Chiêu thức mới trong chăm sóc khách VIP

Chiêu thức mới trong chăm sóc khách VIP

(ĐTCK-online) Đầu phiên giao dịch ngày 12/3 NĐT LNH nhận được thông tin từ môi giới mua ngay CP ITA, sau đó CP này vụt tăng hết biên độ, trước đó là trường hợp cổ phiếu HPG. "Cũng có thể trước đó các CP này chưa lên và theo xu hướng thị trường nó sẽ tăng theo. Nhưng không ngoại trừ do có các thông tin riêng mà môi giới ‘phím’ cho khách VIP biết", anh H nhận xét.

Cho dù thế nào thì có một thực tế hiển nhiên: bạn sẽ không nhận được những thông tin kiểu như vậy nếu không được đưa vào danh sách khách VIP của CTCK.

 

Từ đối tác …

Những dịch vụ chăm sóc NĐT VIP trước đây như: phòng riêng, tiện nghi sang trọng, phí ưu đãi, nhân viên môi giới đến tận nơi giúp NĐT nộp, rút tiền, gửi các bản tin phân tích hàng ngày… đến nay đã trở nên rất đỗi bình thường. NĐT VIP không phải là khách hàng đơn thuần mà thực sự trở thành đối tác của CTCK. Một NĐT có doanh số giao dịch một tháng xấp xỉ 10 tỷ đồng tiết lộ với ĐTCK: nếu là VIP thì ngay cả khi thị trường khan hiếm tiền, bạn vẫn được CTCK cho giao dịch ký quỹ từ 60 - 80%  số tiền hiện có. Nếu tiền dồi dào như hiện nay, NĐT có thể được vay từ 300 - 500%. Một "đặc ân" nữa các CTCK dành cho khách VIP là không cần tiền đối ứng trong tài khoản vẫn có thể mua chứng khoán với giá trị rất lớn. Theo quy định hiện nay thì sang ngày T+2 CTCK mới phải thanh toán tiền mua chứng khoán, nên NĐT có thể chậm nộp vào buổi chiều ngày mua chứng khoán hoặc hôm sau. Việc cho mua chứng khoán mà không cần tiền ngay đã hỗ trợ đắc lực cho NĐT VIP trong việc "uy hiếp" các NĐT nhỏ lẻ bằng những lệnh dư mua giá trần lên đến hàng triệu đơn vị CP.

Ở các CTCK có hoạt động tự doanh lớn, quỹ cổ phiếu tự doanh nhiều, NĐT VIP còn được cho mượn cổ phiếu để bán. Sau đó, NĐT VIP có thể chờ cơ hội chứng khoán giảm giá để mua trả lại cho CTCK, trong khi những NĐT nhỏ lẻ khó lòng có được cơ hội này.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, nhiều CTCK tung ra chiêu mới: không thu tiền lãi vay, tiền cầm cố, margin của NĐT trong vòng T+10. Những khoản phí lớn NĐT mang lại cũng chỉ là một phần trong mục tiêu của CTCK. "Điều quan trọng là các NĐT VIP có thể tham gia vào việc đánh lên, đánh xuống một mã cổ phiếu nào đó. Nếu thành công thì lợi nhuận mang lại từ hoạt động tự doanh cho các CTCK lớn hơn gấp nhiều lần tiền phí và lãi cho vay. Đó chính là lý do vì sao, CTCK coi NĐT VIP là đối tác", NĐT kể trên cho biết. Thông thường, sau khi CTCK có thông tin từ DN hoặc xác định đánh lên một mã CP nào đó, thông qua đội ngũ môi giới sẽ "phím" NĐT VIP mua vào hoặc bán ra. Khi các NĐT nhỏ lẻ lao theo thì CTCK và VIP lặng lẽ xả hàng! Kết thúc một đợt "đánh lên", trong khi CTCK thu được phí, lợi nhuận lớn từ tự doanh, các môi giới được chia tỷ lệ % phí và % từ lợi nhuận tự doanh của CTCK thì NĐT VIP được dùng đòn bẩy và có lợi nhuận lớn. Rõ ràng, trong phi vụ này, các bên đều có lợi, trừ các NĐT nhỏ lẻ thiếu thông tin và chưa có nhiều kinh nghiệm trên thị trường.

 

…. Đến tin độc

Với lợi thế là NĐT lớn, ngoài việc được chăm sóc đến "tận răng", họ còn được cung cấp các thông tin quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến giá CP. Trong làng môi giới chứng khoán hiện nay, những môi giới khét tiếng thường là những người có đủ quan hệ để thẩm định thông tin. Khi xuất hiện một tin đồn nào đó, sau vài cú điện thoại họ có thể biết nó có chính xác hay không. Và chỉ những khách VIP mới là người được biết thông tin này. Đó là lý do giải thích tại sao có những môi giới lương tới hàng vài trăm triệu đồng/tháng trong khi có môi giới chỉ được vài triệu đồng/tháng.

Phần lớn CTCK đều có hoạt động tư vấn cho các DN lên sàn. Kể từ khi ký hợp đồng tư vấn, họ luôn bám sát hoạt động của các công ty. Kết quả kinh doanh, dự án triển khai, phát hành tăng vốn, giấu lãi, chuyển lỗ…  thì CTCK là một trong những người biết đầu tiên. Người thụ hưởng thông tin tiếp theo sẽ là các khách VIP.

Ngoài ra, theo một NĐT VIP, đội ngũ phân tích của các CTCK cũng tương đối chuyên nghiệp. Họ có thể đưa ra nhận định cho các VIP về sự dịch chuyển của dòng tiền vào những ngành nào, mã nào giúp NĐT VIP mua bán có lợi nhất. Vì thế, ngoài báo cáo nhận định phân tích chung gửi cho các khách hàng, thậm chí được công khai rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, NĐT VIP được nhận những thông tin có chiều sâu hơn, cụ thể hơn giúp NĐT ra quyết định mua bán có lợi.

Một nhóm khách hàng VIP, thường là cổ đông nội bộ của công ty niêm yết hoặc những NĐT "bắt"rất nhạy thông tin của các công ty niêm yết còn được chăm sóc một chế độ đặc biệt hơn. Những khách hàng này, luôn được CTCK sẵn sàng cung cấp tài chính để gom và ôm cổ phiếu, nhất là thời điểm thị trường đổi chiều giảm giá, khi mà các thông tin tốt công bố cũng không có tác động gì đến giá chứng khoán và cho dù mức giảm giá đã xuống đến 20%. Sau đó, khi giá cổ phiếu đã giảm về mức thấp hơn nữa và đi vào chu kỳ tích lũy, CTCK lại bơm tiền để khách hàng đặc biệt gom tiếp hàng bình quân giá. Đương nhiên trong những thương vụ này, hoạt động tự doanh của CTCK cũng tham gia tích cực và mức độ đặc biệt của khách hàng VIP là giá trị tài khoản lên đến 50 tỷ đồng cho đến cả trăm tỷ đồng.

Cũng dễ hiểu khi CTCK dốc sức chăm khách VIP, vì đó là những người mang lại lợi ích lớn cho công ty. Và trong "cuộc chơi" khốc liệt này, sự bất bình đẳng trong kinh doanh sẽ mang đến thiệt hại cho NĐT nhỏ lẻ .