Chính sách tiền tệ: Không nên vội nới lỏng trở lại

Chính sách tiền tệ: Không nên vội nới lỏng trở lại

(ĐTCK-online) Trên thị trường hiện nay, một số ngân hàng đã công bố giảm nhẹ mức lãi suất cho vay. Đồng thời, các khách hàng cũng khó mặc cả lãi suất tiết kiệm ở mức cao như trước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, trong thời gian tới, lãi suất ngân hàng vẫn chưa thể hạ nhiệt rõ rệt và đây tiếp tục là áp lực lớn nhất đối với hoạt động của các DN trong giai đoạn này. Hồng Dung thực hiện.

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Hiện mặt bằng lãi suất đang rất cao, vượt quá sức chịu đựng của DN. Việc lãi suất tiếp tục cao và giữ trong một thời gian dài liệu có làm phá sản hàng loạt DN hay không một phần còn do nghệ thuật điều hành của DN. Nhưng tôi nghĩ rằng, chính sách thắt chặt tiền tệ vẫn tiếp tục trong vài tháng nữa. Chúng ta biết là rất khó khăn, sức ép từ phía DN, từ xã hội rất lớn. Tuy nhiên, nếu vội vã nới lỏng trở lại thì cái giá phải trả sẽ rất lớn. Chúng ta đã có những bài học từ năm trước. Song lần này, nếu lạm phát chưa được kiềm chế mà bung mạnh tín dụng ra, rủi ro bất ổn vĩ mô gia tăng, thì không những tổn thất về kinh tế, về xã hội, mà quan trọng hơn là tổn thất về lòng tin.

 

Vì vậy, theo tôi, phải kiên trì, nhẫn nại, phải chấp nhận thắt chặt thêm vài tháng nữa. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần có những giải pháp hỗ trợ DN và người nghèo - những đối tượng chịu tác động nhiều nhất của lạm phát, lãi suất cao. Vừa qua đã có một số biện pháp hỗ trợ, nhưng triển khai thực tế còn chậm. Ví dụ như bù giá điện cho những hộ nghèo, quy trình còn khá rắc rối.

Có khá nhiều cách để hỗ trợ cho DN. Thứ nhất là vấn đề thuế. Việc này Chính phủ đã thực hiện giãn 1 năm thuế cho các DN nhỏ và vừa. Thứ hai là vấn đề tiếp cận tín dụng. Nghị quyết 11 yêu cầu thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và giảm cung tiền, giảm tăng trưởng tín dụng, chứ không phải là không cung thêm tiền ra nữa. Nếu thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 11, tức là cung tiền tăng khoảng 15 - 16%, thì lượng tiền đưa thêm vào nền kinh tế năm nay cũng khoảng 15 - 16 tỷ USD. Còn tín dụng tăng 20% thì lượng tín dụng tăng thêm vào khoảng 24 - 25 tỷ USD. Như vậy, lượng tiền đưa thêm vào thị trường không phải là nhỏ, vấn đề là làm sao để dòng tiền này đến đúng địa chỉ. Được như vậy thì cho dù tiền tệ có thắt chặt, dòng vốn vẫn chảy vào tốt hơn đối với khu vực tư nhân, tốt hơn đối với DN vừa và nhỏ. Rồi những giải pháp như tạo điều kiện cho DN khu vực tư nhân tiếp cận tốt hơn đối với khoản đầu tư nhà nước, ví dụ như trái phiếu, đầu tư từ ngân sách, ODA...

Ông Benedict Bingham, Đại diện thường trú cao cấp Quỹ Tiền tệ Quốc tế

Tại Diễn đàn DN Việt Nam vừa qua, thông điệp rất rõ ràng từ Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định lãi suất là: Thứ nhất, cần hạn chế tâm lý lạm phát kỳ vọng, điều đó có nghĩa là phải giữ cho tỷ lệ lạm phát thực tế ổn định và sau đó là hành động để giảm nỗi lo sợ lạm phát sẽ tăng mạnh trở lại. Tiếp tục có thông điệp mạnh mẽ rằng, chỉ khi diễn biến lạm phát giảm nhiệt ở mức rõ ràng thì chính sách tiền tệ mới được nới lỏng và từ đó lãi suất mới có thể giảm xuống. Trong 2 - 3 tháng qua, với nhiều biện pháp từ phía Ngân hàng Trung ương, tỷ giá hối đoái đã phần nào ổn định. Nếu chính sách tiền tệ được nới lỏng quá sớm sẽ gây áp lực một lần nữa về tỷ giá hối đoái và làm cho lạm phát quay trở lại.

 

Thứ hai, nếu nhìn vào thị trường, chúng ta thấy trước đây các DN thường nhận được các khoản tín dụng nhiều, dễ dàng và họ hoạt động kinh doanh trên cơ sở đó nhiều năm nay. Điều này không bền vững cho nền kinh tế vi mô, do vậy DN cần tận dụng thời gian này để tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, đầu tư có hiệu quả hơn dựa trên đồng vốn sẵn có.

Trong giai đoạn khó khăn là lúc các DN Việt Nam phải chứng tỏ được khả năng duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Ngoài ra, hợp tác là điều cần làm tại hiện nay, bởi trên thực tế, việc liên kết, hợp tác có thể mở ra nhiều cơ hội về vốn cho các DN. Khi tăng cường hợp tác, công tác quản trị DN sẽ minh bạch hơn, từ đó giúp DN quản lý được dòng tiền và như thế sự phát triển của DN sẽ bền vững hơn. Thứ hai, kể cả khi DN vẫn tương đối vững mạnh thì sự hợp tác cũng rất cần thiết, bởi giai đoạn khó khăn chính là cơ hội để các DN gia tăng thị phần, đưa quy mô DN đến những tầng nấc cao hơn.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ, cần có một lộ trình ban hành chính sách rõ ràng, minh bạch hoặc một khung chính sách vi mô trong không chỉ 3 tháng tới, mà trong vòng 5 năm tới. Đó là lý do tại sao tôi nói, đối với nền kinh tế vĩ mô, Chính phủ cần thiết lập những mục tiêu trung hạn rõ ràng, mức lạm phát và dự trữ ngoại hối. Điều đó giúp người dân cảm nhận được rõ ràng về việc nền kinh tế vĩ mô đang đi về đâu và điều này sẽ là tác nhân tốt giúp gây dựng lòng tin.

Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam

 

Lãi suất hiện vẫn ở mức cao một phần do chính sách thắt chặt tiền tệ, một phần do chính nội tại các ngân hàng. Mặc dù lạm phát được dự báo sẽ hạ nhiệt trong tháng tới nên lãi suất dự kiến cũng sẽ giảm, nhưng dẫu sao DN cũng phải tự cứu lấy mình. Theo tôi, có hai cách. Giải pháp thứ nhất có tính phòng vệ, nghĩa là tiết giảm chi tiêu, cái gì chưa bức bách thì phải tiết kiệm lại. Đồng thời, quản lý dòng tiền là tối quan trọng, bởi do trước kia việc vay vốn khá "xông xênh", nhưng nay không còn được như vậy. Ngoài ra, cần cắt giảm những hoạt động không thực sự có lợi thế. Thứ hai, cần tích cực hơn trong các hoạt động như tái cấu trúc DN, phát triển sản phẩm mới, thị trường mới.