Chiêu cũ lặp lại, cổ phiếu VRC thiết lập mô hình cây thông

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu VRC của Công ty cổ phần Bất động sản và đầu tư VRC một lần nữa thiết lập mô hình cây thông khi giảm 50% giá trị từ vùng đỉnh gần 40.000 đồng/cổ phần xuống 20.000 đồng/cổ phần trong khoảng 1 tháng.

Trước đó, trong suốt hai năm 2020 - 2021, cổ phiếu này chỉ dao động trong vùng giá 5.000 - 7.000 đồng/cổ phiếu. Trong giai đoạn này, cổ đông lớn là Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội đã thoái vốn toàn bộ.

Kể từ đầu quý IV/2021 đến cuối tháng 2 năm nay, cổ phiếu VRC đã tăng giá ngoạn mục từ dưới 10.000 đồng/cổ phiếu lên 40.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản của cổ phiếu VRC đã được đẩy lên từ trước khi thị giá lập đỉnh và giảm mạnh khi cổ phiếu lao dốc, hình thành mẫu hình “cây thông”.

Điều đáng nói, đà tăng trưởng ấn tượng của thị giá đi ngược hoàn toàn với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 của VRC cho thấy, năm qua, doanh thu cung cấp dịch vụ của Công ty chỉ đạt hơn 3,4 tỷ đồng, giảm 3 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, có 3,2 tỷ đồng đến từ doanh thu dịch vụ tư vấn cho Công ty cổ phần Đóng tàu và dịch vụ cảng Mỹ Xuân - công ty liên kết của VRC. Lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất - kinh doanh đạt hơn 788 triệu đồng, cao gấp hơn 9 lần so với năm 2020, chủ yếu đến từ giảm giá vốn hàng bán và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Năm qua, giá vốn hàng bán của VRC giảm mạnh, đến từ việc Công ty không ghi nhận doanh thu bán đất nền. Lợi nhuận sau thuế thu nhập đạt 491 triệu đồng, đi ngang so với năm 2020.

Nhìn xa hơn, trong vòng 5 năm qua, doanh thu của Công ty đã liên tục giảm mạnh từ mức 81 tỷ đồng trong năm 2017 xuống còn vẻn vẹn hơn 3 tỷ đồng trong năm 2021.

Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp cho thấy một bức tranh bất ổn, khi năm 2017 và năm 2018 ghi nhận lợi nhuận sau thuế đột biến nhưng lại đến từ doanh thu hoạt động tài chính với khoản lãi chuyển nhượng dự án đầu tư. Từ năm 2018, lợi nhuận sau thuế cũng liên tục giảm mạnh từ 25 tỷ đồng còn hơn 400 triệu đồng trong năm 2021.

Bên cạnh đó, dòng tiền hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp liên tục âm từ năm 2017 đến năm 2021 cũng đã phác họa bức tranh tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh ảm đạm của doanh nghiệp những năm trở lại đây.

Trên bảng cân đối kế toán của VRC tại ngày 31/12/2021, hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp, với hơn 1.200 tỷ đồng, chiếm 87,8% giá trị tài sản ngắn hạn. Đây chủ yếu là bất động sản xây dựng dở dang, bao gồm Khu dân cư Nhơn Đức, Phước Lộc - Nhà Bè, Khu dân cư ADC, Phú Mỹ. Hiện vẫn chưa có mốc thời gian rõ ràng khi nào hai dự án này sẽ được hoàn thiện và đưa vào mở bán.

Hoạt động của VRC gần như không có gì đáng kể trong mấy năm qua và việc tăng giá của cổ phiếu này hòa chung vào làn sóng đầu tư cổ phiếu thị giá nhỏ, nhất là trong lĩnh vực bất động sản.

Nhìn lại lịch sử giá, tháng 10/2019, VRC ghi nhận mức tăng hơn 66% trong vòng 2 tháng, sau đó đột ngột giảm sàn.

Nhìn lại lịch sử giá, tháng 10/2019, VRC ghi nhận mức tăng hơn 66% trong vòng 2 tháng, sau đó đột ngột giảm sàn 18 phiên liên tiếp với lệnh dư bán sàn hàng triệu cổ phiếu. Điều này làm dấy lên câu hỏi về tính minh bạch trong giao dịch cổ phiếu VRC.

Với việc cổ phiếu thiết lập mô hình “cây thông”, nhà đầu tư rất cần thận trọng khi giao dịch VRC. Tới thời điểm này, chưa có tin tức xác thực nào về việc công ty này có khả năng khởi động lại các dự án bất động sản đang ách tắc.

Trong khi đó, ngay cả khi giá cổ phiếu ở mức 20.000 đồng/cổ phiếu thì lượng hàng được gom số lượng lớn lúc dưới mệnh giá cũng đem lại lợi nhuận lớn cho bên gom hàng. Việc đẩy giá cổ phiếu lên 40.000 đồng/cổ phiếu chỉ là kỹ thuật để phân phối, xả hàng, bởi khi giá giảm mạnh 50% nhà đầu tư sẽ lao vào bắt đáy.

Tin bài liên quan