Thị trường tài chính toàn cầu đang trong giai đoạn khó khăn. Ảnh: Shutterstock.

Thị trường tài chính toàn cầu đang trong giai đoạn khó khăn. Ảnh: Shutterstock.

Cơ hội nào trong thị trường biến động?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Bối cảnh vĩ mô toàn cầu có tác động rõ rệt hơn tới thị trường tài chính trong nước, nhưng đâu đó vẫn có cơ hội cho nhà đầu tư.

Đồng pha

Thị trường tài chính toàn cầu đang trải qua giai đoạn đầy thử thách. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trung Kiên, nhà sáng lập Công ty Quản lý tài sản Vietnam Holdings Inc cho biết, bối cảnh vĩ mô thế giới hiện đang tác động xấu đến các thị trường tài chính, chứng khoán trên toàn thế giới. Tính từ đầu năm đến nay, Dow Jones mất khoảng 20% so với đỉnh, chứng khoán châu Âu khoảng trên 20%, Hang Seng khoảng 26%. Tiền điện tử Bitcoin cũng giảm khoảng 55%.

Về diễn biến giá hàng hoá, 6 tháng đầu năm 2022, nhiều mặt hàng tăng giá mạnh, nhưng hiện tại cũng đang trong đà rơi, đơn cử như giá dầu thô hiện đã quay về tương đương mức giá hồi đầu năm. Trong một diễn biến khác, các ngân hàng trung ương trên thế giới đều đang thắt chặt tiền tệ.

Theo ông Kiên, là một thị trường mở, Việt Nam cũng không là ngoại lệ khi VN-Index đã giảm khoảng 25%, thể hiện sự “đồng pha” với thị trường toàn cầu. Việc phải hoà chung với động thái thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất đang mang đến một cuộc suy thoái nhẹ, có thể kéo dài từ quý III đến hết 2022. Việc Ngân hàng Nhà nước phải nâng lãi suất đã tác động xấu tới thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cũng đưa ra bình luận về diễn biến vĩ mô thế giới, bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Công ty Chứng khoán DNSE cho rằng, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng mạnh lãi suất đồng USD điều hành thêm 75 điểm cơ bản, dẫn đến tỷ giá giữa USD/VND neo cao, khiến VND bị giảm giá so với USD khoảng 3,5 - 4% trong năm 2022, ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc có vốn vay bằng đồng USD.

Theo bà Linh, mặt bằng lãi suất chịu áp lực tăng ghi nhận rõ nét nhất đối với thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động. Có thể thấy, thanh khoản thị trường liên ngân hàng giai đoạn này không còn dồi dào so với giai đoạn trước. Mới đây, vào ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng lãi suất điều hành lên 1 điểm phần trăm do áp lực tăng lãi suất của đồng USD, cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô, đồng thời duy trì lãi suất cho vay thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là yếu tố không khả quan đối với ngành ngân hàng do chi phí huy động vốn đầu vào gia tăng trong khi đầu ra không tăng, ảnh hưởng tới thu nhập lãi NIM của các ngân hàng thương mại cổ phần.

Chính sách tiền tệ linh hoạt

“Với bối cảnh tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát, thị trường chứng khoán trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phản ứng không được tích cực do dòng tiền tìm về những nơi trú ẩn an toàn hơn như đồng USD hay trái phiếu chính phủ có lợi tức cao”, bà Linh nói và cho biết thêm, tuy nhiên, tình hình lạm phát cũng như sự mất giá đồng tiền nội địa của Việt Nam không quá nghiêm trọng so với các quốc gia khác cho thấy chính sách quản lý tiền tệ, lãi suất, lạm phát của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vẫn đang đi đúng hướng, linh hoạt, vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát, tỷ giá gia tăng, vừa ổn định tăng trưởng kinh tế.

Bình luận về tác động của tỷ giá đến thị trường tài chính Việt Nam, ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc của AFA Capital cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở cao nên tác động của tỷ giá là rất lớn.

“Gốc rễ vấn đề nằm ở sự kiện chưa bao giờ xảy ra là Covid-19, các nền kinh tế thấy tăng trưởng GDP chậm lại nên đều nới lỏng tiền tệ, và nếu không có xung đột Nga – Ukraine thì lạm phát không trầm trọng như vậy. Khi lạm phát tăng giá tiền cần được cao lên, nhiều hoạt động phải “thu” lại để giảm lạm phát”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho biết, đồng tiền nào có lãi suất cao hơn sẽ lên giá, vì về bản chất, dòng tiền sẽ chạy từ nơi có lãi suất thấp sang nơi có lãi suất cao hơn, do đó việc Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất là điều dễ hiểu để tránh “mất dòng vốn”.

