Chính thức có khung pháp lý về hoạt động phụ trợ bảo hiểm

Chính thức có khung pháp lý về hoạt động phụ trợ bảo hiểm

(ĐTCK) Kể từ ngày 1/11/2019, cá nhân, tổ chức thực hiện các hoạt động phụ trợ bảo hiểm như tư vấn bảo hiểm, giám định bảo hiểm… phải có chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm. Đây là một trong những nội dung của Thông tư số 65/2019/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành. 

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, chuyên viên bộ phận xử lý rủi ro một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, từ trước đến nay, chưa có quy định pháp luật nào về phụ trợ bảo hiểm, nhưng các hoạt động phụ trợ vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức như tư vấn quản trị rủi ro, thuê chuyên gia, giám định...

Các doanh nghiệp bảo hiểm thuê giám định của các tổ chức được thành lập và cấp phép hoạt động giám định (theo Luật Thương mại) để đưa ra báo cáo giám định về nguyên nhân và mức độ tổn thất.

Mặt khác, hoạt động giám định bảo hiểm có thêm nội dung tính toán và phân bổ tổn thất, nhưng muốn thực hiện được hoạt động phụ trợ giám định bảo hiểm cần có chứng chỉ phụ trợ về giám định bảo hiểm. Chứng chỉ này được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền và phải thi.

“Dẫu vậy, Thông tư 65/2019 cũng chỉ hướng dẫn việc đào tạo, thi, cấp chứng chỉ, còn về điều kiện để các tổ chức/cá nhân có thể hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ thì phải chờ văn bản hướng dẫn”, vị chuyên viên trên chia sẻ thêm.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong 3 năm qua, mức độ sử dụng các hoạt động phụ trợ bảo hiểm của doanh nghiệp Việt Nam đang ngày một tăng.

Cụ thể, hiện có khoảng 70% doanh nghiệp bảo hiểm đang sử dụng các đơn vị cung cấp dịch vụ để xác định tình trạng, nguyên nhân và mức độ tổn thất, trách nhiệm bảo hiểm…; 65% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm để giải quyết bồi thường, quản lý hồ sơ, quản lý đại lý...; gần 40% doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng hoạt động tư vấn bảo hiểm và đánh giá rủi ro như là một công cụ hỗ trợ hoạt động kinh doanh...

Thực tế trên cho thấy, thị trường bảo hiểm càng phát triển thì mức độ sử dụng các hoạt động phụ trợ sẽ càng gia tăng.

Vì thế, khung pháp lý trong Thông tư 65/2019 không chỉ là cơ sở để các cá nhân, tổ chức có thể đáp ứng điều kiện theo yêu cầu của pháp luật trước khi thực hiện các hoạt động phụ trợ bảo hiểm, mà còn giúp thị trường bảo hiểm hoạt động lành mạnh hơn.

Thông tư 65/2019 quy định các loại chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm bao gồm: Chứng chỉ tư vấn bảo hiểm, Chứng chỉ đánh giá rủi ro bảo hiểm, chứng chỉ hỗ trợ giải quyết bồi thường; chứng chỉ giám định tổn thất bảo hiểm.

Các loại chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm sẽ được cấp chi tiết theo nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe.

Riêng với chứng chỉ giám định tổn thất bảo hiểm, do đặc thù của công việc giám định tổn thất cần chuyên môn theo từng loại nghiệp vụ bảo hiểm cụ thể, nên đươc phân chia thành chứng chỉ giám định tổn thất bảo hiểm phi nhân thọ, chứng chỉ giám định tổn thất bảo hiểm hàng hải và chứng chỉ giám định tổn thất bảo hiểm hàng không.

Hàng tháng, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm trực thuộc Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm - IAV (Bộ Tài chính) sẽ tổ chức thi cấp chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm.

Trên cơ sở kết quả do trung tâm này phê duyệt, cơ sở đào tạo sẽ cấp chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm cho thí sinh thi đỗ là học viên của cơ sở đào tạo. Trung tâm cũng cấp chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm cho thí sinh thi đỗ là thí sinh tự do.

Ngoài ra, cá nhân có chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm do các tổ chức đào tạo bảo hiểm quốc tế cấp như Viện Bảo hiểm tài chính Úc và New Zealand (ANZIIF), Viện Bảo hiểm Hoàng gia Anh (CII), Viện Đào tạo bảo hiểm Canada (IIC)… có thể nộp hồ sơ đề nghị IAV xem xét, công nhận và không bắt buộc phải thi lấy chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm tại Việt Nam.

“Hoạt động phụ trợ bảo hiểm cũng là hoạt động kinh doanh có điều kiện nên phải được kiểm soát chặt chẽ, nếu không sẽ khó đảm bảo được quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm. Bởi vậy, quy định mới này sẽ giúp thị trường bảo hiểm hoạt động lành mạnh hơn”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận.

Tin bài liên quan