Ông Nguyễn Thanh Hiền, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Ông Nguyễn Thanh Hiền, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Chỉ đích danh những tồn tại, yếu kém trong cổ phần hóa

Lần đầu tiên, bức tranh tổng thể về cổ phần hóa (CPH) được phác họa sau khi Quốc hội thực hiện giám sát hoạt động này. “Nhiều hạn chế, tồn tại, yếu kém trong công tác CPH giai đoạn 2011-2016 đã được chỉ ra, nhưng sẽ là tốt hơn nếu chỉ ra được nguyên nhân, địa chỉ, doanh nghiệp cụ thể còn tồn tại, yếu kém, hạn chế”, ông Nguyễn Thanh Hiền, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội bình luận.

Báo cáo Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và CPH doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 đã chỉ ra khá nhiều hạn chế, yếu kém, tồn tại. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

CPH doanh nghiệp nhà nước là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trên tinh thần Nhà nước chỉ đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực mà khu vực tư nhân chưa làm được, không làm được và không muốn làm do hiệu quảkinh tế thấp.

Đối tượng CPH trong giai đoạn 2011-2016 hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành, tình hình tài chính phức tạp, chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên việc còn tồn tại, hạn chế khó tránh khỏi. 

Những hạn chế này cũng đã được Báo cáo Giám sát chỉ ra, như việc xử lý tài chính trước và trong quá trình CPH thiếu chặt chẽ, sai nguyên tắc, sai chế độ; đánh giá không chính xác giá trị tài sản; sai sót trong việc xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị quyền sử dụng đất; xác định giá trị doanh nghiệp chưa thực hiện đúng nguyên tắc thị trường, nhất là về đất đai... 

Báo cáo cũng đã chỉ ra nguyên nhân. Tuy nhiên, trong Báo cáo lại chưa phân tích rõ những tồn tại, hạn chế, những vi phạm thường xảy ra ở khâu nào, lĩnh vực nào, thuộc về cơ chế chính sách hay là trách nhiệm của cơ quan chủ quản, của doanh nghiệp…

Báo cáo cần phải chỉ rõ mức độ vi phạm đến đâu, đã xử lý chưa, xử lý bằng hình thức nào. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng phải chỉ rõ các số liệu vi phạm trong từng giai đoạn để các đại biểu so sánh, đánh giá mức độ vi phạm qua từng thời kỳ CPH: trước năm 2010 và từ năm 2011 đến nay.

Thưa ông, thất thoát tài sản nhà nước bằng cách nào, khi theo quy định phải xác định giá trị doanh nghiệp trước khi bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và IPO bắt buộc phải tổ chức bán đấu giá công khai?

Trong giai đoạn 2012-2016, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp tại 17 doanh nghiệp có quy mô lớn trên 5.000 tỷ đồng, đã xác định tăng giá trị vốn nhà nước gần 22.357 tỷ đồng.

Xác định giá trị doanh nghiệp chênh lệch quá nhiều so với giá thị trường, tức là gây thất thoát tài sản nhà nước. 

Đúng là giá trị doanh nghiệp được xác định chỉ là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền đưa ra giá khởi điểm khi IPO, thị trường mới là nơi xác định giá trị doanh nghiệp chính xác nhất.

Nhưng khi IPO, doanh nghiệp đưa ra mức giá thấp hơn giá trị thực, nhà đầu tư cũng không trả giá cao hơn là bao nhiêu, vì họ có nhiều cơ hội đầu tư.

Chưa kể, trong quá trình IPO có thực sự công khai, minh bạch hay không, nếu không công khai, minh bạch, có tình trạng “quân xanh, quân đỏ” thì chắc chắn sẽ thất thoát tài sản nhà nước.

Nhiều doanh nghiệp sau CPH sử dụng đất được giao để cho thuê làm dự ánbất động sản. Liệu việc chuyển đổi này  có đúng quy định của pháp luật, thưa ông?

Nếu doanh nghiệp sử dụng toàn bộ quỹ đất hiện có được Nhà nước giao đất có thu tiền hoặc cho thuê đất trả tiền hằng năm đúng mục đích, phục vụ sản xuất, kinh doanh theo phương án CPH đã được phê duyệt thì không sao.

Nhưng sau một thời gian hoạt động, doanh nghiệp thay đổi ngành nghề kinh doanh, bổ sung ngành nghề kinh doanh và nghiễm nhiên họ có quyền sử dụng đất được giao, được thuê vào mục đích khác, chủ yếu là xây dựng dự án bất động sản, chia lô, bán nền. 

Câu hỏi đặt ra là làm sao doanh nghiệp biết trước được diện tích đất họ được giao, được thuê sẽ được quy hoạch lại thành trung tâm thương mại, khu đô thị, khu dân cư… Câu trả lời ở đây chắc chắn là có lợi ích nhóm giữa những người có quyền hạn và doanh nghiệp.

Thất thoát tài sản nhà nước chủ yếu nằm ở đây, nên theo tôi, cũng cần phải chỉ ra các địa chỉ cụ thể doanh nghiệp sau khi CPH chuyển hướng sang kinh doanh bất động sản, phân lô, bán nền, xây dựng chung cư, trung tâm thương mại trên diện tích đất được giao, cho thuê, mà theo phương án CPH trước đây dành cho hoạt động khác, chứ không phải là bất động sản.

Tồn tại, hạn chế lớn nhất và cũng là nguyên nhân gây ra thất thoát tài sản nhà nước chủ yếu liên quan đến quyền sử dụng đất. Theo ông, cần những giải pháp nào để xử lý vấn đề này?

Theo quy định, trước khi CPH, doanh nghiệp có trách nhiệm rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo nhu cầu và quy định của pháp luật về đất đai, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và báo cáo UBND cấp tỉnh chấp thuận trước khi đưa vào phương án CPH. 

Theo tôi, thất thoát giá trị quyền sử dụng đất chủ yếu từ phương pháp định giá đất không sát giá thị trường và đấu giá quyền sử dụng đất.

Vì vậy, để tránh thất thoát, vấn đề đầu tiên là cần phải yêu cầu doanh nghiệp sau CPH phải thực hiện đúng mục đích sử dụng đất đã giao, cho thuê và trong trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở hoặc đất thương mại thì Nhà nước phải thu hồi đất và tổ chức đấu giá công khai thu tiền sử dụng đất vào ngân sách.

Tin bài liên quan