Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa 9 tháng tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ số giá xuất khẩu có mức tăng thấp hơn chỉ số giá nhập khẩu, phản ánh Việt Nam đang ở vị trí không thuận lợi khi giá hàng nhập khẩu có lợi thế hơn với giá hàng xuất khẩu.

Chỉ số giá xuất khẩu lẫn nhập khẩu hàng hóa trong 9 tháng năm 2022 đều tăng, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nhưng mức tăng của chỉ số giá nhập khẩu vẫn cao hơn xuất khẩu 2,5%.

Cụ thể, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý III/2022 tăng 1,19% so với quý trước và tăng 8,85% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 9 tháng năm 2022, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa tăng 8,31% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa; chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa và tỷ giá thương mại hàng hóa 9 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm 2018-2022 (%)
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa; chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa và tỷ giá thương mại hàng hóa 9 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm 2018-2022 (%)

Trong đó, chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 9,29%; nhóm nhiên liệu tăng 67,54%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 6,35%. Chỉ số giá xuất khẩu 9 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của một số mặt hàng như sau: Dầu thô tăng 69,08%; xăng dầu tăng 73,21%; phân bón tăng 48,81%; sắt, thép tăng 15,2%.

Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa quý III/2022 tăng 0,65% so với quý trước và tăng 10,15% so với cùng kỳ năm 2021, tăng cao ở nhóm nông sản, thực phẩm tăng 0,76% và tăng 10,29%; nhóm nhiên liệu tăng 0,3% và tăng 37,49%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 0,67% và tăng 8,97%.

9 tháng năm 2022, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng 10,86% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 10,82%; nhóm nhiên liệu tăng 42,2%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 9,53%. Chỉ số giá nhập khẩu 9 tháng của một số mặt hàng: Xăng dầu tăng 47,65%; phân bón tăng 40,87%; sắt, thép tăng 32,3%; lúa mì tăng 28,67%.

Ngoài ra, tỷ giá thương mại hàng hóa (TOT) - là chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa so với chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa quý III/2022 tăng 0,53% so với quý trước và giảm 1,18% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 9 tháng năm 2022, TOT giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sắt, thép giảm 12,93%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 5,68%; cao su giảm 3,63%; hàng rau quả giảm 2,63%; xăng dầu các loại tăng 17,31%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 6,15%; hàng thủy sản tăng 4,55%.

"Tỷ giá thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2022 giảm so với cùng kỳ năm trước do chỉ số giá xuất khẩu có mức tăng thấp hơn mức tăng của chỉ số giá nhập khẩu, phản ánh Việt Nam đang ở vị trí không thuận lợi khi giá hàng nhập khẩu có lợi thế hơn so với giá hàng xuất khẩu", theo Tổng cục Thống kê.

9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3% (282,52 tỷ USD) nhập khẩu tăng 13% (2,76 tỷ USD). Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Trong 9 tháng năm 2022 có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63,9%).

Tin bài liên quan