Chia sẻ rủi ro với dự án PPP, đề xuất rất táo bạo

Chia sẻ rủi ro với dự án PPP, đề xuất rất táo bạo

Từ năm 2009, Hàn Quốc đã xóa bỏ cơ chế bảo đảm doanh thu tối thiểu thay vào đó là áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro. Cơ chế chia sẻ rủi ro đã cho thấy hiệu quả hơn so với bảo đảm doanh thu tối thiểu.

Một trong những quy định trong Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm là cơ chế chia sẻ rủi ro.

Đề xuất táo bạo

Theo Dự thảo Luật PPP, nhà đầu tư dự án PPP chia sẻ với Nhà nước 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Các bên thỏa thuận mức doanh thu cam kết nhưng không cao hơn 125% mức doanh thu trong phương án tài chính. Ngược lại, Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư 50% phần giảm thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết. Các bên thỏa thuận mức doanh thu cam kết nhưng không cao hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc đánh giá, đây có thể được xem là một cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xây dựng môi trường thể chế pháp lý hiệu quả, ổn định và thuận lợi cho việc triển khai dự án PPP. Việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước (vốn, ưu đãi, bảo đảm đầu tư...) là biện pháp hiệu quả để tạo niềm tin, thu hút khu vực tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Bên cạnh các ưu đãi, bảo đảm về thuế, đất đai, cung cấp dịch vụ công cộng, quyền thế chấp tài sản..., Dự thảo Luật PPP lần này đã có cơ chế mới khuyến khích nhà đầu tư tham gia dự án PPP là cơ chế chia sẻ rủi ro.

“Tiềm năng phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam được nhà đầu tư quốc tế đánh giá rất cao, nhưng do nhiều rào cản đến nay, sự tham gia của khu vực này còn hạn chế. Khi rào cản được gỡ bỏ, các dự án PPP tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, tiềm năng thị trường hạ tầng của Việt Nam sẽ là cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư quốc tế”, ông Lộc kỳ vọng.

Cũng theo ông Lộc, Luật PPP được xem là công cụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng. Thế hệ dự án mới được kỳ vọng sẽ xuất hiện trong nhiều lĩnh vực, không chỉ giới hạn trong các lĩnh vực truyền thống như đường bộ, năng lượng, cấp nước…, mà còn bao gồm các lĩnh vực cơ sở hạ tầng tạo sự bứt phá lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao năng suất lao động và cải thiện cuộc sống người dân như công nghệ thông tin, đường sắt, hàng không, logistics, y tế, vệ sinh môi trường, giáo dục đào tạo...

Theo đại diện Công ty Luật TNHH Duane Morris Vietnam thì cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu trong Dự thảo Luật PPP “thực sự là một đề xuất rất táo bạo” vì cho phép Nhà nước chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư trong điều kiện và khả năng nhất định. Đại diện cho Duane Morris Vietnam đánh giá rất cao cơ chế này vì đã giải quyết được một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay trong các dự án PPP là mức độ rủi ro rất cao do đầu tư vốn lớn và thời gian thu hồi vốn kéo dài hàng chục năm.

Chỉa sẻ rủi ro hay bảo đảm doanh thu tối thiểu  

Đánh giá rất cao cơ chế chia sẻ rủi ro nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải nghiên cứu lại tỷ lệ “ăn chia 50-50” vì những năm đầu dự án PPP đi vào khai thác hầu hết đều bị lỗ, nếu Nhà nước chỉ chia sẻ 50% phần giảm thu sẽ khiến rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Vì vậy, theo đề xuất của đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thay vì thực hiện cơ chế chia sẻ rủi ro nên áp dụng cơ chế bảo đảm doanh thu tối thiểu. Nếu vẫn thực hiện cơ chế chia sẻ rủi ro thì không nên quy định cứng tỷ lệ chia sẻ là 50-50 mà để nhà đầu tư và cơ quan nhà nước đứng ra ký hợp đồng PPP thỏa thuận tỷ lệ theo từng năm và linh hoạt điều chỉnh, đàm phán dựa trên doanh thu thực tế của từng dự án.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) lo ngại nhà đầu tư sẽ rất khó khăn khi được Nhà nước chia sẻ rủi ro trong trường hợp doanh thu bị hụt vì phải đáp ứng rất nhiều điều kiện chặt chẽ như dự án phải do cơ quan nhà nước lập và không sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh thu thực tế thấp hơn mức doanh thu cam kết tại hợp đồng; đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc điều chỉnh thời hạn hợp đồng nhưng chưa bảo đảm được mức doanh thu... Vì vậy, để dự án PPP thực sự hấp dẫn nên áp dụng cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu thay vì chia sẻ rủi ro.

Đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) cũng lo ngại, nhà đầu tư khó có thể chứng minh việc hụt thu là do quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi nên để nhận được sự chia sẻ rủi ro của Nhà nước không hề đơn giản. Vì vậy, thay vì chia sẻ rủi ro nên áp dụng bảo lãnh doanh thu tối thiểu để nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn và ngân hàng cũng yên tâm khi cho dự án PPP vay vốn.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia rất thành công trong việc huy động vốn tư nhân tham gia đầu tư vào dự án PPP. Theo ông Park Jae Hyun, Trưởng đại diện Tổ chức Phát triển đô thị và hạ tầng nước ngoài tại Việt Nam, để có được các dự án PPP thành công như ngày hôm nay, từ năm 2009, Hàn Quốc đã xóa bỏ cơ chế bảo đảm doanh thu tối thiểu thay vào đó là áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro. Cơ chế chia sẻ rủi ro đã cho thấy hiệu quả hơn so với bảo đảm doanh thu tối thiểu vì chia sẻ rủi ro là hình thức Chính phủ bảo đảm một phần chi phí cho nhà đầu tư, góp phần giảm phí sử dụng công trình, dự án cho người dân nên cả Chính phủ và nhà đầu tư đều nâng cao trách nhiệm, khác với cơ chế bảo đảm doanh thu tối thiều là việc Chính phủ bảo đảm lợi nhuận cho doanh nghiệp dự án.

“Để nâng cao hiệu quả dự án, theo kinh nghiệm của Hàn Quốc cần phải thu hẹp mức chênh lệch giữa doanh thu cam kết trong hợp đồng và doanh thu trong phương án tài chính hiện tại theo Dự thảo Luật PPP tối đa là 125% (nhà đầu tư chia sẻ với nhà nước) và 75% (Nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư) xuống còn 110% - 90% hoặc 115% - 85%”, ông Park Jae Hyun khuyến cáo.

Tin bài liên quan