“Khi Mỹ tăng lãi suất thì các quốc gia sẽ tăng lãi suất theo, kể cả các quốc gia ít thay đổi lãi suất như Thuỵ Sĩ, hay Úc, điều này để để tránh tình trạng tiền chảy ra ngoài. Khi lãi suất nhà ông hàng xóm tăng thì nhà ta cũng phải tăng để tránh tiền chảy hết sang nhà hàng xóm”, ông Tuấn ví von và cho biết thêm, muốn giữ sức mạnh đồng tiền thì buộc phải tăng lãi suất.

Ông Tuấn cho biết, các dữ liệu tài chính từ năm 1980 – 2000 phản ánh rằng, sự tăng giá của đồng đô la Mỹ sẽ có mức độ tác động khác nhau đến các quốc gia. Với các quốc gia phát triển, khi đồng đô la Mỹ tăng giá thì tăng trưởng, còn các quốc gia đang phát triển giảm -0,24%, giai đoạn 2001 – 2021 là -0,36%. Với Việt Nam, mức độ ảnh hưởng sẽ còn cao hơn vì sự biến động cao hơn, ở mức -0,56%, giai đoạn 2001 – 2021 là -0,59%, Điều này đến từ nguyên nhân, khi đồng đô la Mỹ tăng, nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút tiền, tiền chảy từ những thị trường mới nổi, đang phát triển về lại nơi có tỷ giá mạnh hơn, làm những quốc gia nhóm này mất vốn, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế rõ rệt hơn.

Nhận diện cơ hội

Dù đang trong giai đoạn khó khăn, nhưng thị trường vẫn luôn có cơ hội với các nhà đầu tư. Theo bà Linh, giai đoạn hiện tại sẽ có một số nhóm ngành chịu những tác động bất lợi. Biến động có phần tiêu cực của lãi suất cũng như tỷ giá hối đoái đồng USD/VND tăng cao sẽ làm gia tăng chi phí đối với những doanh nghiệp có cơ cấu nợ lớn bằng đồng USD. Chi phí lãi vay tăng do lãi suất tiếp tục neo cao kết hợp với việc lỗ tỷ giá khi đánh giá lại các khoản vay do tác động tỷ giá. Ngoài ra, ngành ngân hàng nói chung cũng sẽ chịu những tác động không khả quan do một số nguyên nhân: tăng trưởng hạn mức tín dụng hạn chế đến cuối năm vì Ngân hàng Nhà nước ưu tiên kiểm soát lạm phát; tỷ lệ CASA giảm do khách hàng rút tiền về phục vụ hoạt động kinh doanh khi tín dụng bị siết chặt; NIM không khả quan do mặt bằng lãi suất huy động tăng trong khi lãi suất cho vay thấp.

Trong khi đó, nhóm ngành được hưởng lợi sẽ là nhóm vận tải dầu khí, bảo hiểm. Lý do là bởi xung đột Nga – Ukraine vô hình trung đã tái định hình dòng chảy dầu thô trên toàn cầu, làm thay đổi các tuyến đường vận chuyển, khiến các chuyến đi dài hơn (EU chuyển sang nhập khẩu từ Trung Đông, Nga chuyển hướng sang các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ), dự báo sẽ làm tăng giá cước tàu chở xăng dầu. Các cổ phiếu tiềm năng có thể kể đến như: PVT, GSP, PVP.

Còn với ngành bảo hiểm, đây là ngành ít rủi ro và được hưởng lợi từ việc tăng lãi suất. Các cổ phiếu tiềm năng có thể kể đến là: MIG, BMI.

Còn theo ông Kiên, việc Chính phủ vẫn đẩy mạnh xuất khẩu để duy trì tăng trưởng, cùng với tỷ giá tăng đang mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là với các thị trường như Mỹ. Cùng với đó là nhóm ngành bảo hiểm hưởng lợi khi lãi suất tiền gửi tăng.

Với các ngành chịu tác động tiêu cực, theo ông Kiên, có thể kể đến ngành bất động sản, chứng khoán, ngân hàng. Lý do là siết tín dụng, lãi suất tăng cao, khó triển khai dự án mới (với nhóm bất động sản), room tín dụng năm 2022 thay đổi không nhiều so với năm 2021 (với nhóm ngân hàng) và thị trường suy giảm khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng (với nhóm chứng khoán).

Tin bài liên quan