về vốn, thủ tục cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Theo đó, ngoài hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án (giao thông, cấp điện, cấp nước…) thì cần để các doanh nghiệp đầu tư nhà xã hội được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng (thuế suất 0%), miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong khoảng thời gian nhất định.

Còn bà Trương Tú Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại An - chủ đầu tư Khu công nghiệp Đại An (Hải Dương) cho biết, thời gian qua, nhiều quy định liên quan tới phát triển khu công nghiệp đã được đổi mới và luật hoá, nhưng chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp vẫn chưa có tiến triển, thủ tục và quy trình xây dựng còn rất nhiêu khê do bị chi phối bởi pháp luật liên quan về nhà ở.

“Suốt 7 năm qua, chúng tôi vẫn chưa thể giải quyết được thủ tục xây dựng nhà ở cho công nhân trong Khu công nghiệp Đại An, cho dù rất nỗ lực”, bà Phương nói và kiến nghị, Nhà nước cần có tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư khu công nghiệp phù hợp để họ đáp ứng được các vấn đề mang tính kết nối, đặc biệt là công tác đào tạo, chăm lo đời sống cho người lao động trong khu công nghiệp, cần phải xem chủ đầu tư khu công nghiệp là nhà đầu tư đặc biệt và có chính sách ưu đãi phù hợp.

Ngoài 2 nút thắt trên, các chuyên gia cho rằng, còn một vấn đề khác cần sớm được khắc phục trong quá trình quy hoạch khu công nghiệp là xây dựng, phát triển và quản lý nguồn nhân lực phục vụ cho khu công nghiệp, trong đó cần lưu tâm đến các dịch vụ cho người lao động như phúc lợi xã hội, nhà ở cho công nhân, trường mẫu giáo cho con em công nhân, dịch vụ đào tạo, hoạt động vui chơi, giải trí…, bởi đây là lý do chính dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa thu hút được lao động như hiện nay.

Để giải quyết những vướng mắc nói trên, mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo “nóng” đến các địa phương khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.

Bên cạnh đó, các địa phương cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà cho thuê phù hợp với nhu cầu của người lao động, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.

Đồng thời, bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, nhất là tại khu vực có đông công nhân và người lao động.

Tin bài liên quan