Ông Dominic Scriven

Ông Dominic Scriven

Chiết khấu cao, chuyện của quỹ đóng ở mọi nơi

(ĐTCK-online) Cũng như nhiều chứng chỉ của quỹ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, các chứng chỉ quỹ đại chúng niêm yết trong nước đang bị thị trường chiết khấu khá cao. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital, Chủ tịch HĐQT CTCP Quản lý Quỹ đầu tư VFM về chủ đề này cũng như các vấn đề liên quan đến khối NĐT tổ chức.

Các chứng chỉ của quỹ đầu tư đại chúng tại Việt Nam đang bị thị trường chiết khấu khá cao. Theo ông, đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?

Đây đang là câu chuyện của nhiều quỹ đóng, diễn ra không riêng gì tại TTCK Việt Nam.

Tại nước ngoài, các chứng chỉ quỹ thanh khoản thấp, NĐT gặp chút khó khăn khi muốn chuyển đổi chứng chỉ quỹ thành tiền vì phải tìm người mua. NĐT coi  chứng chỉ quỹ có rủi ro, vì vậy họ chỉ chấp nhận mua ở một mức giá khá thấp so với giá trị tài sản ròng (NAV). Nhưng tại Việt Nam, sự chiết khấu của thị trường dành cho các chứng chỉ quỹ rõ ràng không nằm ở yếu tố thanh khoản. Tôi nhìn nhận điều này trên khía cạnh tâm lý.

Chứng chỉ quỹ là một sản phẩm đầu tư dài hạn, kết hợp sự chuyên nghiệp của các nhà quản lý quỹ với sự đa dạng hóa của một danh mục đầu tư rộng, nhằm giảm thiểu rủi ro cho NĐT. Trong nước, các NĐT cá nhân hiện nay chủ yếu đầu tư theo trường phái ngắn hạn, lựa chọn một công cụ đầu tư trung - dài hạn để đầu cơ theo tôi là một sai lầm về mặt giao dịch. Sự thất vọng có thể là một trong các lý do quan trọng khiến các NĐT đang dành cho các chứng chỉ quỹ mức chiết khấu như hiện nay.

 

Các công ty quản lý quỹ nên làm gì để thu hẹp khoảng cách này, theo ông?

Mức chiết khấu hiện nay của tất cả các quỹ đóng tại Việt Nam và nước ngoài có những yếu tố thuộc về chu kỳ của TTCK và những yếu tố thuộc về cấu trúc của các quỹ đầu tư. Trong giai đoạn hiện tại, các nhà quản lý chỉ có thể can thiệp vào yếu tố thứ hai nhằm giảm thiểu chiết khấu. Cụ thể, các công ty quản lý quỹ nên làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chính là sinh lời cho các cổ đông và phân phối tốt hơn nữa lợi nhuận dành cho các NĐT.

 

Hàng tuần, các quỹ vẫn công bố sự thay đổi NAV, nhưng các cổ đông của quỹ có nhu cầu tìm hiểu thông tin sâu hơn như danh mục đầu tư, giá trị mua bán… Theo ông, để thu hẹp mức chiết khấu, các quỹ đại chúng nên cải tiến công tác công bố thông tin như thế nào?

Hiện tại, một số quỹ đang làm rất tốt về việc báo cáo đều đặn, thường xuyên về hoạt động cho NĐT. Nhưng nếu các quỹ công bố thêm các thông tin chi tiết như giá trị giao dịch trong từng khoảng thời gian, hay danh mục đầu tư theo ngành thì cũng có thể thực hiện. Tuy nhiên, việc minh bạch chi tiết từng đến giao dịch, thương vụ đầu tư thì không thể. Đơn giản là tất cả các quỹ trên thế giới đều bảo mật hoạt động giao dịch, nếu tiết lộ, các đối thủ cạnh tranh có thể lợi dụng điều này.

 

Để thu hẹp mức chiết khấu trên, phải chăng cơ quan quản lý nên cho phép các công ty quản lý quỹ mua lại chứng chỉ quỹ - một biện pháp hỗ trợ cho các cổ đông trong ngắn hạn như Dragon Capital đã làm với VEIL?

Cá nhân tôi cho là nên. Về lý thuyết, các cổ đông có thể nhận được sự hỗ trợ từ DN bằng việc mua lại cổ phiếu quỹ, thì các quỹ đại chúng cũng có thể làm tương tự. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của các cổ đông, công ty niêm yết phải ghi giảm vốn điều lệ tương ứng ngay khi kết thúc việc mua vào. Với quỹ đóng đại chúng cũng tương tự, quỹ sẽ nắm giữ số chứng chỉ quỹ đó cho đến thời hạn quỹ giải thể. Trên thực tế, VFM cũng đã đưa ra đề nghị tương tự với UBCK, tuy nhiên cơ quan quản lý cho rằng, về mặt pháp lý, các quy định hiện tại chưa sẵn sàng.

 

Sự thiếu vắng các định chế tài chính chuyên nghiệp có thể coi là một trong các lý do TTCK Việt Nam biến động mạnh. Theo ông, đâu là các giải pháp cần làm để xuất hiện nhiều NĐT tổ chức nội địa và thu hút được nhiều hơn dòng vốn đầu tư gián tiếp từ bên ngoài?

Trong 3 năm qua, nhiều chỉ số chứng khoán của các thị trường phát triển (có đông đảo các định chế tài chính chuyên nghiệp) cũng biến động rất mạnh. Sự thất thường này không thể quy kết cho các NĐT cá nhân. Tại TTCK Việt Nam, nếu thu hút được nhiều nhóm chủ thể tham gia thị trường chắc chắn sẽ tốt hơn là một số ít nhóm đối tượng.

Cụ thể, theo tôi, thị trường cần sự kết hợp của cả đồng đều 4 chủ thể: NĐT cá nhân, NĐT tổ chức trong nước, NĐT tổ chức nước ngoài và các tổ chức đầu tư thuộc Nhà nước. Tại TTCK Việt Nam, các tổ chức đầu tư nước ngoài có thể đóng một vai trò nhất định với sự phát triển thị trường. Tuy nhiên, kỳ vọng quá nhiều vào dòng vốn bên ngoài cũng không nên, vì thị trường sẽ tiềm ẩn các rủi ro lớn khi dòng vốn đảo chiều.

 

Từ đầu năm tới nay, khối NĐT nước ngoài liên tục mua vào. Ông lý giải ra sao về điều này?

Năm 2009, hầu hết TTCK mới nổi tại châu Á đều có dòng vốn vào lớn hơn dòng vốn ra. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam là một ngoại lệ, điều khác biệt này có hai lý do. Thứ nhất là sự kiện một quỹ của Indochina Capital thoái vốn.

Thứ hai là một phần trong khối NĐT nước ngoài lo lắng sâu sắc về bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam qua đánh giá của một số tổ chức quốc tế vấn đề tỷ giá, nhập siêu, sự chênh lệch cán cân thanh toán quốc tế... Muốn hay không, NĐT nước ngoài cũng nhìn Việt Nam trong sự so sánh và định lượng các rủi ro với các quốc gia láng giềng. Sau các quan ngại, giờ đây lo lắng đã dịu bớt, có thể một số NĐT đã quay trở lại. Năm nay, vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam có thể đạt 1,8 tỷ USD, trong đó sẽ có khoảng 1 tỷ USD vào trái phiếu và đó là điều đáng mừng.