Chính sách tiền tệ 2013: Cần ưu tiên kiềm chế lạm phát

Chính sách tiền tệ 2013: Cần ưu tiên kiềm chế lạm phát

(ĐTCK) Trước những dự báo kinh tế 2013 không mấy lạc quan, nhiều chuyên gia đều thống nhất quan điểm, chính sách tiền tệ trong năm tới cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

 Trọng tâm vẫn là xử lý nợ xấu

Phạm Xuân Hòe, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN

 
Giảm lãi suất và tiến tới tự do hóa lãi suất cần một kế hoạch dài hơi và bước đi thích hợp khi điều kiện đã chín, tính toán trong tổng thể với tỷ giá, lãi suất tiền gửi USD. Cần có sự thống nhất của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nhằm kích thích cầu trong nước phù hợp với điều kiện của đất nước, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp thống nhất, căn cơ hơn nữa khi thực hiện điều chỉnh tăng giá các mặt hàng để tránh sự cộng hưởng đẩy lạm phát kỳ vọng gia tăng, sẽ khó cho việc thực hiện giải pháp kích cầu.

Toàn hệ thống ngân hàng phải tập trung thực hiện xử lý nợ xấu một cách quyết liệt, vừa cung ứng vốn tín dụng một cách hợp lý nhằm điều chỉnh cơ cấu tín dụng đối với nền kinh tế theo hướng giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Dư nợ tín dụng cần tập trung cho khu vực kinh tế, cần có động thái tích cực tháo gỡ cho thị trường bất động sản…

Tiếp tục tiến hành các bước để lành mạnh hóa tài chính của các NHTM, tăng tiềm lực về vốn và minh bạch hóa tài chính; tái cơ cấu tổ chức, hoạt động và quản trị hệ thống ngân hàng, nhất là quản trị rủi ro, để tái cấu trúc thành công…

 

 Phục hồi thị trường bất động sản là nhiệm vụ quan trọng

TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia

 

Chính sách tiền tệ 2013: Cần ưu tiên kiềm chế lạm phát ảnh 2

NHNN lựa chọn lạm phát mục tiêu để điều hành chính sách tiền tệ là một lựa đúng đắn, đặc biệt trong bối cảnh bỏ chỉ tiêu phát hành tiền hàng năm. Chỉ số lạm phát năm 2012 đã xuống khá thấp, do giá lương thực thực phẩm giảm mạnh.

Tuy nhiên, nếu loại bỏ giá xăng dầu và lương thực thực phẩm ra khỏi rổ tính chỉ số CPI, thì lạm phát cơ bản năm 2012 vẫn xấp xỉ 11%. Như vậy, nếu giá lương thực thực phẩm tăng trở lại, kiểm soát lạm phát sẽ rất khó khăn.

Việc xử lý nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn hai trong kế hoạch tái cấu trúc hệ thống NHTM nhằm phục hồi lại năng lực tài chính của các NHTM. Mục tiêu lớn Chính phủ đang đặt ra là phục hồi lại thị trường bất động sản, bởi nếu không  việc giải quyết nợ xấu sẽ gặp khó khăn rất lớn. Ở các nước tư bản, phục hồi thị trường này dựa chủ yếu vào chính sách tiền tệ, tăng kỳ hạn cho vay và hạ lãi suất đối với người mua nhà.

 

 Cần tiếp tục duy trì trần lãi suất huy động

TS. Nguyễn Đức Trung, Viện phó Viện Nghiên cứu khoa học ngân hàng, Học viện Ngân hàng

 
Năm 2013, NHNN cần tiếp tục mục tiêu của chính sách tiền tệ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát hơn là mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Theo đó, NHNN cần đảm bảo sự nhất quán xuyên suốt các mục tiêu của chính sách tiền tệ như lãi suất, tín dụng, tổng phương tiện thanh toán, tỷ giá, sử dụng linh hoạt nguồn dự trữ ngoại tệ.

Trong bối cảnh kinh tế trong nước được dự báo tiếp tục khó khăn, chính sách neo tỷ giá ổn định được coi là giải pháp khá hữu hiệu… Nếu kinh tế dần phục hồi và khởi sắc, NHNN cần cân nhắc chuyển từ chế độ neo tỷ giá sang chế độ linh hoạt hơn.

Căn cứ vào tình hình lạm phát được dự báo như các kịch bản năm 2013, NHNN hoàn toàn có cơ sở khoa học cho việc áp dụng trần lãi suất cho vay đối với các khoản vay của NHTM. Cần tiếp tục duy trì quy định trần lãi suất huy động VND nhằm thực hiện mục tiêu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, giảm một cách tự nguyện số lượng NHTM.

 

 Cần huy động lượng vốn lớn từ bên ngoài để xử lý nợ xấu

Ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank

 

Chính sách tiền tệ 2013: Cần ưu tiên kiềm chế lạm phát ảnh 4

Hệ thống ngân hàng mất đi vai trò là trung gian tài chính, bởi việc đẩy tín dụng vào nền kinh tế đang thất bại, dòng tiền đang chủ yếu đổ vào thị trường trái phiếu Chính phủ.

Tất nhiên, vốn đó sẽ đổ vào đầu tư công, nhưng hiệu quả của đầu tư công không thể nhìn thấy trong 1 - 2 năm tới. Chính sách tiền tệ chịu áp lực rất lớn là phải nới lỏng trong khi tất cả các công cụ chính sách vĩ mô kém hiệu lực, khó có thể trông chờ vào đó.

Xử lý nợ xấu hệ thống cần một lượng vốn lớn từ bên ngoài đổ vào để tái cấp vốn. Trong khi ngành ngân hàng mới chỉ trông chờ vào nguồn dự trữ ngoại hối còn nhỏ bé (khoảng 20 tỷ USD). Người không chạy nhanh bằng một chân và NHNN đang gồng lên trong suốt thời gian qua.

 

Lãi suất cần tiếp tục điều chỉnh giảm

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính

 
Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được thông qua đầu tiên, trong khi Đề án tái cơ cấu đầu tư công, DNNN vẫn chưa thành hình. Nhưng tôi lại e rằng, ngành ngân hàng lại “đi trước về sau”, bởi suốt năm 2012, chỉ một trường hợp sáp nhập thành công là Hububank sáp nhập vào SHB. Nợ xấu tích lũy từ lâu và tăng vọt trong năm nay nhưng chưa xử lý được.

Năm 2013, ngoài việc xử lý nợ xấu, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng, việc phối hợp chính sách với các bộ, ban, ngành…, lãi suất cần tiếp tục điều chỉnh giảm trong bối cảnh các khoản chi phí khác đầu vào của DN tiếp tục tăng do nhu cầu tài khóa thu để giảm bớt cái khó. Bên cạnh đó, không nên áp trần lãi suất cho vay bởi chi phí lớn mà không giải quyết được vấn đề. NHNN nên tránh đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm, không đưa ra chỉ tiêu tổng tín dụng cũng như không cần phân nhóm ngân hàng để ban hành chỉ tiêu tín dụng.