Nhiều nhà đầu tư cắt lỗ, chuyển sang nắm giữ tiền mặt.

Nhiều nhà đầu tư cắt lỗ, chuyển sang nắm giữ tiền mặt.

Chờ cơ hội mua lại sau cắt lỗ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong vòng 1 tháng tính đến ngày 11/10, VN-Index gần như liên tục giảm điểm, khiến nhiều nhà đầu tư không thể cầm cự lâu hơn, buộc phải bán cắt lỗ.

Tiền mặt là vua

Kể từ đầu năm 2022, nhất là giai đoạn tháng 4 trở lại đây, thị trường chứng khoán rơi vào trạng thái tiêu cực kéo dài, áp lực bán cổ phiếu ở mức cao và nỗi lo lắng thường trực trong tâm lý nhà đầu tư.

Tuần đầu tháng 10, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất thế giới và có định giá về vùng thấp nhất 1 thập kỷ qua.

Tính riêng tuần đầu tháng 10, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất thế giới và có định giá về vùng thấp nhất 1 thập kỷ qua. Có thời điểm, VN-Index mất mốc 1.000 điểm (phiên chiều 11/10), giảm gần 300 điểm trong vòng 1 tháng, với lực bán mạnh bao phủ toàn thị trường.

Trước diễn biến trên, nhà đầu tư Hùng Thắng ở Hà Nội chia sẻ, sự kiên nhẫn của anh dần dần bị bào mòn và chuyển sang bi quan, có thời điểm hoảng loạn.

Trước đó, hồi giữa tháng 5, khi VN-Index giảm từ trên 1.500 điểm xuống 1.170 điểm, anh Thắng chấp nhận “đau thương”, bán hết danh mục, quyết tâm đóng tài khoản, chờ đến khi chỉ số xuống dưới 1.000 mới giải ngân. Nhưng sau đó, chỉ số nhanh chóng hồi phục lên 1.300 điểm, anh lại hào hứng quay trở lại thị trường.

Từ đó đến giữa tháng 9, chỉ số dao động trong vùng 1.050 - 1.300 điểm nên anh cho rằng thị trường đã tạo được vùng đáy nên tự tin nắm giữ các cổ phiếu cơ bản, đồng thời lướt sóng các cổ phiếu nhỏ.

Vì thế, khi VN-Index lùi xuống đáy một lần nữa vào cuối tháng 9, anh cố gắng gồng lỗ, thậm chí trong phiên chỉ số bật tăng vào đầu tháng 10, anh vay ký quỹ để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nhằm nhanh chóng gỡ gạc. Thật không ngờ, thị trường lại tiếp tục lao dốc, khiến tài khoản rơi vào tình trạng lỗ chồng lỗ.

“Thị trường quá khắc nghiệt, vừa rồi có chuyên gia chứng khoán nhận định, VN-Index sẽ về 900 điểm, tôi đã không tin. Nhưng có lẽ, dự báo này sẽ sớm xảy ra”, anh Thắng nói và cho biết, anh đã bán cắt lỗ hầu hết danh mục khi chỉ số lùi về gần mốc 1.000 điểm. Thị trường tăng điểm trong 2 phiên 12 - 13/10, nhưng trong phiên vẫn có hiện tượng xả hàng, chỉ số có lúc giảm sâu nên anh chưa vội mua vào. Với anh, việc nắm giữ tiền mặt giai đoạn này vẫn là “vua”, chờ mua lại chính các cổ phiếu đã bán khi thấy cơ hội rõ ràng hơn, giá thật sự rẻ.

Chị Hoàng Trang, một nhà đầu tư có 10 năm kinh nghiệm cho hay, chị đã “thoát hàng” toàn bộ danh mục hồi tháng 7. Hiện tại, chị phân bổ hai phần ba ngân sách vào tài khoản tiết kiệm ngân hàng, tận dụng lãi suất đang tăng, chỉ dùng một phần ba để đầu tư chứng khoán, nhưng tỷ trọng tiền mặt duy trì ở mức cao.

Chị Trang nhận định, định giá P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức 10 - 11 lần, thấp bằng giai đoạn đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Tuy nhiên, giai đoạn đó và giai đoạn hiện nay rất khác nhau.

Đầu năm 2020, thị trường lao dốc nhưng hồi phục nhanh do yếu tố tác động có tính đột ngột là dịch bệnh, còn lần này, rất có thể thị trường sẽ còn lình xình, tiêu cực kéo dài, vì dòng tiền thiếu hụt, kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái…

“Trong bối cảnh hiện tại, tôi nghĩ rằng, những nhà đầu tư dồi dào ngân sách, không phụ thuộc đòn bẩy tài chính, không biết nhiều kênh đầu tư, có thể chọn những doanh nghiệp tốt mà mình tin tưởng để mua tích sản cổ phiếu, với kỳ vọng lãi cao xét theo năm. Còn những nhà đầu tư ngắn hạn thì nên cân nhắc kỹ trước khi giải ngân”, chị Trang nói.

Chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nêu quan điểm, nhà đầu tư nắm giữ tiền mặt đang có lợi thế, ít nhất trong ngắn hạn, vì có thể mua được cổ phiếu của doanh nghiệp triển vọng với giá rẻ. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên giải ngân từng phần và đặt mua ở vùng giá thấp.

Bắt đáy

Bên cạnh các nhà đầu tư đề cao sự thận trọng với ưu tiên nắm giữ tiền mặt, thì một bộ phận nhà đầu tư khác lại kiên trì bắt đáy, mặc dù có vài phiên bắt đáy trước đó thất bại.

Phiên giao dịch 11/10, mức giảm của VN-Index mỗi lúc một sâu, nhiều cổ phiếu trụ cũng bị bán tháo, khiến chỉ số mất 30 điểm, xuống gần 1.000 điểm. Trong khi đa số tiếp tục bán cắt lỗ thì nhà đầu tư Văn Mạnh lại mở vị thế để mua mới những mã mà anh cho là tốt nhưng bị “vạ lây” như DGC, MSN, KBC…, đồng thời mua “đảo hàng”, trung bình giá những mã đang nắm giữ mà yếu tố nội tại vẫn tốt như VHC, BVH…

Khi phiên giao dịch 11/10 kết thúc, anh Nam, nhân viên môi giới Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định, chỉ trong 8 phiên giao dịch vừa qua, thị trường chứng kiến 2 phiên kéo lên nhưng lập tức bị “đạp” xuống ngay phiên sau đó.

Đây là trạng thái rũ bỏ để đánh gục ngay cả những nhà đầu tư kiên nhẫn nhất trên thị trường. Khi phiên hồi lần thứ ba xảy ra, phần đông nhà đầu tư sẽ e dè, không dám giải ngân, vì đã bị “lừa” hai lần trước. Tuy nhiên, đó là lúc thị trường sẽ hồi phục và đi lên trong nghi ngờ.

“Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã về vùng quá bán và tiềm ẩn phân kỳ dương. Về cơ bản và định giá, P/E của VN-Index rơi về 10x là vùng định giá hấp dẫn, chỉ có khi xảy ra khủng hoảng. Từ đó, tôi cho rằng, thị trường đã và đang dần tạo đáy”, anh Nam nói.

Thực tế, phiên 12/10, VN-Index bật tăng, phiên 13/10 tuy giảm sâu trong phiên sáng như cuối phiên chiều vẫn tăng hơn 16 điểm, đạt gần 1.051 điểm.

Kết thúc phiên sáng 13/10, khi chỉ số quanh mức tham chiếu, một chuyên gia của Công ty Take Profit (công ty quản lý tài chính cá nhân) nhận định, vùng 1.075 - 1.080 điểm sẽ là kháng cự gần của VN-Index. Khi đó, thay vì mua mới, nhà đầu tư nên ưu tiên bán dần chốt lời cổ phiếu đã mua để chờ mua lại với giá tốt hơn.

Vị chuyên gia này duy trì quan điểm, mua sớm một phần tỷ trọng với giá sàn cổ phiếu trong những phiên thị trường hoảng loạn là hợp lý để đón trước nhịp hồi.

“Nếu mua khi chỉ số bật tăng hoặc cả thị trường tăng rồi thì rất dễ có tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội nên mua đuổi với giá cao, đồng nghĩa rủi ro cao), trong khi giá tốt chỉ có khi thị trường hoảng loạn. Chúng ta kiên nhẫn, chưa hành động suốt thời gian qua chỉ để chờ quay lại giải ngân ở những ngày này. Thay vì hoảng loạn bán tháo rồi vội vã rời khỏi thị trường, chúng ta cần bình tĩnh, tự tin và tỉnh táo để tiếp tục cải thiện danh mục, tích góp lợi nhuận”, chuyên gia tại Take Profit nói.

Pyn Elite Fund, quỹ đầu tư đến từ Phần Lan đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức định giá đặc biệt rẻ với tương quan triển vọng tăng trưởng thu nhập trong vài năm tới. Bên cạnh đó, trong tháng 9 “đỏ lửa”, nhiều quỹ nước ngoài vẫn hút ròng, hoặc tiếp tục rót vốn vào thị trường cho thấy, các nhà đầu tư ngoại đặt niềm tin vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhìn một cách tổng thể, nền tảng của thị trường chứng khoán là kinh tế vĩ mô vẫn là bức tranh sáng, lạm phát hiện rất thấp so với thế giới, ở mức 2,89% trong 9 tháng đầu năm 2022. Tỷ giá USD/VND nhìn chung ổn định, VND hiện chỉ giảm khoảng 4% so với đầu năm, trong khi nhiều đồng tiền ở các nền kinh tế lớn giảm 10 - 25%.

Các chuyên gia VDSC dự báo, tăng trưởng GDP quý IV khoảng 6,3 - 6,7%, cả năm 2022 ước tăng 8,1 - 8,2%, cao hơn mục tiêu của Chính phủ (6 - 6,5%) và dự báo trước đó của VDSC (7,3%).

Tin bài liên quan